Lúng túng quản lý giá sữa

Dự kiến tháng 4/2014, liên Bộ Tài chính - Công thương sẽ công bố kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa để làm rõ việc tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quản lý giá.

Dự kiến tháng 4/2014, liên Bộ Tài chính - Công thương sẽ công bố kết quả thanh tra 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa để làm rõ việc tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quản lý giá. Nguyên do từ đầu năm đến nay, một số doanh nghiệp sữa đã liên tục tăng giá và có doanh nghiệp còn tự ý điều chỉnh giá mà không báo cáo Bộ Tài chính, khiến dư luận bức xúc.

Giá sữa liên tục tăng khiến người dân bất bình.
Giá sữa liên tục tăng khiến người dân bất bình.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 17/3, ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Lúng túng trong quản lý giá sữa đã kéo dài từ rất nhiều năm nay và đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp.

Kiểm tra chặt các yếu tố cấu thành giá

Những công ty sữa đang bị thanh tra là: Công ty Mead Johnson, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Friesland Campina Việt Nam và Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A - nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott. Đây là các doanh nghiệp chiếm thị phần chính trên thị trường sữa Việt Nam. Liên Bộ Tài chính và Công Thương đang thu thập các số liệu, thanh tra, kiểm tra các yếu tố cấu thành giá sữa và xác minh làm rõ có việc các doanh nghiệp sữa cùng “bắt tay” tăng giá hay không? Khi có kết quả cuối cùng, các bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các biện pháp xử lý.

Từ đầu năm đến nay, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa đã tự ý tăng giá bán. Đơn cử: Công ty TNHH Nestlé Việt Nam - đơn vị phân phối dòng sữa Nan đã tăng giá 11 sản phẩm với mức 7 - 9% từ ngày 31/1 nhưng phải tới ngày 12/2, Bộ Tài chính mới nhận được giải trình của doanh nghiệp. Còn Công ty Friesland Campina Việt Nam và Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A vẫn giữ nguyên giá bán như cũ và đang giải trình nguyên nhân xin tăng giá với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Riêng Vinamilk được tăng giá bán sau khi có sự chấp thuận của Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.

“Nếu trường hợp sau khi thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Để bình ổn giá sữa, Bộ Tài chính có thể áp dụng các biện pháp theo quy định của Luật Giá. Trong trường hợp giá sữa tiếp tục có diễn biến tăng, thậm chí có thể tính tới biện pháp áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa này theo đúng quy định của Luật Giá”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nói.

Liên quan tới vấn đề này, Giám đốc đối ngoại một hãng sữa cho hay: Việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa bột đã được Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đề xuất từ năm 2009. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan ban hành mức giá trần và đơn vị nào bán vượt quá sẽ bị phạt rất nặng. Tuy nhiên, đến nay, biện pháp này chưa từng được áp dụng.

Một số ý kiến cho rằng: Việc đưa ra mức giá trần cho các sản phẩm sữa không phải là chuyện đơn giản. Mỗi hãng sữa đều có cơ cấu giá thành sản phẩm khác nhau dựa trên nguồn nguyên liệu, giá nhân công, quy mô sản xuất, tổ chức nhân sự, hệ thống phân phối khác nhau. Cũng có doanh nghiệp sữa đặt câu hỏi: Nếu áp giá trần thì theo giá sữa nội hay sữa ngoại, bởi giá sữa nội hiện chỉ bằng 50 - 60% sữa ngoại. Việc kiểm soát giá sữa theo giá trần cũng rất khó áp dụng cho số lượng lớn chủng loại sữa.

Loại bỏ các chi phí bất hợp lý

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhấn mạnh: Sữa là mặt hàng thiết yếu nên cần được kiểm soát giá chặt chẽ. Hiện nay, sữa nhập ngoại chiếm thị phần khá lớn. Các công ty sữa trong nước cũng phụ thuộc nhiều vào vùng nguyên phụ liệu nhập khẩu. Do đó, để kiểm soát được giá sữa nhập khẩu và bán tại thị trường của các doanh nghiệp có hợp lý hay không thì cần có sự phối hợp của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để xác định giá nhập khẩu.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để quản lý giá sữa, với những công ty chỉ nhập sữa về rồi bán lại, có thể quản lý giá bằng phương pháp so sánh (lấy giá trong nước so sánh với giá thế giới sau khi trừ các chi phí). Với các công ty sữa sản xuất trong nước, có thể áp dụng kiểm soát chi phí.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng: Bất cập lớn nhất hiện nay là do cầu vượt quá cung nên không gây sức ép cho các hãng sữa cạnh tranh nhau để giảm giá. Thị trường sữa hiện có khoảng 200 doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu và sản xuất sữa. Thông thường, nếu đông doanh nghiệp như vậy thì các hãng phải cạnh tranh rất khốc liệt, giảm giá để thu hút khách mua. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu sữa của người dân quá lớn, đặc biệt sữa dành cho trẻ em, người già, người ốm nên có những chuyên gia hoài nghi: Không loại trừ các hãng sữa đã thông đồng với nhau để đầu cơ hoặc làm giá?

Theo ông Phú, việc kiểm soát mặt hàng sữa hiện rất khó khi thị trường có tới 500 nhãn hàng sữa khác nhau. Để giải quyết bài toán cung cầu hiện nay, đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Các tổng công ty thương mại lớn của Nhà nước phải vào cuộc để nhập khẩu, phân phối các mặt hàng này để tránh tư nhân lũng đoạn giá.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng: Hầu hết các loại sữa bột trẻ em nhập khẩu đều có chênh lệch giá mua và giá bán lẻ khá cao. Thị trường sữa đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp hạ thấp giá nhập khẩu khi tính thuế để trốn thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp. Cũng có tình trạng thỏa thuận gửi giá giữa nhà nhập khẩu và công ty xuất khẩu để làm tăng giá bán. Đáng lưu ý, có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối chuyển một phần chênh lệch giá sang quảng cáo và khuyến mại, hội thảo để trốn thuế…

Không ít người cho rằng: Bộ Tài chính cần phải “tuýt còi” về các khoản chi phí bất hợp lý trong các khâu phân phối, quảng cáo, tiếp thị khiến sữa đội giá. Kết quả thanh tra, kiểm tra việc chấp hành về thuế của vài năm gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh sữa ngoại có vi phạm về chi phí quảng cáo, có doanh nghiệp chi quảng cáo tới 40%.

Minh Phương

Nguồn: baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast