Cấm nhập máy cũ 'trói chân' doanh nghiệp

Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tuy chưa có hiệu lực nhưng đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía cộng đồng doanh nghiệp (DN) máy móc, thiết bị xây dựng, nông nghiệp. Nhiều DN có nguy cơ phá sản nếu quy định này được thực hiện.

Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, hầu hết ý kiến của các DN và đơn vị đại diện cho cộng đồng DN máy móc xây dựng, máy nông nghiệp... đều cho rằng, các quy định trong thông tư 20 vừa không khả thi, vừa gây khó cho DN.

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam, cho rằng TT20 quy định các máy móc cũ nhập khẩu với điều kiện chất lượng phải còn từ 80% trở lên so với ban đầu là rất khó thực hiện. “Bằng cách nào để xác định máy móc còn chất lượng bao nhiêu phần trăm? Chúng tôi làm trong ngành kiểm định chất lượng khá lâu nhưng chưa bao giờ xác định được máy móc còn bao nhiêu phần trăm”, ông Hải băn khoăn.

Ngành cơ khí Việt Nam còn yếu nên các DN buộc phải nhập nhiều máy móc, thiết bị cũ từ nước ngoài. Ảnh minh họa
Ngành cơ khí Việt Nam còn yếu nên các DN buộc phải nhập nhiều máy móc, thiết bị cũ từ nước ngoài. Ảnh minh họa


GS. TS Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thắc mắc: “Làm thế nào để biết được máy móc đó còn chất lượng 80% vì không ai có thể tháo hết máy móc ra để giám định chất lượng được. Lo lắng của Nhà nước là làm sao không biến Việt Nam thành bãi rác thải của thế giới nhưng thước đo khoa học công nghệ của ta hiện rất mơ hồ”.

Không chỉ cho rằng quy định này thiếu tính thực tế, các DN còn bức xúc vì nếu theo quy định này, các máy móc cũ nhập khẩu phải có thời gian sử dụng không quá 3-7 năm tùy từng loại. Điều này không hợp lý với điều kiện Việt Nam hiện nay, khi hầu hết máy móc xây dựng đều phải nhập khẩu cũ do trong nước không sản xuất được, còn giá mua mới lại quá cao.

Ông Doãn Quý Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Máy xây dựng Kim Long, cho biết hầu hết máy móc cũ được các DN nhập về là máy từ Nhật và một số nước châu Âu nên tuy máy cũ nhưng chất lượng sử dụng có khi hơn hẳn máy mới mua từ Trung Quốc.

“Nếu quy định niên hạn sử dụng 3-7 năm thì đời máy cũ được nhập phải rơi vào những năm 2007 trở lại đây. Trong khi những đời máy trước đó, thậm chí máy đời năm 2000 vẫn nhiều máy tốt. Nếu DN phải mua máy mới hơn với giá cao hơn nhiều lần thì làm sao DN kham nổi” - ông Huỳnh than thở.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồng Hà cùng chung nhận định khi cho rằng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn những loại máy phù hợp với công trình của mình.

“Doanh nghiệp tôi đã từng mua 1 tổ hợp xe máy bơm bê tông đời mới có giá hơn 11 tỷ đồng, nhưng khi đưa vào sử dụng đã không mang lại hiệu quả hơn so với những dòng máy cũ theo tiêu chuẩn châu Âu lại có giá thành rẻ. Máy móc thiết bị cốt yếu phải đạt được hiệu suất sử dụng, và đảm bảo độ an toàn cũng như các tiêu chuẩn chung đã quy định khi đăng kiểm và kiểm định. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng không dại gì đầu tư máy móc, thiết bị quá cũ nát để tốn chi phí sửa chữa cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động trong quá trình sử dụng”, ông Quỳnh nói.

Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, chia sẻ: “Đồng ý việc hạn chế nhập máy cũ càng nhiều càng tốt nhưng năng lực của chúng ta chưa đủ để nhập máy móc mới, công nghệ cao, chất lượng tốt. Vậy thì thà nhập máy cũ nhưng vẫn còn tốt còn hơn nhập máy mới mà chất lượng kém”.

Về phía cơ quan ban hành văn bản gây tranh cãi trên, bà Trần Tuyết Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KHCN, lý giải: “Bên cạnh những DN làm ăn nghiêm túc thì cũng có những DN làm ăn vụ lợi, sang nước ngoài thấy một bãi máy móc bỏ đi họ nhập về, tân trang lại để bán. TT 20 ra đời nhằm điều chỉnh hoạt động nhập máy móc cũ trong toàn xã hội”.

Cũng theo bà Nhung, Thông tư 20 đến ngày 1/9 tới sẽ có hiệu lực thi hành, tuy nhiên, Bộ KHCN vẫn sẽ tiếp thu ý kiến của các DN để điều chỉnh thông tư nếu thấy hợp lý.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast