Hóa chất sản xuất hương đậu tàn (Bài 1): Càng độc càng… hút khách!

(Baohatinh.vn) - Nhiều người quan niệm rằng, trong lễ lạt… khi nén hương cháy hết nhưng tàn hương vẫn còn đậu lại thì rất may mắn. Có lẽ vì thế, trên thị trường xuất hiện các loại hương đậu tàn rất thu hút khách hàng. Chưa biết những nén hương đậu tàn có mang lại may mắn cho gia chủ hay không nhưng việc ảnh hưởng đến sức khỏe cho kẻ mua, người dùng thì chắc chắn đã có…

“Loạn” thị trường

Theo điều tra, xác minh của P.V, hiện trên thị trường tràn lan các loại hương từ bình dân đến cao cấp và rất đa dạng như: cho mùi thơm khi đốt, các loại trắng tàn, đậu tàn… Điều quan ngại là nhiều sản phẩm nhãn mác rất cẩu thả, không hề có địa chỉ cơ sở sản xuất, thành phần sản xuất. Chúng tôi tiến hành khảo sát khoảng 20 người mua hương ở một số chợ trên địa bàn Hà Tĩnh thì hầu hết không quan tâm đến nhãn mác của sản phẩm mà chủ yếu quan tâm đến giá cả, đậu tàn và mùi thơm. Việc người dân ưa chuộng các loại hương nhang đậu tàn không chỉ để cầu may mắn mà còn vì “hương cháy xong mà vẫn còn tàn đậu lại thấy… đẹp” - như chia sẻ của một khách hàng ở Hương Khê.

Sản phẩm nhang trầm Đức Hùng được ghi "sản xuất tại Hà Nội" nhưng thực chất lại ra lò ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh)
Sản phẩm nhang trầm Đức Hùng được ghi "sản xuất tại Hà Nội" nhưng thực chất lại ra lò ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh)

Trong vai khách hàng bán buôn, tôi ghé vào một cơ sở sản xuất hương nhang ở Hương Khê. Điều nhận thấy là quy mô sản xuất ở cơ sở này không quá lớn nhưng có sản xuất hương đậu tàn. Anh C. - thợ sản xuất hương nơi đây cho biết: Làm hương đậu tàn không khó, cũng không tốn kém nguyên liệu hơn nhiều nhưng dễ bán và được giá so với hương truyền thống. Dù tôi gặng hỏi về cách làm hương đậu tàn nhưng người đàn ông này nhất quyết không tiết lộ.

“Đây là bí quyết sản xuất của mỗi nơi, anh muốn học thì tôi sẽ chỉ dẫn nhiệt tình, đảm bảo chỉ trong một ngày sẽ làm thành thạo nhưng phải mất… học phí” - anh C. nói.

Tiếp tục “mục sở thị” một cơ sở sản xuất hương khác trên địa bàn xã Thạch Mỹ (Lộc Hà), chủ cơ sở sản xuất này cho biết: Tuy ở đây chưa sản xuất hương đậu tàn nhưng cũng muốn chuyển sang làm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều trăn trở là tuy Thạch Mỹ đã có thâm niên trong việc sản xuất hương, song, gần như toàn bộ sản phẩm được sản xuất trên địa bàn đều không có thương hiệu.

Khó hiểu hơn nữa, toàn bộ nhãn mác đóng gói sản phẩm đều được mua lại của một cơ sở sản xuất hương khác ở Hà Nội. Và, một thực tế trớ trêu là sản phẩm thì mang thương hiệu “Đức Hùng - hương trầm đặc biệt sản xuất tại Hà Nội”, nhưng ít ai biết rằng, nó lại được ra lò tại… Lộc Hà (trừ bao bì). Thậm chí, dù không hề sản xuất hương đậu tàn nhưng vẫn có những gói sản phẩm có nhãn mác đậu tàn. Khi được hỏi tại sao những người cùng sản xuất hương không tập hợp lại để thành lập hợp tác xã rồi xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thì nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Lập để mà nộp thuế à?”.

Hóa chất không xuất xứ

Trung tuần tháng 6/2014, anh Phạm Văn Tám - Giám đốc Doanh nghiệp Diễm Phát (Thạch Khê - Thạch Hà) chuyên sản xuất hương nhang các loại đã đi tìm hiểu về cách sản xuất hương trắng tàn, đậu tàn theo xu hướng của thị trường. Anh Tám khẳng định, để sản xuất các sản phẩm nhang có mùi thơm đặc biệt, các sản phẩm hương trắng tàn, đậu tàn chắc chắn phải sử dụng chất hóa học trong thành phần sản xuất. Nếu chỉ dùng thảo dược và các thành phần tự nhiên không thể cho tàn trắng hay cuộn tròn được.

Chất xử lý đậu tàn không hề có nhãn mác, thành phần, xuất xứ.
Chất xử lý đậu tàn không hề có nhãn mác, thành phần, xuất xứ.

Nhận thấy thị hiếu của khách hàng, anh Tám tìm hiểu cách thức sản xuất các loại hương này. “Để làm hương đậu tàn thì chỉ cần mua thêm hóa chất (chúng tôi gọi thành phần sản xuất này là hóa chất theo lời anh Tám - PV) pha với nước lã theo tỷ lệ 1 kg hóa chất/7 kg nước và nhúng lõi tre (tâm hương) có sẵn vào chừng 20 phút đem phơi khô rồi sản xuất theo quy trình bình thường” - anh Tám chia sẻ.

Trong quá trình tìm hiểu, anh Tám quen một phụ nữ tên Hậu ở Hà Nội – chuyên cung cấp hóa chất làm hương trắng tàn, đậu tàn cho các cơ sở sản xuất ở Hà Tĩnh. Theo lời chị này thì đã bán những chất này cho một số người ở Đức Thọ và Cẩm Xuyên. Người mua phải đặt trước vì hàng lấy từ Trung Quốc, số lượng bao nhiêu cũng có và phải mua với số lượng lớn thì mới bán. Với hóa chất xử lý đậu tàn phải mua ít nhất 30 lít (120.000 đồng/lít).

Sau khi tiến hành thử nghiệm phản ứng hóa học thì hóa chất dùng để làm hương đậu tàn là a xít phosphoric (H3Po4) rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người
Sau khi tiến hành thử nghiệm phản ứng hóa học thì hóa chất dùng để làm hương đậu tàn là a xít phosphoric (H3Po4) rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người

Tương tự, chất làm trắng tàn phải mua từ 2 tạ trở lên (100.000 đồng/kg), nếu mua trên 5 tạ thì rẻ hơn (70 nghìn đồng/kg). Chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, sau 1 tuần, người phụ nữ này sẽ gửi hàng về theo xe khách.

Được biết, chất xử lý đậu tàn được đựng trong một can nhựa màu xanh, không hề có nhãn mác, thành phần, xuất xứ… bên ngoài dán một miếng giấy ghi tên người gửi, tên và số điện thoại người nhận, cách pha chế và kèm theo một dòng lưu ý: “Các dụng cụ pha chế phải là đồ nhựa”.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast