Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh
Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh

Video: Ông Nguyễn Duy Hòa kể chuyện về Cách mạng tháng Tám ở Cẩm Xuyên.

.....

Ông Nguyễn Duy Hòa là con thứ 6 trong một gia đình nông dân có 12 người con ở làng Kiều Mộc (hay còn gọi là Cầu Mộc), xã Thổ Ngọa xưa, nay là thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên. Trước tháng 9/1945, trong chế độ thực dân phong kiến, cũng như nhiều làng quê khác ở Hà Tĩnh, người dân Cẩm Hà sống trong cảnh bị áp bức, bóc lột, đời sống lầm than. Chứng kiến cảnh đó, ông Hòa đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng.

Đi theo cách mạng, ông Hòa được các đồng chí trong Chi bộ làng Kiều Mộc lúc bấy giờ giao nhiệm vụ làm thông tin liên lạc và tự vệ, bảo vệ các cuộc hội họp bí mật của tổ chức Đảng tại địa phương. Ngày 13/8/1945, Phân khu Việt Minh Nam Hà tổ chức hội nghị bí mật tại thôn Hải Nam (xã Cẩm Nhượng) nhận định thời cơ đã đến và quyết định kế hoạch, biện pháp tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh.

Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Duy Hòa (bên phải) trò chuyện cùng Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hà - Lê Văn Sơn.

Tại hội nghị, Ủy ban Khởi nghĩa Nam Hà đã phát lệnh khởi nghĩa đến các tổ chức Việt Minh trong toàn tỉnh. Tại Cẩm Hà, 2 ủy ban khởi nghĩa đã nhanh chóng được thành lập tại thôn Kiều Mộc và Xuân Lộc. Ngoài chuẩn bị lực lượng để giành chính quyền cấp xã, cấp trên còn giao xã thành lập 2 đội tự vệ để tham gia giành chính quyền ở huyện, trong đó, ông Nguyễn Duy Hòa được bầu làm Đội trưởng Đội tự vệ làng Kiều Mộc.

Ông Hòa kể: “Tối 16/8/1945, sau khi tin khởi nghĩa giành chính quyền ở Can Lộc bay về, Ủy ban Khởi nghĩa thôn Kiều Mộc tổ chức họp bí mật tại cánh đồng Bảy - nơi hoang vắng ít người qua lại để chuẩn bị mít tinh, biểu tình lên huyện lỵ vào sáng hôm sau. Nhận nhiệm vụ, anh em trong đội tự vệ ai cũng háo hức, mong trời sáng”.

Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh

Cánh đồng Bảy (thôn Tiến Thắng, Cẩm Hà) - nơi diễn ra nhiều cuộc hội họp bí mật của tổ chức Đảng địa phương những năm 1930-1945.

Ngày 17/8/1945, ông Nguyễn Duy Hòa dẫn Đội tự vệ làng Kiều Mộc hòa vào dòng người với hàng nghìn cán bộ, đồng bào các xã lân cận, tiến về mít tinh biểu tình, thị uy tại Giếng Vàng (nay là thị trấn Cẩm Xuyên) sau đó kéo về Đồn Trường (nay là trụ sở UBND xã Nam Phúc Thăng) mang theo gậy gộc, giáo mác, lê… hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo phát xít Nhật! Hoan hô phái bộ Việt Minh! Việt Nam độc lập muôn năm! Mặt trận Việt Minh muôn năm!”.

Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh

Cây duối ở chợ Lụi xưa ở làng Đông Tây Xuân (Cẩm Hà) - nơi diễn ra cuộc tập hợp lực lượng của Nhân dân xã Thổ Ngõa xưa (xã Cẩm Hà nay) trước khi tiến lên huyện lỵ Cẩm Xuyên biểu tình giành chính quyền ngày 17-8-1945.

Hòa cùng tiếng hô khẩu hiệu là tiếng trống, tiếng mõ làm vang dậy cả một vùng. Đại biểu Ủy ban Khởi nghĩa ra lệnh cho chỉ huy đồn hạ cờ địch xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên. Tiếp nối thành công, đoàn biểu tình kéo lên huyện đường Cẩm Xuyên. Tại đây, trước khí thế ngút trời của sức mạnh quần chúng, tên tri huyện buộc phải đầu hàng và bàn giao ấn tín, tài liệu cho chính quyền cách mạng. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên phủ huyện đường, chính quyền đã về tay Nhân dân. Trở về làng Kiều Mộc, ông Nguyễn Duy Hòa dẫn đội tự vệ cùng 2 đồng chí là Nguyễn Dục và Nguyễn Văn Thích đến nhà lý trưởng yêu cầu giao nộp hồ sơ tài liệu, ấn tín.

Cùng với Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, khởi nghĩa lan nhanh khắp các huyện, thị trong tỉnh. Ngày 18/8/1945, TX Hà Tĩnh rực rỡ cờ hoa, hàng nghìn người dân ngập tràn niềm vui chiến thắng… Hà Tĩnh trở thành một trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước giành chính quyền.

Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc). Ảnh: Khôi Nguyễn

Hơn 10 ngày kể từ khi Hà Tĩnh cùng cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân, ngày 2/9/1945, tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Hôm đó, hàng nghìn người dân Cẩm Hà đã tập trung về sân trụ sở xã mít tinh, hưởng ứng. Cờ hoa tưng bừng, tiếng hô: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!” vang cả một góc trời. Khuôn mặt người già đến trẻ nhỏ đều sáng ngời niềm vui sướng, tự hào, bởi từ đây, mỗi người đã trở thành công dân của một đất nước độc lập, tự do” - ông Nguyễn Duy Hòa hồi tưởng.

Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh

Những câu chuyện của đảng viên lão thành Nguyễn Duy Hòa giúp thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống cách mạng quê hương.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Hòa được giao nhiều nhiệm vụ, như: đi diễn thuyết tại các địa bàn trong xã, huyện, dạy bình dân học vụ... Ông được bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã và nhiều chức vụ khác trong chính quyền cách mạng xã. Tháng 5/1948, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, niềm tự hào nhân lên khi 1 năm sau - tháng 6/1949, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Phỉ cũng trở thành đảng viên.

Đầu năm 1950, ông Hòa được điều động vào lực lượng vũ trang, công tác tại Tỉnh đội Hà Tĩnh và giữ nhiều chức vụ về hậu cần. Tháng 4/1955, ông Hòa được điều động về Quân khu 4, công tác tại Ban Hậu cần, sau đó giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bí thư Chi bộ Ban Tham mưu huấn luyện Trường Hậu cần Quân khu 4 (1968-1970), Trưởng ban Tài vụ hậu cần Tiền phương, Quân khu Tiền phương tại chiến trường B5 (1971-1972)… Năm 1982, ông nghỉ hưu với quân hàm trung tá.

Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh

Cuộc đời cống hiến của Trung tá Nguyễn Duy Hòa đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng quý giá (ảnh trên). Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Thành trực tiếp trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho cụ Nguyễn Duy Hoà dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2022) (ảnh dưới).

Trở về địa phương, ông Nguyễn Duy Hòa cùng vợ là bà Đào Thị Thiên tiếp tục tham gia, cống hiến trong các tổ chức chính trị - xã hội ở xã Cẩm Hà. Đến năm 1993, do sức khỏe yếu, ông Nguyễn Duy Hòa nghỉ công tác xã hội và tiếp tục tham gia sinh hoạt Đảng tại Chi bộ thôn Tiến Thắng và Đảng bộ xã Cẩm Hà. Quá trình cống hiến, ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý; dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5 (1890-2022), ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Ông Lê Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hà cho biết: “Cụ Nguyễn Duy Hòa là cán bộ tiền khởi nghĩa duy nhất của xã còn sống. Là đảng viên lão thành có nhiều cống hiến trong suốt các giai đoạn cách mạng của quê hương, đất nước, nay tuổi đã cao, cụ vẫn không ngừng đóng góp ý kiến xây dựng quê hương. Chính quyền và Nhân dân Cẩm Hà luôn xem cụ là “vốn quý”, rường cột để phát huy tinh thần cách mạng trong sự nghiệp đổi mới”.

.....

Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh

ĐVTN xã Cẩm Hà nghe cụ Nguyễn Duy Hòa kể về lịch sử cách mạng quê hương.

Vẫn còn minh mẫn ở tuổi 99, ông Nguyễn Duy Hòa là pho sử sống lưu giữ nhiều câu chuyện giá trị về truyền thống cách mạng, giúp các bạn trẻ xã Cẩm Hà có cơ hội hiểu hơn về lịch sử của các thế hệ đi trước, trong đó có cuộc Cách mạng tháng Tám hào hùng.

“Thông qua câu chuyện của cụ Nguyễn Duy Hòa, thế hệ trẻ hình dung rõ hơn về những ngày tháng Tám 1945 trên quê hương mình cũng như thêm ngưỡng mộ các thế hệ đi trước đã hy sinh, vượt lên gian khó để đập tan xiềng xích thực dân, giành độc lập cho nước nhà”, chị Nguyễn Thị Ngân - Bí thư Đoàn xã Cẩm Hà bày tỏ.

......

Tạm biệt người cán bộ lão thành cách mạng kiên trung, tôi trở về trên những con đường nông thôn mới Cẩm Hà khang trang rợp bóng cờ đỏ sao vàng mà lòng không thôi bồi hồi, rạo rực.

Vẹn nguyên ký ức về những ngày thu độc lập ở Hà Tĩnh

Làng quê nông thôn mới Cẩm Hà rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày Quốc khánh 2/9.

Tôi hiểu, nhờ có “những dòng người như nước vỡ bờ”, nhờ có cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 với nhiều máu xương đã đổ xuống mà hôm nay nhà nhà được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast