Về Hà Tĩnh

anh-cover-pc-3606.jpg

Ở tuổi 14, Nguyễn Hoàng Lưu đã lặng lẽ trốn gia đình để đi theo bộ đội. Từ ấy, cuộc đời ông bước vào hành trình của một người lính – gan dạ, kiên cường và kiêu hãnh với một sáng kiến kỹ thuật mang giá trị vượt thời gian. Người lính ấy đã ngã xuống nhưng cuộc đời và cống hiến của ông mãi được khắc ghi như biểu tượng lặng lẽ mà rực sáng về trí tuệ và tinh thần dấn thân phụng sự Tổ quốc.

unit.png

14 TUỔI TRỐN MẸ CHA ĐI THEO BỘ ĐỘI

Nguyễn Hoàng Lưu (SN 1933) quê gốc ở xã Quảng Minh (huyện Quảng Trạch - tỉnh Quảng Bình cũ, nay thuộc phường Nam Gianh - tỉnh Quảng Trị). Ông là con thứ 4 trong một gia đình có 8 anh chị em. Chiến tranh loạn lạc, cha mẹ ông đã mang các con tản cư ra vùng thượng huyện Kỳ Anh (cũ) sinh sống. Cả gia đình khai hoang, làm thuê trong các lán trại ở các xã: Kỳ Tân, Kỳ Tây, Kỳ Thượng (cũ) để kiếm kế sinh nhai. Sau chiến tranh, gia đình chọn Kỳ Tây để định cư.

bqbht_br_1.jpg
Nổi tiếng là một cậu bé khôi ngô, sáng dạ, học một biết mười. Năm 14 tuổi, cậu bé Nguyễn Hoàng Lưu đã trốn nhà đi bộ đội.

Nhà nghèo lại đông con, cậu bé Nguyễn Hoàng Lưu đã sớm thấm thía nỗi vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ nên luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ vào rừng kiếm củi, hái lá cho mẹ làm nón, chằm tơi. Ông cũng nổi tiếng là cậu bé khôi ngô, sáng dạ, học một biết mười.

Cha của Nguyễn Hoàng Lưu là cụ Nguyễn Đình Ngô (1901 - 1993) từng là một chức quan nhỏ trong chế độ phong kiến cũ. Được sự giác ngộ của cách mạng, năm 1933, cụ đã bỏ ấn từ quan, được chi bộ Lũ Phong (chi bộ đảng đầu tiên của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cũ) giao nhiệm vụ động viên, nhen nhóm ngọn lửa cách mạng ở địa phương. Nhiều người thân trong gia đình, họ hàng của cụ cũng đi theo cách mạng. Lớn lên trong những câu chuyện của cha chú, dù chưa hiểu hết sự khắc nghiệt của chiến tranh nhưng cậu bé Hoàng Lưu luôn có một khát khao được mang trên vai chiếc balo, đội trên đầu chiếc mũ sao vàng 5 cánh như những chú bộ đội vẫn ngày đêm hành quân qua rừng.

bqbht_br_z6833214355499-0f92f211c5a6e8439be2b6eb6f3d4ea8.jpg
PV trao đổi với bà Nguyễn Thị Lợi - em gái của liệt sỹ.

Năm 1947, khi vừa tròn 14 tuổi, một buổi chiều trên đường đi hái củi như mọi ngày, Nguyễn Hoàng Lưu bắt gặp một đơn vị bộ đội hành quân. Không chần chừ, cũng không nói với gia đình một lời, cậu lẳng lặng trà trộn vào đội hình, rời quê nhà đi theo đoàn quân.

