“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”
“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Như ánh dương soi sáng niềm tin cho những người khiếm thị, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Người mù huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) với tinh thần lạc quan và nghị lực sống phi thường đã nỗ lực vượt lên số phận, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, đưa tổ chức hội trở thành đơn vị vững mạnh trong toàn tỉnh.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Sinh năm 1966 trên vùng quê nhiều gian khó ở thôn Sơn Tiến, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tuổi thơ của ông Nguyễn Tiến Dũng đầy ắp những ước mơ, hoài bão như bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng, sau 2 vụ tai nạn vào năm 4 tuổi và 14 tuổi, nguồn sáng từ đôi mắt của ông đã bị cướp đi mãi mãi. Gia đình đã cố gắng chạy chữa nhưng tất cả đều vô vọng.

Bà Nguyễn Thị Đề - mẹ của ông Dũng xót xa nhớ lại: “Năm 4 tuổi, Dũng nhặt được một kíp mìn sau đó đưa về nhà hơ trên bếp lửa, mìn phát nổ làm hỏng mắt bên trái. Đến năm lớp 5, khi Dũng đang đứng chơi ở lớp thì vô tình bị một bạn ném viên gạch vỡ trúng vào mặt, làm hỏng bên mắt còn lại. Lúc bấy giờ, gia đình cũng thương con, đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng hồi đó y học chưa phát triển như bây giờ nên không thể chữa khỏi”.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Bà Nguyễn Thị Đề - mẹ ông Dũng xót xa nhớ lại.

Thứ ánh sáng đẹp đẽ với những màu sắc tươi vui của cuộc sống bị che khuất sau sương mờ bao trùm lên đôi mắt. Biết bao lần, người đàn ông khiếm thị Nguyễn Tiến Dũng muốn buông xuôi tất cả, tự khép mình với tâm trạng chán chường. Thế rồi, những nỗi đau cả về tinh thần lẫn thể xác cũng dần nguôi ngoai theo thời gian. Ông Dũng bắt đầu có những suy nghĩ tích cực hơn, bước những bước chập chững trong hành trình đi tìm nguồn sáng với sự đồng hành, sẻ chia của gia đình, người thân, bè bạn.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

“Cha mẹ sinh tôi ra khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ nhưng số phận không cho tôi được thấy ánh sáng. Quãng thời gian đầu sống trong bóng tối, không ít lần tôi nghĩ đến cái chết, muốn buông xuôi tất cả, thế nhưng nghĩ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và sự yêu thương, sẻ chia của bạn bè, người thân, tôi đã vươn lên vượt qua số phận với suy nghĩ: “Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...” - ông Dũng chia sẻ.

Thời điểm mới bắt đầu hành trình đi tìm nguồn sáng chất đầy những khó khăn. Những vết bầm dập, trầy xước trên cơ thể sau bao nhiêu lần vấp ngã dò dẫm tìm đường trong bóng tối chỉ là nỗi đau da thịt, không làm ông Dũng nản chí. Ngược lại, ông càng thêm quyết tâm, nỗ lực từng ngày để có thể tự mình đi lại, chăm sóc bản thân và phụ giúp các công việc nhỏ trong gia đình. Không lâu sau, ông Dũng đã thoát khỏi được sự tự ti, dần dần hòa nhập với cuộc sống đời thường và các mối quan hệ xã hội.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Ông Dũng cùng mẹ và vợ vui vầy bên các cháu.

Ông Nguyễn Tiến Dũng đã nhận được sự đồng cảm, yêu thương của bà Nguyễn Thị Ứng - người con gái cùng quê, rồi nên duyên vợ chồng. Trang mới của cuộc đời đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, ý chí, nghị lực phi thường để ông Dũng nỗ lực vượt qua bao khó khăn, gian khổ cùng vợ xây dựng tổ ấm gia đình và chăm sóc, nuôi dưỡng ba đứa con khôn lớn thành người.

Bà Nguyễn Thị Ứng tâm sự: “Mặc dù đôi mắt không nhìn thấy nhưng chồng tôi đã rất nỗ lực để có thể phụ giúp tôi trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Ngoài việc tích cực đan lát, làm tăm, làm chổi để kiếm thêm thu nhập, ông còn hỗ trợ tôi trong công việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm các việc vặt trong vườn, thỉnh thoảng đi làm đồng cùng tôi. Đối với những người bình thường để làm được những điều này không hề khó nhưng với một người khiếm thị như chồng tôi đó là cả quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ và tôi trân trọng điều đó”.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Ông Dũng giúp vợ làm các việc vặt trong gia đình, chăn nuôi gia súc, gia cầm để kiếm thêm thu nhập, nuôi dạy con cái ăn học thành người.

Chặng đường gian khó đã qua, quả ngọt kết tinh từ tình yêu đã giúp vợ chồng ông Dũng vượt qua bao sóng gió của cuộc đời. Ba người con của ông bà đều đã lập gia đình. Người con gái lớn lấy chồng trong miền Nam, 2 cậu con trai đi xuất khẩu lao động bên nước Nhật cũng đã nhiều năm. Cuộc sống của vợ chồng ngày càng vững vàng, tạo điều kiện thuận lợi để ông có nhiều thời gian chăm lo cho ngôi nhà thứ hai của mình - Hội Người mù huyện Thạch Hà.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Không chỉ là người chồng, người cha mẫu mực, ông Dũng còn là nhân tố tích cực, có nhiều đóng góp cho tổ chức hội người mù các cấp. Tháng 6/1993, khi tổ chức Hội Người mù huyện Thạch Hà được thành lập, ông Dũng đã tự nguyện xin gia nhập hội với mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để xây dựng tổ chức. Để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho bản thân, ông đã tham gia lớp học chữ Braille và tiếp cận với thư viện sách nói dành cho người mù, tham gia đầy đủ các lớp học như: đào tạo cán bộ hội, học tin học văn phòng... Những nỗ lực đó đã đưa ông đến với ánh sáng của niềm tin, tri thức, mở cửa tâm hồn và ươm mầm những hoài bão trên hành trình thắp sáng ước mơ cho những người cùng cảnh. Năm 2012, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Người mù huyện Thạch Hà.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho bản thân, ông Dũng đã học viết và đọc chữ Braille, sử dụng phần mềm đọc màn hình trên điện thoại thông minh, sử dụng nhiều ứng dụng facebook, zalo, gmail để hỗ trợ cho công việc chuyên môn.

Là người giàu nghị lực, không muốn cậy nhờ và làm phiền bất kỳ ai, hơn chục năm qua, để tiện cho việc đi lại, ông Dũng đều tự mình bắt xe ôm từ nhà tới tổ chức hội. Cũng chính vì thế, hành trình khoảng 7 km từ thôn Sơn Tiến, xã Thạch Sơn đến Hội Người mù huyện Thạch Hà với ông Dũng cũng chất đầy nhiều kỷ niệm khi có thêm một người bạn đồng hành bất kể nắng mưa, ngày đêm, lúc cần đều có thể tâm sự, giãi bày.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh (tổ dân phố 4, thị trấn Thạch Hà) chia sẻ: “Hành nghề lái xe ôm cũng mấy chục năm nay nhưng có lẽ ông Dũng là vị khách đặc biệt nhất, lâu năm nhất của tôi. Vì điều kiện gia đình con cái đều đi làm ăn xa, không muốn làm phiền anh em, bè bạn, ông Dũng thường gọi tôi chở từ nhà đến tổ chức hội và ngược lại. Tôi rất quý ông Dũng vì ông ấy là người hiền lành, sống tình cảm, luôn quan tâm, giúp đỡ những người cùng cảnh”.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Sáng thứ 2, ông Dũng đi xe ôm đến Hội Người mù huyện Thạch Hà và ở lại cho đến hết buổi sáng thứ 7, chiều thứ 7 ông lại bắt xe ôm về nhà.

Trải qua 30 năm cống hiến cho tổ chức hội, ông Dũng đã nỗ lực, góp công sức đưa Hội Người mù huyện Thạch Hà trở thành đơn vị vững mạnh với 11 năm liên tục dẫn đầu toàn tỉnh trong thực hiện công tác hội và phong trào thi đua, được Trung ương hội, Tỉnh hội và các cấp chính quyền trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Để giúp đỡ những người cùng cảnh, ông Dũng không thôi trăn trở tìm hướng đi mới giúp hội viên tiếp cận với các nguồn chính sách xây dựng mô hình kinh tế, tham gia các lớp học chữ, học nghề như: làm tăm, làm chổi, xoa bóp, bấm huyệt và kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm trao tặng nhiều phần quà cho trẻ em mù cùng hơn 230 hội viên đang sinh hoạt trong tổ chức hội.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Ông Dũng chia sẻ: “Với tôi, khó khăn nhất trong hành trình giúp đỡ những người khiếm thị chính là giúp họ thoát khỏi sự tự ti, mặc cảm. Muốn làm được điều đó, tôi và các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội Người mù huyện Thạch Hà luôn không ngừng nỗ lực để vận động những người khiếm thị ở mọi lứa tuổi gia nhập tổ chức hội, động viên họ tham gia các lớp học chữ, học nghề để mở mang tri thức, tổ chức các cuộc giao lưu tiếng hát từ trái tim để hội viên tham gia, từ đó làm phong phú đời sống tinh thần cho các hội viên”.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Tổ dịch vụ xoa bóp bấm huyệt với 20 hội viên tham gia, cho thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng (ảnh trái). Tổ hợp tác làm chổi, làm tăm có 20 hội viên tham gia, thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng (ảnh phải).

Theo thống kê, trong 15 năm qua (từ năm 2008 đến nay), Hội Người mù huyện Thạch Hà đã khâu nối, hỗ trợ cho 165 hội viên vay vốn từ các chương trình, dự án với số tiền trên 2,3 tỷ đồng để phát triển kinh tế; duy trì và phát triển 2 tổ hợp tác sản xuất tập trung với các ngành nghề làm tăm, bện chổi và đã sản xuất, tiêu thụ gần 14 tấn tăm, hơn 15.000 chiếc chổi đót, giải quyết việc làm cho 20 hội viên, với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng. Duy trì tổ dịch vụ xoa bóp bấm huyệt với 20 hội viên tham gia, mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng...

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Chị Lê Thị Huyền - hội viên Hội Người mù huyện Thạch Hà xúc động trò chuyện: “Bác Dũng như cánh chim đầu đàn, dẫn lối, chỉ đường soi sáng niềm tin cho hội viên chúng tôi. Bác ấy là người sống tình cảm, chan hòa, luôn quan tâm, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể học chữ, học nghề, kiếm thêm thu nhập. Bản thân tôi cũng đã gắn bó với tổ chức hội và tham gia tổ dịch vụ xoa bóp bấm huyệt được gần 10 năm, mức thu nhập làm nghề của tôi khoảng 4 triệu mỗi tháng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính để tôi trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học...”.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Ông Dũng luôn quan tâm, mở các lớp học chữ Braille cho trẻ em khiếm thị ở Thạch Hà học tập, khai sáng nguồn tri thức.

Bằng nỗ lực, quyết tâm và nhiều đóng góp, ông Dũng đã được cấp ủy, chính quyền, tổ chức hội các cấp trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tiêu biểu như: bằng khen của Hội Người mù Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2007 - 2017; các năm từ 2016 - 2022 được Hội Người mù Hà Tĩnh tặng giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác hội; năm 2022, được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng giấy khen vì đã có thành tích đóng góp trong chỉ đạo, thực hiện quản lý sử dụng vốn vay về quỹ quốc gia giải quyết việc làm, đảm bảo an toàn; năm 2023, được UBND huyện Thạch Hà trao tặng giấy khen “Gương người tốt, việc tốt, giai đoạn 2021 -2023”...

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Ông Dũng kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trao tặng nhiều phần quà cho trẻ em khiếm thị và các gia đình hội viên Hội Người mù huyện Thạch Hà vào các dịp lễ, tết (ảnh 1, 2). Tính đến nay, ông Dũng đã có hơn 30 năm cống hiến cho tổ chức hội, 11 năm giữ chức Chủ tịch Hội Người mù huyện Thạch Hà (ảnh 3).

Nhìn nhận về vai trò của Chủ tịch Hội Người mù huyện Thạch Hà, ông Hà Huy Thông - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, xây dựng tổ chức hội trở thành đơn vị vững mạnh với 11 năm liên tục dẫn đầu trong thực hiện phong trào, hoạt động công tác hội, được Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh, cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, đồng chí Dũng đã tranh thủ tốt sự giúp đỡ của tổ chức từ thiện, cá nhân hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để có thêm nguồn lực, từ đó tổ chức các hoạt động dạy chữ, dạy nghề cho hội viên; mua sắm các trang thiết bị, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên ở các cơ sở”.

“Khuyết tật về mắt không phải là bất hạnh mà chỉ là sự bất tiện mà thôi...”

Những tấm bằng khen, giấy khen của hội và của cá nhân ông Dũng được treo ngay ngắn trong phòng làm việc của ông tại Hội Người mù huyện Thạch Hà (ảnh trái). Năm 2023 , ông Dũng được Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà vinh danh “cá nhân điển hình tiên tiến huyện Thạch Hà năm 2023” (ảnh phải).

Tâm sự về những gì đã trải qua, ông Nguyễn Tiến Dũng bộc bạch: “Tôi luôn tin rằng, không có việc gì khó chỉ cần mình cố gắng thì sẽ vượt qua. Đó cũng chính là bí quyết để tôi vượt lên chính mình. Cuộc sống gia đình đã ổn định, các con đã trưởng thành, tôi đã yên tâm để chăm lo cho phong trào, công tác hội. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng nhiều hơn để truyền lại những kinh nghiệm cho đội ngũ kế cận để sau này hoạt động hội ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả hơn”.

Bài, ảnh: Thúy Quỳnh

Thiết kế & kỹ thuật: Huy Tùng

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast