Quốc phòng - An ninh

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”

Ngoài nhiệm vụ “xương sống” đảm bảo ANTT ở cơ sở, “hạ nhiệt” các điểm nóng, lực lượng công an xã, thị trấn ở Hà Tĩnh còn là điểm tựa cho Nhân dân trong thiên tai, dịch bệnh. Bình dị, gần gũi với bà con trong cuộc sống đời thường, được quần chúng tin tưởng, yêu mến nên mối quan hệ giữa lực lượng công an với Nhân dân ngày càng thêm gắn kết, bền chặt.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”

“Gắng chút nữa thôi bác!”, sau khi trả lời cuộc gọi khẩn từ người nhà ông Nguyễn Văn Toàn (50 tuổi, thôn Liên Vinh, xã Thạch Đài, Thạch Hà) - bệnh nhân cần cấp cứu gấp, Đại úy Phạm Duy Triết - Trưởng Công an xã Thạch Đài cấp tốc lên đường. Suốt chặng đường 2 km chạy bộ theo xe máy đưa thuyền cứu hộ vào vùng nước lũ, gió rít, tâm trí anh chỉ hiển hiện mỗi hình ảnh người bệnh đang khẩn thiết chờ đợi sự ứng cứu.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Đại úy Phạm Duy Triết – Trưởng Công an xã Thạch Đài.

Cũng trong trận lũ đó, Đại úy Phạm Như Sơn - Trưởng Công an xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên) cùng đồng đội đã lao vào những điểm xung yếu nhất để hỗ trợ, trực tiếp ứng cứu kịp thời 70 người dân thoát hiểm trong gang tấc. “Vì Nhân dân quên mình”, thậm chí Đại úy Phạm Như Sơn đã suýt bị nước cuốn trôi sau 2 ngày lăn xả trong mưa bão.

Những câu chuyện, hình ảnh chiến sỹ công an băng mình trong nước lũ giúp người dân lúc hiểm nguy của những ngày Hà Tĩnh chịu sự càn quét bởi trận lũ lịch sử 2020 như tình huống của Đại úy Triết, Đại úy Sơn càng làm người dân thêm tin tưởng, yêu quý những người công an được phân công nhiệm vụ gắn bó với cơ sở. Lời tri ân của cụ bà Lê Thị Tần (70 tuổi, thôn Trần Phú, xã Cẩm Duệ) vào thời điểm đó đã nói lên tất cả: “Chỉ có những người cán bộ vì dân mới thấu hiểu, hy sinh vì dân, chúng tôi biết ơn lắm lắm”.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Đại úy Phạm Duy Triết – Trưởng Công an xã Thạch Đài, người luôn được bà con nhân dân xã Thạch Đài tin yêu, quý mến.

Giữa “cơn bão” dịch COVID-19, công an xã, thị trấn căng mình với nhiệm vụ “kép” khi vừa giữ vững ANTT, vừa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Với lợi thế thông thuộc địa hình, nắm rõ địa bàn, công an xã, thị trấn luôn có mặt từ sớm, trở thành người dẫn đường tin cậy, chỉ dẫn các vị trí cắm chốt, chặn tuyến, đảm bảo an toàn cho lực lượng phòng dịch. Các anh cũng sẵn sàng giúp đỡ bà con trong mọi tình huống khẩn cấp. Hình ảnh bữa cơm vội, bát mỳ nguội lạnh để kịp giờ lên đường, 24/24h cắm chốt hay bức ảnh các chiến sĩ công an cùng lực lượng trực gác trong đêm mưa đã lay động trái tim người dân.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Lực lượng Công an xã Hà Tĩnh luôn vì dân phục vụ trong mọi hoàn cảnh.

Trở về với cuộc sống đời thường, hình ảnh công an xã, thị trấn lại in đậm trong chặng hành trình xây dựng NTM. Ngoài việc cùng hỗ trợ chính quyền thực hiện nhiệm vụ chính trị, giúp dân làm NTM cũng là phương thức hiệu quả để các anh gần dân, hiểu và thấm được phong tục, tập quán nơi mình công tác. “Hằng ngày, công an xã dành phần lớn thời gian xuống cơ sở để trao đổi, nắm bắt thông tin, tranh thủ các diễn đàn để lắng nghe và giải quyết tâm tư, nguyện vọng của dân. Rất nhiều việc không tên, vất vả đêm hôm, làm thêm giờ và không có thứ 7, chủ nhật là chuyện thường tình của mỗi cán bộ công an xã” - bà Nguyễn Thị Nhàn (xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) không ngớt lời khen ngợi.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Hoạt động giúp dân làm NTM cũng là phương thức hiệu quả để công an xã gần dân, hiểu và thấm được phong tục, tập quán nơi mình công tác.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy đánh giá: “Trong tình huống khẩn cấp, lực lượng đầu tiên mà cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nghĩ tới là công an xã. Các anh không chỉ nắm chắc về nghiệp vụ, được đào tạo bài bản về chuyên môn mà quan trọng hơn, luôn nhiệt tình, lăn xả. Từ sự từng trải, va chạm và kinh nghiệm dày dặn trong nghiệp vụ, công an xã cũng làm tốt vai trò kết nối với các lực lượng khác để tạo thành sức mạnh tổng lực. Các anh trở thành chỗ dựa vững chắc cho chính quyền, cho bà con”.

Những tình cảm mến yêu của người dân và sự ghi nhận của cấp ủy, chính quyền cơ sở cho thấy mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt được Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh khi triển khai Đề án “đưa công an chính quy về đảm nhận chức danh công an xã” đó là “gần dân, bám cơ sở” đã đi vào thực tiễn và vun đắp thêm hình ảnh người chiến sỹ “vì dân quên mình, vì dân phục vụ”.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”

Chỉ trong năm 2020-2021, Bộ Công an vận hành 2 dự án lớn gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD). Sau khi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang cấp thiết bị, bắt đầu từ tháng 1/2021, Hà Tĩnh chính thức triển khai cấp thẻ căn cước cho công dân và cũng từ đây, công an toàn tỉnh bước vào chiến dịch lịch sử của ngành. Trong đó, công an xã, thị trấn được xác định là lực lượng nòng cốt.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Công an xã được xác định là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong triển khai thực hiện 2 dự án lớn gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD).

Với địa bàn vùng sâu, vùng xa như xã Hương Liên (Hương Khê), việc cấp thẻ CCCD vất vả hơn bao giờ hết. Toàn xã có tất cả 5 thôn, 1 bản dân tộc Chứt với 709 hộ, 2.414 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc có 46 hộ, 146 nhân khẩu. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ mù chữ cao nhất huyện, nhiều người không có khả năng đọc, viết, kê khai hồ sơ dẫn đến tàng thư hộ khẩu bị thiếu thông tin. Không chỉ vậy, đồng bào dân tộc Chứt có gần 30% công dân bị mất giấy tờ tùy thân và hồ sơ gốc dẫn đến việc làm sạch dữ liệu càng thêm gian nan.

“Là xã vùng sâu, vùng xa, lực lượng mỏng, địa bàn rộng, việc thu thập dữ liệu dân cư đòi hỏi sự nhiệt huyết của từng cán bộ công an xã. Chúng tôi phải đến từng nhà, gặp gỡ trao đổi từng trường hợp để tiến hành điều tra cơ bản, lập danh sách rà soát, chia thành các nhóm đối tượng cụ thể và vận động bà con làm CCCD”, Đại úy Phan Thanh Hương - Trưởng Công an xã Hương Liên nhớ lại.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Công an xã Hương Liên đã đến từng nhà, gặp gỡ trao đổi từng trường hợp để tiến hành điều tra cơ bản, lập danh sách rà soát, chia thành các nhóm đối tượng cụ thể.

Nỗ lực vượt khó của Công an xã Hương Liên đã đạt kết quả khi 1.580 công dân đủ điều kiện trên địa bàn được cấp căn cước (đạt tỷ lệ 100%). Ngoài Hương Liên, chiến dịch cấp CCCD kéo dài hơn 2 năm đã ghi dấu ấn đậm nét của công an 194 xã, thị trấn còn lại. Cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực không quản ngày đêm, làm việc theo phương châm “hết việc chứ không hết giờ”. Đặc biệt, việc các chiến sỹ tham gia các tổ công tác lưu động, không quản ngại khó khăn, nắng mưa, vất vả, đến từng gia đình làm CCCD cho người già yếu, người tàn tật đi lại khó khăn đã tạo dấu ấn đặc biệt.

Bà Hồ Pich cảm ơn sự giúp đỡ của lực lượng công an xã.

Những ngày căng mình thực hiện chiến dịch cấp CCCD cũng đồng nghĩa với việc lực lượng công an xã, thị trấn bước vào thử thách được đánh giá là chưa từng có. Khối lượng công việc lớn, không dễ thực hiện và chưa có kinh nghiệm để nghiên cứu, học hỏi, song, lực lượng công an mỗi đơn vị đều thể hiện quyết tâm lớn, tính chủ động cao thông qua các “kịch bản” được xây dựng, để rồi từ chiến dịch này, các anh có cơ hội cọ xát, lăn xả, đúc rút được kinh nghiệm tốt, cách làm hay. Sau 2 dự án lớn, quan trọng, đặt nền móng cho chuyển đổi số là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với sản xuất, cấp, quản lý CCCD đạt được nhiều thành tựu, Hà Tĩnh đã có nền tảng vững chắc để tiếp tục gặt hái được những thành công mới trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Nỗ lực vượt khó của Công an xã Hương Liên đã thu về quả ngọt khi 1.580 công dân đủ điều kiện trên địa bàn được cấp căn cước (đạt tỉ lệ 100%).

Sau 1 năm thực hiện Đề án 06 với nhiều giải pháp đột phá, linh hoạt, sáng tạo và đồng bộ, lực lượng công an toàn tỉnh nói chung, công an xã, thị trấn nói riêng đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm hướng tới “số hóa” định danh công dân trên địa bàn. Nhiều phong trào thi đua thực hiện đề án đã được phát động trong các cấp, ngành, tạo không khí sôi nổi đến từng đơn vị, cán bộ, chiến sỹ.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Những ngày căng mình thực hiện chiến dịch cấp CCCD cũng đồng nghĩa với việc lực lượng công an xã bước vào thử thách được đánh giá là chưa từng có.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của lực lượng công an, đến nay, Hà Tĩnh đã cấp được 1.125.702/1.204.093 CCCD cho người đủ điều kiện (đạt tỷ lệ 93,5%), trong đó cấp được 1.125.702/1.125.729 CCCD cho người đang có mặt trên địa bàn (đạt tỷ lệ 99,9%); kích hoạt 377.853/859.268 tài khoản mức 1 và mức 2, đạt tỷ lệ 44%.

Hà Tĩnh cũng là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ cấp CCCD và xếp thứ hai về tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Toàn tỉnh có 24 xã đã hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân đủ độ tuổi trên địa bàn. Đặc biệt, Công an xã Thạch Kênh (Thạch Hà) vinh dự là 1 trong 6 xã đầu tiên trong cả nước hoàn thiện việc cấp CCCD cho 100% công dân đủ độ tuổi trên địa bàn, được Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Đến nay, Hà Tĩnh đã cấp được 1.120.269/1.192.722 công dân đủ điều kiện cấp CCCD (tỉ lệ 93,9%).

Đánh giá về vai trò của lực lượng công an xã, thị trấn trong chiến dịch lịch sử của ngành, Thượng tá Trần Hữu Cảnh - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) ghi nhận: Là lực lượng nòng cốt, công an xã, thị trấn đã phát huy sức mạnh, bảo đảm duy trì dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ các nhiệm vụ của đề án. Mỗi cán bộ, chiến sỹ đã nỗ lực làm việc bằng quyết tâm cao, trách nhiệm lớn; luôn chủ động đi đầu, triển khai đồng bộ các giải pháp để cấp thẻ căn cước, thực hiện Đề án 06 đúng tiến độ, sớm đưa “chiến dịch” đến ngày thắng lợi”.

“Vì Nhân dân, chúng tôi luôn sẵn sàng!”
Đề án 06 cũng đã mở ra những bước tiến mới nhằm hoàn thiện quy chuẩn quản lý Nhà nước ở mức cao hơn, tiệm cận với xu thế quốc tế.

Từ thực tiễn công tác, cống hiến những năm qua cho thấy vai trò to lớn của lực lượng công an xã, thị trấn trong đảm bảo ANTT ở cơ sở, tạo niềm tin trong Nhân dân. Tuy vậy, trước những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế và triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng lực lượng công an xã, thị trấn vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh ở cơ sở, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Bài 1: “Lá chắn thép” trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm

Bài 3: Chuyên nghiệp, chính quy để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

BÀI & ẢNH: THÙY DƯƠNG – VĂN CHUNG

THIẾT KẾ: CÔNG NGỌC

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.