Bà Nguyễn Thị Lợi (SN 1942) - em gái của liệt sỹ Nguyễn Hoàng Lưu, chia sẻ: “Khi anh Lưu ra đi, tôi vẫn còn bé nhưng sau này lớn lên, cha mẹ kể lại rằng, hôm đó, anh trốn nhà theo bộ đội, tìm hoài chẳng thấy con đâu, gia đình tôi đã ngỡ lạc mất anh. Thế rồi, một thời gian sau, anh thư về cho gia đình báo đang làm nhiệm vụ trinh sát, liên lạc cho bộ đội. Năm 1948, anh được cử đi học tại Trường Thiếu sinh quân của Liên khu IV, đóng tại Thanh Hóa. Trong lá thư gửi về, anh có viết: “Mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó, con xin làm trọn cho dù khó khăn. Hẹn ngày độc lập hoàn toàn, con sẽ hát khúc khải hoàn về quê…”.

NGHỊ LỰC, TINH THẦN HAM HỌC CỦA NGƯỜI LÍNH TRẺ

Những ngày tháng học tập tại Trường Thiếu sinh quân, Nguyễn Hoàng Lưu bộc lộ tố chất thông minh hiếm có và một tinh thần học tập khó ai bì kịp. Trong môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn nhưng anh và các bạn đồng môn luôn nỗ lực, chăm chỉ trong học tập, rèn luyện theo đúng tinh thần “Đoàn thiếu sinh quân vượt đường chông gai mà nuôi chí lớn”.

55-3303.jpg
Những tấm ảnh của liệt sỹ Nguyễn Hoàng Lưu và đồng đội được gia đình cất giữ cẩn thận.

Sau hai năm học tại trường, năm 1950, Nguyễn Hoàng Lưu và một số thiếu sinh quân có thành tích học tập, thể lực tốt được lựa chọn đi học khóa I của Trường Sỹ quan Pháo binh Liên khu III, IV, rồi tham gia khóa huấn luyện khẩu đội trưởng pháo binh. Nhờ có trình độ văn hóa, tinh thần ham học hỏi, anh ngày càng tiến bộ và trở thành một cán bộ pháo binh giỏi.

Năm 1960, anh được biên chế vào Trung đội Quan trắc - Trung đoàn 68 - Sư đoàn 304 đóng quân tại Bỉm Sơn (Thanh Hóa). Ở thời điểm đó, Nguyễn Hoàng Lưu được biết đến là một tấm gương tự học xuất sắc trong quân đội. Anh luôn tự đề ra thời gian biểu, lộ trình học tập, nghiên cứu, rèn luyện nghiêm khắc cho bản thân. Người lính trẻ ấy say mê học đến mức sau giờ huấn luyện mệt mỏi có thể bỏ bữa cơm nhưng chưa lúc nào bỏ giờ tự học. Khi có công việc đột xuất, anh sẽ bố trí giờ học bù chứ nhất định không để ảnh hưởng đến thời gian học đã ấn định hằng ngày.

bqbht_br_10.jpg
bqbht_br_9-369.jpg
bqbht_br_8-602.jpg
Những bài báo, tài liệu viết về tấm gương của người lính trẻ có nghị lực và tinh thần ham học hỏi.

Nhờ tinh thần cầu tiến ấy, Nguyễn Hoàng Lưu luôn là một cán bộ giỏi, dẫn đầu đại hội thi đấu kỹ thuật toàn Binh chủng Pháo binh năm 1962. Trên Báo Quân đội Nhân dân các số ra thời kỳ đó đã có nhiều bài viết về người chiến sỹ trẻ xuất sắc như: “Say mê với nghề nghiệp quân sự”, “Học tại chức vẫn có thể đạt kết quả cao”…

SÁNG KIẾN KỲ DIỆU VÀ GIÁ TRỊ SỐNG MÃI

Sự học của Nguyễn Hoàng Lưu không dừng ở lý thuyết mà gắn sát với thực tiễn. Thực hành trên trận địa pháo đối với các chiến sỹ pháo binh là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi việc tra bảng tính Logarit và tính toán để ra được các phần tử bắn chính xác không hề dễ dàng. Với tư duy nhạy bén, niềm đam mê kỹ thuật và khả năng Toán học vượt trội, Nguyễn Hoàng Lưu luôn ấp ủ ý tưởng tạo ra một công cụ giúp cho việc tính toán này đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả hơn.

bqbht_br_z6832172062286-ffc126458c4818493755b9449e989c6a.jpg
Sáng kiến thước tính của ông đã được trưng bày ở Bảo tàng Pháo binh, được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử quân sự như một dấu mốc trong quá trình phát triển của pháo binh Việt Nam.

Ông say sưa nghiên cứu bảng tính Logarit, thước ngắm pháo, những nguyên lý hoạt động trên trận địa pháo… Sau nhiều lần thất bại mà không nản chí, năm 1960, ông đã hoàn thành sáng chế “thước tính pháo binh”. Dựa trên bảng tính, ông đã tính toán chi tiết, cẩn thận sao cho khi có đủ các thông số kỹ thuật, chỉ cần quay một vòng thước tính là cho ra các phần tử chính xác với sai số không đáng kể. Nếu theo cách làm thủ công như trước thì mỗi lần tính toán phần tử bắn phải mất từ 3 - 5 giờ, nay ứng dụng thước tính này thì chỉ mất vài phút.

Sáng kiến này đã được Binh chủng Pháo binh cải tiến, hoàn thiện và sử dụng rộng rãi trong việc tính toán phần tử của pháo binh - được coi là một bước tiến đối với kỹ thuật bắn pháo thời kỳ đó. Ông được Bộ Tư lệnh Pháo binh tuyên dương và cấp bằng khen.

bqbht_br_11.jpg
bqbht_br_12.jpg
Ông lập gia đình với bà Trần Thị Phương.

Trong cuốn lịch sử Thiếu sinh quân Liên khu IV có bài viết của đồng đội về ông với những dòng nhận xét đầy ngưỡng mộ, tự hào: “Tôi thực sự khâm phục Hoàng Lưu, với trình độ lớp 8 mà anh đã làm được thước tính với trình độ đại học toán xuất sắc…”. Sáng kiến này đã được trưng bày tại Bảo tàng Pháo binh (Hà Nội) và được nhắc đến trong các tài liệu lịch sử quân sự như một dấu mốc trong quá trình phát triển của pháo binh Việt Nam.

Năm 1961, trong một lần về phép, ông lập gia đình cũng bà Trần Thị Phương (SN 1937 - 1989) - một thôn nữ cùng quê. Ông bà sinh người con gái đầu là Nguyễn Thị Vinh (SN 1962, hiện trú tại phường Sông Trí - Hà Tĩnh). Đến năm 1965, hai tháng về phép quý giá đã cho gia đình ông bà những giây phút được quây quần, đoàn viên bên nhau, nhưng đó cũng là lần cuối cùng ông trở về.

bqbht_br_13.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Lưu đã chiến đấu ngoan cường, giành nhiều chiến công và hy sinh anh dũng.

Được phân công vào chiến trường miền Nam chiến đấu, đảm nhận chức vụ tiểu đoàn trưởng của một đơn vị thuộc Trung đoàn 96 Pháo binh miền Đông Nam Bộ, ông đã cùng đồng đội chiến đấu quả cảm, lập nhiều chiến công vang dội. Ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang... Ngày 30/6/1968, ông đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh ở huyện Dầu Tiếng - tỉnh Bình Dương (nay là TP Hồ Chí Minh). Tập hồi ký lịch sử của Trung đoàn 96 còn ghi rõ: “Chiến công cũng đi cùng với những mất mát đau thương, trong đợt này, đồng chí Hoàng Lưu - tiểu đoàn trưởng đã chỉ huy dũng cảm, linh hoạt và hy sinh oanh liệt…”.

bqbht_br_14.jpg

Cầm những kỷ vật của cha trên tay, bà Nguyễn Thị Vinh - con gái liệt sỹ không nguôi niềm xúc động, tự hào.

Giờ đây, cầm bức ảnh và những kỷ vật về người cha liệt sỹ trên tay, bà Nguyễn Thị Vinh rưng rưng niềm xúc động: “Ngày cha vào miền Nam, tôi mới lên ba. Cha đi rồi, mẹ mới biết mình mang thai lần thứ hai. Trong những cánh thư gửi về, cha dặn mẹ rằng “Dù con trai hay con gái thì cũng đặt tên là Dương” và em gái tôi ra đời với cái tên Nguyễn Hồng Dương đúng như di nguyện của cha”.

Cuộc đời làm vợ với hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang” đã phải chịu cảnh góa bụa từ năm 31 tuổi, bà Trần Thị Phương đã ở vậy thờ chồng, nuôi con trưởng thành giữa muôn vàn gian khó. Noi theo tấm gương của cha và không phụ công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, cả hai chị em đều cố gắng học tập, rèn luyện.

bqbht_br_18.jpg
Bà Nguyễn Thị Vinh (áo tím) và em gái Nguyễn Hồng Dương (áo hồng)- hai con gái của liệt sỹ Nguyễn Hoàng Lưu noi gương cha học hành chăm chỉ, đỗ nhiều trường đại học danh tiếng.

Bà Vinh tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, cống hiến tâm sức, trí tuệ cho ngành giáo dục Kỳ Anh (cũ), còn em gái Nguyễn Hồng Dương tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Tài chính, lựa chọn trở về quê hương Quảng Bình (nay là Quảng Trị) công tác. Các thế hệ con cháu của liệt sỹ luôn tự hào, tiếp bước truyền thống gia đình.

16.jpg
bqbht_br_15.jpg
Gia đình đã tìm kiếm và đưa được phần mộ của ông về quê hương Quảng Bình (nay là Quảng Trị).

Cuộc đời liệt sỹ Nguyễn Hoàng Lưu là minh chứng rõ nét rằng, có những người ngã xuống nhưng ánh sáng họ để lại sẽ tiếp tục soi đường cho các thế hệ sau. Tên ông không chỉ hiện hữu trên tấm bằng Tổ quốc ghi công, trên phần mộ liệt sỹ mà còn được khắc ghi vào lịch sử pháo binh Việt Nam bằng trí tuệ, sự sáng tạo và cống hiến quên mình. Như lời một người đồng đội cũ từng viết: “Hoàng Lưu - người chiến sỹ pháo binh xuất sắc như một ngôi sao nhỏ lấp lánh trên chiếc mũ bé xíu ngày xưa vẫn đội ở Trường Thiếu sinh quân yêu quý…”

BÀI, ẢNH: KIỀU MINH
THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Đọc thêm

Thức giấc cùng biển Thạch Hải

Thức giấc cùng biển Thạch Hải

Khi trời chưa sáng hẳn thì tại bãi biển Thạch Hải (Hà Tĩnh), một nhịp sống khác đã bắt đầu. Nhiều người tìm về với biển lúc bình minh, đánh thức cơ thể bằng một "liều thuốc" từ gió, sóng và cát.
Giữa tuần, biển Thiên Cầm vẫn kín người

Giữa tuần, biển Thiên Cầm vẫn kín người

Dù đang ở thời điểm giữa tuần nhưng rất đông du khách vẫn tìm về với biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) để xua tan sự oi bức, nắng nóng của thời tiết những ngày tháng 7.
Thành Sen - "dấu son" trong lòng người Hà Tĩnh

Thành Sen - "dấu son" trong lòng người Hà Tĩnh

Từ một câu chuyện trong sử sách, tên gọi Thành Sen (Hà Tĩnh) đã ra đời và theo suốt dặm dài lịch sử của vùng đất này. Tên gọi ấy đã ăn sâu vào ký ức, trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ.
Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Những ngày tháng Bảy, đất nước lại lặng mình trong những ký ức thiêng liêng về những năm tháng khói lửa. Trong dòng chảy lịch sử ấy, lực lượng TNXP Hà Tĩnh để lại nhiều dấu ấn hào hùng, góp phần viết nên bản hùng ca bất tử bằng sức trẻ và lòng yêu nước cháy bỏng.
Quyến rũ bình minh biển Thiên Cầm

Quyến rũ bình minh biển Thiên Cầm

Biển cả không những cho ta nguồn lợi hải sản quý giá mà còn mang đến bao điều thú vị. Về xã Thiên Cầm (Hà Tĩnh), sau khi khám phá chợ cá Cồn Gò vào tờ mờ sáng, du khách có thể ngắm bình minh và thỏa thích “check in”, ghi lại những kỷ niệm đẹp về mảnh đất và con người nơi đây.
Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Cụ bà U100 say mê Truyện Kiều

Truyện Kiều có sức sống mãnh liệt trong văn học Việt Nam, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân. Dù gần 100 tuổi, cụ Trần Thị Tám ở xã Hồng Lộc (Hà Tĩnh) vẫn thuộc và say sưa luận giải Kiều.
Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Có một "phố cổ" giữa lòng xã nhỏ nhất Hà Tĩnh

Giữa một vùng quê ven sông La - nơi được biết đến là xã nhỏ nhất của tỉnh Hà Tĩnh lại tồn tại một góc phố mang dáng dấp cổ kính, phảng phất hồn xưa như một “phố cổ Hà Nội” thu nhỏ.
Ngắm diện mạo đôi bờ sông Trí

Ngắm diện mạo đôi bờ sông Trí

Dự án nâng cấp tuyến kè và đường hai bên bờ sông Trí hoàn thành đã mang lại diện mạo đô thị cho phường trung tâm phía Nam Hà Tĩnh.
Thú vị đi chợ cá Cồn Gò một sớm mai hồng

Thú vị đi chợ cá Cồn Gò một sớm mai hồng

Khi bình minh ló rạng, những con thuyền trở về đầy ắp tôm cá sau một chuyến ra khơi, niềm hân hoan hòa cùng tiếng sóng reo vui, dậy cả khu chợ cá Cồn Gò, xã Thiên Cầm (Hà Tĩnh).
Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Làng Phú Quý trù phú, xanh tươi

Về thôn Phú Quý, xã Đông Kinh, tỉnh Hà Tĩnh. Dạo bước trên những tuyến đường bê tông nhựa rộng rãi, không chỉ cảm nhận được sự bình yên, trù phú mà còn thấy rõ sức sống mới của miền quê trù phú, xanh tươi 
Địa danh hành chính và câu chuyện văn hóa

Địa danh hành chính và câu chuyện văn hóa

Mỗi tên đất, tên làng trên dải đất Việt Nam không chỉ là một danh từ định vị trên bản đồ, mà là một thực thể sống, mang trong mình trầm tích của thời gian, ký ức của bao thế hệ và hồn cốt của cả một vùng văn hóa. Với Hà Tĩnh, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, một thời là phên dậu của đất nước, câu chuyện về địa danh hành chính lại càng trở nên đặc biệt, bởi nó song hành cùng lịch sử đầy biến động.
Tăng sức hút cho du lịch biển Xuân Thành

Tăng sức hút cho du lịch biển Xuân Thành

Biển Xuân Thành, thuộc xã Tiên Điền (Hà Tĩnh) không chỉ cuốn hút bởi vẻ nguyên sơ của sóng xanh, cát trắng, mà còn đang “thay da đổi thịt” từng ngày với diện mạo mới đầy sức sống.
Ẩm thực biển Hà Tĩnh nâng tầm trải nghiệm du lịch

Ẩm thực biển Hà Tĩnh nâng tầm trải nghiệm du lịch

Từ nguồn hải sản phong phú, tươi ngon bậc nhất miền Trung, qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo các đầu bếp tâm huyết, ẩm thực biển Hà Tĩnh đang trở thành “thỏi nam châm” níu chân du khách mỗi mùa hè.
Hồng Lĩnh - mạch nguồn hướng tới tương lai

Hồng Lĩnh - mạch nguồn hướng tới tương lai

Phường Bắc Hồng Lĩnh và Nam Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Biển Hà Tĩnh nườm nượp du khách

Biển Hà Tĩnh nườm nượp du khách

Trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, các khu, điểm du lịch biển Hà Tĩnh luôn đông nghịt người dân và du khách tìm đến "giải nhiệt", thưởng thức hải sản.