DN Hà Tĩnh với TPP: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ!

(Baohatinh.vn) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết vào ngày 4/2/2016 giữa 12 nước, trong đó có Việt Nam, là cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung, Hà Tĩnh nói riêng.

Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Mặc dù những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh đã chuyển biến tích cực nhưng nếu muốn vươn ra “biển lớn” phải chuẩn bị từ “bờ” ngay từ hôm nay...

DN Hà Tĩnh với TPP: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ! ảnh 1
Công ty CP Nhựa - Bao bì Vinh là một trong số rất ít doanh nghiệp có bước chuẩn bị kỹ về chiến lược sản xuất, kinh doanh để bước vào “sân chơi” TPP.

2015 được coi là năm có ý nghĩa lớn đối với Công ty CP Nhựa - Bao bì Vinh khi doanh thu đạt ngưỡng 660 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, cuối tháng giêng, 100.000 sản phẩm bao bì do công ty sản xuất lần đầu tiên hiện diện trên đất Mỹ, mở ra một “kỷ nguyên” hoạt động mới. Giám đốc Công ty Nguyễn Xuân Hải cho rằng: “Đây là thời điểm tốt nhất để công ty triển khai mở rộng nhà máy với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân). Với 80% nguyên liệu được sản xuất trong nước, lại được thị trường Mỹ chấp nhận, chúng tôi bắt đầu bắt nhịp sân chơi chung - TPP”.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, các sản phẩm do Mitraco sản xuất trong năm 2015 như: củ cải trắng, cà rốt, măng tây, rượu nhung hươu có thể coi là sản phẩm nông nghiệp chủ lực để DN tự tin trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, khi dự án nuôi bò thịt chất lượng cao hoàn thành, theo khẳng định của Tổng Giám đốc Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) Dương Tất Thắng, “chất lượng thịt của công ty không kém các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Úc. Giá cả vẫn có thể cạnh tranh được”.

Chăm sóc đàn bò nái nền nhập ngoại ở trại bò Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) thuộc Dự án chăn nuôi bò của Mitraco
Chăm sóc đàn bò nái nền nhập ngoại ở trại bò Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) thuộc Dự án chăn nuôi bò của Mitraco

Đây chỉ là 2 trong rất ít các DN đã có bước chuẩn bị kỹ trong chiến lược hoạt động SXKD để sẵn sàng bước vào “cuộc chơi” mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Hiệp hội DN Hà Tĩnh, “hiện chỉ có từ 5-7% trong số hơn 5.000 DN quan tâm đến hiệp định này, trong khi TPP chính thức có hiệu lực vào năm 2018”. Mục tiêu chung của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa dịch vụ xuất nhập khẩu giữa 12 nước thành viên.

TPP còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước về sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm hay an toàn lao động... Tuy nhiên, trong nhiều điều khoản cam kết thì quy tắc xuất xứ được các chuyên gia nhận định là chìa khóa vàng khi tham gia TPP. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu chỉ được hưởng ưu đãi khi nguyên liệu tự sản xuất hoặc nhập khẩu từ một thành viên TPP. Đây là một thách thức lớn đối với lĩnh vực có nhiều cơ hội ở Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng như hàng nông sản, dệt may (thuế suất giảm từ 25% còn 0%).

Phó Tổng Giám đốc Vinatex Hồng Lĩnh - Dương Đình Tân khẳng định: “100% bông dùng để sản xuất sợi ở Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh được nhập khẩu từ các nước châu Phi, Ấn Độ”. Một thành viên khác của Mitraco là Công ty CP May Hà Tĩnh cũng đang loay hoay với bài toán thiếu hụt lao động và nguồn nguyên liệu ngoài khối khi TPP sắp gõ cửa.

DN Hà Tĩnh với TPP: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ! ảnh 3
Công nhân Nhà máy Sợi Vinetex Hồng Lĩnh vận hành dây chuyền sản xuất sợi

Những năm gần đây, DN tỉnh nhà đã có bước chuyển mình với những chỉ số ấn tượng, trong đó, thu ngân sách trong khối DN chiếm trên 90% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Đây là nỗ lực rất lớn của DN Hà Tĩnh trong việc chớp cơ hội khi tỉnh nhà triển khai nhiều dự án lớn. Bên cạnh đó còn có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đối với TPP thì Nhà nước không tham gia sâu vào hoạt động mà các DN phải tự vươn lên. Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng: “Tới đây sẽ có những cơ chế, chính sách từ trung ương, tỉnh để phù hợp với thời kỳ hội nhập. Sở cũng sẽ hỗ trợ kinh phí mời các chuyên gia giỏi nhằm khỏa lấp “lỗ hổng” cho DN, đặc biệt là cung cấp thêm nhiều thông tin về quá trình hội nhập ASEAN, TPP để DN tỉnh nhà biết”.

Thời gian không còn nhiều, bởi vậy, các DN cần phải có chiến lược SXKD, đồng thời, tự hoàn thiện bộ máy để phù hợp với môi trường hoạt động mới. Có như vậy mới không bị đào thải khỏi cuộc chơi khốc liệt: thương trường là chiến trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast