Bài 3: Chấn chỉnh bắt đầu từ đội ngũ

(Baohatinh.vn) - Để từng bước giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan như hiện nay, trước hết phải có chế tài đủ mạnh. Điều quan trọng nữa là phải chấn chỉnh lại đội ngũ chống hàng giả.

“Lỏng” trong quản lý, kiểm soát thị trường

>>Bài 1: Quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm

>>Bài 2: Người dân thờ ơ, cơ quan chức năng kêu khó

Phải có chế tài đủ mạnh

Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia thị trường cho rằng, để hướng tới một thị trường hàng hóa lành mạnh, đồng thời từng bước giải quyết vấn nạn thị trường “đen” như hiện nay thì cần “một cuộc cách mạng” và phải chọn mũi nhọn để triển khai. Việc xử lý hàng giả, hàng nhái phải có chế tài đủ mạnh.

Đội QLTT số 1 kiểm tra chất lượng hàng hóa tại Công ty CP Thương mại Mitraco (số 2, đường Vũ Quang – TP Hà Tĩnh
Đội QLTT số 1 kiểm tra chất lượng hàng hóa tại Công ty CP Thương mại Mitraco (số 2, đường Vũ Quang – TP Hà Tĩnh

Đặc biệt, với lĩnh vực lương thực, thực phẩm, không nên chỉ phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh mà tùy vào từng trường hợp có thể đưa đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái ra truy tố trước pháp luật, bởi đây là những mặt hàng nguy hại đến tính mạng người sử dụng. Mặt khác, nhà sản xuất phải gắn kết với nhà lưu thông thành một chuỗi từ sản xuất đến bán lẻ. Các doanh nghiệp phải thông báo cho khách hàng về sản phẩm của mình, về ký hiệu (tem chống giả) để khách hàng dễ nhận biết, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sắm tại các cửa hàng, đại lý chính thức và kiên quyết nói “không” với hàng hóa không xuất xứ.

Bên cạnh đó, ngành cũng cần xử lý nghiêm những cán bộ quản lý thị trường (QLTT) chưa “thật tận tâm với công việc”. Trong đợt kiểm tra đột xuất công tác QLTT và VSATTP ở chợ Cày (thị trấn Thạch Hà), chợ Nghèn (thị trấn Can Lộc) và chợ TX Hồng Lĩnh dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã yêu cầu ngành Công thương Hà Tĩnh tạm đình chỉ công tác đối với Đội trưởng Đội QLTT Thạch Hà, TX Hồng Lĩnh và có hình thức xử lý nghiêm vì đã buông lỏng công tác QLTT trong thời gian qua. Điều này cho thấy, muốn chống hàng giả hiệu quả, trước hết phải làm trong sạch đội ngũ làm công tác này.

Mặt khác, ngành QLTT cũng cần chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan như Công an, Hải quan, Biên phòng... tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại một số điểm nóng, đồng thời, chỉ đạo các đội QLTT thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, siết chặt các chế độ đăng ký kinh doanh, quy chế ghi nhãn hàng hóa; thống kê tất cả các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh trên địa bàn để hướng dẫn họ thực hiện chế độ đăng ký kinh doanh theo các quy định của pháp luật và những tác hại của việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu.

Trong công tác chống nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, QLTT cũng phải thường xuyên phối kết hợp với các đơn vị khác như: đo lường chất lượng, y tế dự phòng, khoa học & công nghệ… lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra đột xuất về đo lường chất lượng hàng hóa, VSATTP... trên toàn tỉnh. Đồng thời, tập trung hơn nữa vào một số địa bàn trọng điểm như cửa khẩu Cầu Treo; QL 1A; đường 8; các cửa sông, cửa lạch; tăng cường hơn nữa công tác truy quét và tuyên truyền phổ biến, giải thích pháp luật thương mại cho nhân dân.

Đổi mới cơ cấu tổ chức, thực hiện luân chuyển cán bộ

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng buông lỏng công tác QLTT thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự khẳng định, một trong những nguyên nhân là sự yếu kém trong công tác quản lý, kiểm soát của lực lượng thị trường. Để chấn chỉnh vấn đề này, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Công thương thay đổi cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của lực lượng QLTT. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng thời tiến hành luân chuyển cán bộ nhằm tạo môi trường mới để xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng khí gas hóa lỏng
Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng khí gas hóa lỏng

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự cũng cho rằng, trong quá trình thực thi nhiệm vu, nếu cán bộ QLTT tâm huyết và trách nhiệm, yêu cầu người kinh doanh xuất trình nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh… sẽ đảm bảo yếu tố minh bạch cho thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển và bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng.

Giám đốc Sở Công thương - Trần Nhật Tân cho biết, Sở sẽ tổ chức thi sát hạch chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên, nếu cán bộ nào không đáp ứng yêu cầu sẽ thực hiện tinh giản biên chế, bổ sung những cán bộ có năng lực, tâm huyết.

Cùng với đó, Sở sẽ chỉ đạo lực lượng QLTT tập trung kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán, tàng trữ hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người kinh doanh, tiêu dùng về hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổ chức chặt chẽ việc thanh tra thương mại, kiểm soát việc lưu thông thực phẩm vào các chợ, sẽ cấm lưu hành đối với những hàng hóa, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ, chứng nhận kiểm dịch. Phối hợp, hỗ trợ các địa phương thay đổi mô hình các BQL chợ nhằm nâng cao trách nhiệm của các BQL trong công tác chống thất thu ngân sách, kiểm soát thị trường, đảm bảo VSATTP.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast