Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Một sớm mai đầu đông se se lạnh, tôi thấy mình trở nên thật nhỏ bé, thật ấm áp khi bước chân qua cánh cổng khép hờ của ngôi nhà tịch lặng trong con ngõ số 16 đường Hải Thượng Lãn Ông. Bên khung cửa sổ sáng đèn, một ông già tóc bạc trắng đang dò từng con chữ. Người gọi ông là nhà nghiên cứu, người gọi ông là nhà địa phương học nhưng với tôi ông Lê Trần Sửu là một đốm lửa hồng lặng lẽ giữa Thành Sen.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Tôi từng biết về ông Lê Trần Sửu qua những câu chuyện thuở sinh thời của nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh. Tôi cũng từng gặp ông Lê Trần Sửu trong những cuốn sách về các vùng đất, danh nhân Hà Tĩnh. Ông cùng tuổi với cụ Võ Hồng Huy và hơn cụ Thái Kim Đỉnh một tuổi. Suốt cả buổi chuyện trò, ông luôn nhắc đến 2 người bạn viết với niềm thương nhớ khôn nguôi.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Ông kể lại, năm 1959, khi Hà Tĩnh thành lập Hội Văn nghệ, trở thành hội viên chuyên ngành văn xuôi, ông bắt đầu quen biết với ông Võ Hồng Huy và ông Thái Kim Đỉnh. Trước đó ông cũng đã từng viết rất nhiều truyện ngắn, ký đăng tải ở nhiều tờ báo và ông cũng từng rất ngưỡng mộ tài năng, tâm huyết của 2 nhà nghiên cứu văn hoá dân gian ấy. Ông cũng chia sẻ rằng, khi đã trở thành bạn viết với nhau, ông học được ở ông Huy và ông Đỉnh rất nhiều, nhất là trong những lần đi điền dã cùng nhóm địa phương học Hà Tĩnh.

Trước đây, khi tiếp xúc với cụ Thái Kim Đỉnh, cụ cũng thường nói về việc học ở người bạn này, người bạn kia. Tôi hiểu đó là biểu hiện của sự khiêm nhường và sự trân trọng mà các cụ dành cho bạn viết của mình. Thực ra, các cụ đều là những người được sinh ra trong những gia đình có truyền thống khoa bảng và đều được học hành từ nhỏ nên ai cũng rất ham học hỏi.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Nhà địa phương học Lê Trần Sửu sinh năm Ất Sửu (1925) là một người con của quê hương Đức Thọ. Cụ nội của ông (cụ Lê Dụ) đã từng là khâm sai đại thần, từng giữ chức tổng đốc An Tĩnh, cha ông là thầy giáo nên ông cũng sớm được mẹ định hướng cho theo con đường học hành khoa bảng. Ông là cựu học sinh trường Quốc học Vinh, tốt nghiệp Thành chung (Cao đẳng Tiểu học) rồi ra Hà Nội theo học trường Trung học Bảo hộ (Trường Chu Văn An ngày nay).

Năm 1945 ông tham gia Việt Minh, khởi nghĩa giành chính quyền ở quê mẹ Yên Phúc (nay là Yên Hồ - Đức Thọ). Chính những ngày tham gia khởi nghĩa đã cho ông rất nhiều lý tưởng, hoài bão và ý chí để tiếp tục nghiệp đèn sách. Năm 1946, ông Lê Trần Sửu lại theo học Trường Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng tại Đức Thọ. Năm 1947 ông được bổ nhiệm dạy trường Trung học kháng chiến Bình Trị Thiên (trường dành cho con em Bình Trị Thiên sơ tán ra vùng tự do) ở Hương Khê.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Trong công việc của một nhà giáo, ông đã đến rất nhiều vùng khác nhau ở Hà Tĩnh và với tố chất văn chương, ông đã tích luỹ được rất nhiều tư liệu quý giá. Trong quá trình dạy học, ông chủ yếu biết bút ký, truyện ngắn về những câu chuyện, nhân vật mà ông đã gặp. Sau này, trong lời tựa cuốn “Lê Trần Sửu – tác phẩm chọn lọc”, nhà văn Đức Ban cho rằng: “5 tập truyện ngắn và bút ký của ông đã góp phần làm phong phú và đa dạng đời sống văn xuôi Hà Tĩnh những năm trong và sau kháng chiến chống Mỹ”. Thế nhưng với ông, truyện ngắn và bút ký không phải là “sự nghiệp viết lách” của ông.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Những năm tháng dạy học đã đưa ông đi qua nhiều miền quê và ở mỗi nơi ông lại thu về rất nhiều thông tin về đất về người. Thói quen của một người viết đã thôi thúc ông ghi chép lại tất cả. Ông cho rằng, đất và người Hà Tĩnh đều có những nét độc đáo riêng biệt. Các nhà nghiên cứu đã đánh thức nhưng chưa hết. Với những tư liệu ghi chép được, ông cũng có viết một số bài có tính nghiên cứu. Tuy nhiên, lúc bấy giờ ông chưa định hình rõ con đường nghiên cứu của mình.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Sau này, khi đã nghỉ hưu, ông bắt đầu nghĩ đến chuyện đánh thức những tư liệu ấy. Năm 1991, thầy giáo Lê Trần Sửu chính thức trở thành Hội viên Hội văn nghệ dân gian Hà Tĩnh, là thành viên nhóm địa phương học Hà Tĩnh. Ông bắt đầu định hình cho mình nghiên cứu theo 3 mảng: Sự kiện lịch sử, danh nhân và danh thắng. Ông đã cùng với các nhà nghiên cứu văn hoá Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Hồ Hữu Phước, Nguyễn Bân, Lê Văn Tùng… đi điền dã rất nhiều miền quê và khảo cứu, giới thiệu các di sản văn hoá truyền thống, các danh nhân Hà Tĩnh.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Ông chia sẻ, tôi may mắn được học tiếng Pháp và đó là cơ sở để tôi tiếp cận được nhiều hơn với tri thức nhân loại. Tuy nhiên, tôi luôn biết ơn ông Võ Hồng Huy vì đã dạy chữ Hán cho mình. Có vốn liếng về chữ Hán mới có thể tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn về những giá trị văn hoá cổ truyền của cha ông. Cũng nhờ tinh thần học hỏi không ngừng ấy mà trong quá trình nghiên cứu văn hoá dân gian của mình, ông Lê Trần Sửu đã có nhiều bài viết về một số sự kiện, nhân vật quan trong trong lịch sử dân tộc, đã giới thiệu được nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng của quê hương. Trong đó, nhiều bài viết đã được các tờ báo, tạp chí chuyên ngành đăng tải và nhiều bài được tập hợp trong các công trình di địa chí của các địa phương.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Trong câu chuyện của mình, ông luôn tỏ ra tiếc nuối vì nỗi còn rất nhiều giá trị của Sông La – Núi Hồng còn chưa được đánh thức. Thế hệ của các ông giờ người đã đi xa, người còn thì mắt mờ, chân yếu, tâm huyết đến mấy cũng không thể thực hiện được. Ông nói rồi đeo chiếc mục kỉnh vào đôi mắt đã mờ đục, lần giở từng bài viết trong cuốn sách mới được hỗ trợ xuất bản cách đây 2 năm. Tôi biết, vẫn đang còn rất nhiều bài viết, rất nhiều công trình nghiên cứu của ông đang ở dạng bản thảo chưa được tập hợp thành sách. Và, đó vẫn là nỗi đau đáu khôn nguôi của ông trước khi ông trăm tuổi.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Trong tất cả những người kính yêu Đại thi hào Nguyễn Du và yêu mến truyện Kiều, tôi chưa từng thấy ai dành một tình yêu kỳ lạ như ông Lê Trần Sửu. Ông cho hay, 10 năm nay ông chỉ tập trung nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều. Và, từ nay cho đến lúc trăm tuổi, nếu trời còn cho sức khoẻ thì ông cũng chỉ dành tâm sức để nghiên cứu, đánh giá về Nguyễn Du, Truyện Kiều và kho tàng văn học trong dòng họ Nguyễn Tiên Điền.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Hiện nay, ông Lê Trần Sửu có chừng 1 đầu sách quý liên quan đến cuộc đời Nguyễn Du. Trong đó, có một số cuốn sách hiếm. Từ những nghiên cứu đó, những năm qua ông đã có hàng loạt bài viết về Nguyễn Du, về Truyện Kiều qua lăng kính của riêng ông. Trong đó, có một số bài viết độc đáo như: “Tại sao gọi Nguyễn Du là đại thi hào”, “Truyện Kiều trong muôn màu công tác cách mạng của Bác Hồ”, “Bắc hành tạp lục – cuộc đối thoại của Nguyễn Du với lịch sử văn hoá và xã hội đương đại Trung Quốc”, “Thơ văn của Nam Song – Nguyễn Hành viết về Nguyễn Du”…

Một lòng đau đáu với Nguyễn Du nên khi chúng tôi hỏi về mong ước của ông, ông một mực nói rằng, tôi chỉ mong những tác phẩm liên quan đến Nguyễn Du đều được in ra và bày bán ở khu lưu niệm. Có như thế chúng ta mới lan toả được những giá trị mà Nguyễn Du để lại cho đời.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu bên người bạn đời năm nay cũng đã ngoài 80 tuổi.

Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu – Đốm lửa hồng lặng lẽ

Cho đến khi chúng tôi đã bước ra khỏi cánh cổng khép hờ ngôi nhà của ông Lê Trần Sửu, những mong muốn ấy như vẫn còn dấy lên rất thao thiết. Và khi mở máy ảnh ra xem lại những khuôn hình vừa chụp, thì trước mắt chúng tôi là một cụ già tóc bạc với đôi mắt dẫu đã mờ đục vẫn còn ánh lên những đốm lửa hồng của niềm say mê, của sự tâm huyết với những giá trị văn hoá của quê hương. Ông chính là một đốm lửa hồng đượm màu xưa cổ vẫn lặng lẽ cháy giữa phố thị hiện đại Thành Sen.

ảnh & thiết kế: huy tùng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast