Nhiều ngân hàng ở Hà Tĩnh điều chỉnh biểu lãi suất huy động

(Baohatinh.vn) - Việc sụt giảm nguồn vốn liên tục trong những tháng qua đang gây áp lực đối với kế hoạch phát triển nguồn vốn của toàn hệ thống. Động thái nâng lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn được xem là “chất xúc tác” để đẩy nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Tĩnh gia tăng trong những tháng cuối năm 2022.

Những tháng đầu năm 2022, việc huy động vốn của Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Chi nhánh Hà Tĩnh tương đối thuận lợi.

Tuy vậy, thời gian gần đây, công tác huy động vốn của doanh nghiệp này cũng gặp những khó khăn nhất định. Hiện nay, HDBank đang triển khai giải pháp căn cơ với kỳ vọng gia tăng nguồn huy động bằng việc nâng lãi suất tiền gửi.

Nhiều ngân hàng ở Hà Tĩnh điều chỉnh biểu lãi suất huy động

HDBank Hà Tĩnh nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đạt nguồn vốn huy động 4.500 tỷ đồng vào ngày 31/12/2022.

Ông Nguyễn Xuân Lịch – Phó Giám đốc HDBank Hà Tĩnh cho biết: “Với mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn trong những tháng cuối năm, từ ngày 20/7/2022, HDBank đã áp dụng nâng mức lãi suất tiền gửi một số kỳ hạn. Theo đó, với kỳ hạn gửi 6 tháng, lãi suất tối đa đã tăng lên 6,8%/năm (trước là 6,6%/năm); kỳ hạn 13 tháng, lãi suất tối đa đã tăng lên 6,99%/năm (trước là 6,8%/năm). Chi nhánh nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đạt nguồn vốn huy động 4.500 tỷ đồng vào ngày 31/12/2022”.

Bắt đầu từ ngày 9/8/2022, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Hà Tĩnh cũng chính thức gia nhập “cuộc đua” tăng lãi suất huy động vốn.

Bà Uông Thị Dung - Giám đốc Dịch vụ MB Bank Hà Tĩnh chia sẻ: “Hiện nay, tất cả kỳ hạn tiền gửi đều được chi nhánh gia tăng lãi suất với mức tăng dao động từ 0,1 - 0,4%/năm. Việc tăng lãi suất tiền gửi sẽ giúp MB Bank Hà Tĩnh tiến gần hơn tới mục tiêu đã đặt ra trong năm 2022 là huy động vốn đạt 1.542 tỷ đồng”.

Nhiều ngân hàng ở Hà Tĩnh điều chỉnh biểu lãi suất huy động

Từ ngày 9/8/2022, tất cả kỳ hạn tiền gửi đều được MB Bank Hà Tĩnh gia tăng lãi suất.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) Chi nhánh Hà Tĩnh cũng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn gửi khác nhau. Cụ thể: với kỳ hạn từ 7-11 tháng, lãi suất từ 4%/năm lên mức cao nhất 5,55%/năm (tùy vào độ tuổi, số tiền gửi); kỳ hạn từ 13-23 tháng, lãi suất tăng lên 5,95%/năm (thay vì 4,7%/năm ở biểu lãi suất trước). Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Techcombank là 6,4%/năm (thay vì 5,4%/năm của biểu lãi suất trước).

Ngoài ra, từ cuối tháng 7/2022 lại nay, các ngân hàng khác tại Hà Tĩnh như: ACB, VP Bank… cũng điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng đáng kể để kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm trong dân cư.

Nhiều ngân hàng ở Hà Tĩnh điều chỉnh biểu lãi suất huy động

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Techcombank Hà Tĩnh.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thương (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Qua theo dõi, tôi thấy đợt này một số ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lãi suất tiền gửi so với trước. Do vậy, chúng tôi cũng tranh thủ chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài (6 tháng đến trên 1 năm) để được hưởng lãi suất hấp dẫn hơn”.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 15/8/2022 đạt 86.426 tỷ đồng, giảm 1,14% so với cuối năm 2021. Theo lý giải của giới chuyên môn, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, nền kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng trở lại. Do vậy, thay vì gửi tiền tại ngân hàng như giai đoạn trước, người dân và doanh nghiệp đang có xu hướng đẩy mạnh nguồn tiền đầu tư vào chuỗi sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nguồn tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn giảm mạnh kéo theo nguồn vốn huy động của các ngân hàng cũng sụt giảm nhanh chóng.

Nhiều ngân hàng ở Hà Tĩnh điều chỉnh biểu lãi suất huy động

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 15/8/2022 đạt 86.426 tỷ đồng,

Ngành ngân hàng Hà Tĩnh đặt mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn năm 2022 là 16%. Thực tế cho thấy, việc sụt giảm nguồn vốn liên tục trong những tháng qua đang gây áp lực đối với kế hoạch phát triển nguồn vốn của toàn hệ thống. Do đó, việc các ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất đợt này sẽ là “chất xúc tác” để góp phần đẩy nguồn vốn huy động gia tăng; từ đó tạo thêm nguồn lực để các ngân hàng trở lại cho vay, phục vụ nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần.

Cụ thể: Lãi suất huy động tiền gửi bằng VNĐ ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,9-3,95%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5,3-6,6%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast