Kurash là gì, vì sao Việt Nam thống trị môn đấu này ở SEA Games 31?

Kurash đã mang về tới 4 HCV trong ngày thi đấu hôm qua, 10/5, và hứa hẹn còn tiếp tục gặt vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 31. Kurash là gì? Vì sao Việt Nam thống trị môn thể thao này.

Việt Nam vốn nổi tiếng về tinh thần thượng võ. Nhiều môn võ thuật vốn là quốc võ của nhiều quốc gia khác nhau, khi đến Việt Nam đều “bị” chinh phục. Ví như Pencak Silat – quốc võ của Indonesia, Malaysia vậy mà ở các cuộc tranh tài, Việt Nam vẫn chiến thắng tuyệt đối. Kurash cũng vậy, mới xuất hiện cách đây cỡ hơn 10 năm, đến nay, tại SEA Games 30, Việt Nam giành tới 7 trong tổng số 10 tấm HCV.

Môn võ cổ xưa nhất thế giới

Nếu Judo xuất hiện ở Nhật Bản vào năm 1532, Taekwondo của Hàn Quốc có từ năm 918 thời kỳ Cao Ly, thì người Uzbekistan đã chứng minh rằng môn Kurash của họ có lịch sử không dưới 3.500 năm.

Gần 2.500 năm trước, trong tác phẩm của Herodotus, nhà triết học và sử gia Hy Lạp cổ đại, đã viết trong cuốn Lịch sử của ông về Kurash. Theo ông, đây là một môn võ phổ biến đối với những người sống trong lãnh thổ của Uzbekistan hiện nay.

Thêm một minh chứng nữa, đó là trong tác phẩm Y học của nhà khoa học Avicenna, người đặt nền móng cho y học hiện đại, sống tại thế kỷ X ở Bukhara, viết rằng tập luyện Kurash là cách tốt nhất để giữ sức khỏe cả về thể chất và tinh thần….

Kurash là gì, vì sao Việt Nam thống trị môn đấu này ở SEA Games 31?

Kurash là môn võ cổ xưa nhất thế giới

Hàng thế kỷ trôi qua và Kurash đã trở thành một trong những truyền thống phổ biến và được tôn trọng nhất của người dân Uzbekistan. Người Uzbekistan nói rằng, Kurash nằm trong gen, trong máu của họ. Ngày nay có hơn hai triệu người tập luyện Kurash trên khắp Uzbekistan.

Hơn 3.000 năm, dù tuyệt vời, song Kurash bị giới hạn bởi biên giới Trung Á. Kỹ thuật, truyền thống, quy tắc và triết lý của Kurash được thực hiện bằng hình thức truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác và chưa được hệ thống hóa và khái quát hóa di sản của Kurash.

Trong năm 1990, Komil Yusupov, người Uzbekistan, bậc thầy nổi tiếng của Kurash, Judo và Sambo đã hoàn thành nghiên cứu về Kurash. Ông luật hóa cho Kurash, kết hợp triết lý dũng cảm và chủ nghĩa nhân văn hàng nghìn năm của môn võ thuật này với các yêu cầu chặt chẽ của môn thể thao hiện đại, đặt thời lượng cố định của trận đấu, trang phục cho người thi đấu và trọng tài và tất cả những điều khác liên quan….

Vào tháng 9 năm 1998, thủ đô của Uzbekistan - Tashkent đã tổ chức giải đấu Kurash quốc tế đầu tiên. Ngày nay nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt nam cũng tập luyện Kurash. Năm 2018, Kurash đã được đưa vào thi đấu ở Asiad 2018, SEA Games 30, và giờ là SEA Games 31.

Vì sao Việt Nam cực giỏi Kurash?

Kurash là môn thể thao chú trọng vào yếu tố thể lực và cơ bắp. Luật thi đấu Kurash ngày nay có nhiều nét tương đồng với bộ môn Judo. Chính vì vậy, từ năm 2007, rất nhiều VĐV Judo Việt Nam đã chuyển sang tập Kurash và giành nhiều chiến tích cũng như tích lũy được rất nhiều kỹ thuật, chiến thuật, có lợi cho các võ sĩ trẻ hiện nay.

Kurash là gì, vì sao Việt Nam thống trị môn đấu này ở SEA Games 31?

Kurash đã mang về 4 HCV trong ngày thi đấu 10-5. Ảnh: Hòa Nguyễn

Còn nhớ năm 2008, chỉ cần 3 tháng tập Kurash, Văn Ngọc Tú – đả nữ bất bại của Judo Việt Nam đã giành HCV liên tiếp tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2009 và 2013. Quy tắc thi đấu Kurash nghiêm cấm mọi hành động diễn ra trên sàn. Các VĐV chỉ được phép tác động tới đối thủ ở tư thế đứng, và chỉ có thể sử dụng những cú ném và quét chân. Các kỹ thuật như khóa tay, kẹp cổ và đá, cũng như nắm dưới thắt lưng đều bị nghiêm cấm. Khi thi đấu, võ sĩ kurash mặc hai màu áo khác nhau (xanh da trời và xanh lá cây) thay vì một màu như judo và thời gian thi đấu ngắn hơn.

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi Văn Ngọc Tú đăng quang, HLV trưởng đội tuyển Kurash Bùi Đình Tiến cho biết: “Các VĐV Judo của Việt Nam thay đổi kỹ thuật rất linh hoạt, chỉ sau 3 tháng là thói quen đã thay đổi, sẵn sàng cho thi đấu chuyên nghiệp”. Minh chứng là cả 7 VĐV Việt Nam vào chung kết tại SEA Games 30 đều rất tuyệt, khi chẳng phạm bất kỳ lỗi nào để trọng tài có cơ hội bắt lỗi, giành chiến thắng vang dội.

Theo TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast