4 thay đổi có thể diễn ra trong bóng đá

Đá biên thay vì ném biên, sử dụng đồng hồ đếm ngược... là những điều chỉnh có thể sẽ được FIFA áp dụng trong năm năm tới nhằm đẩy nhanh nhịp thi đấu.

Trước thực trạng các cầu thủ thường xuyên câu giờ, FIFA đang tìm cách để tăng tốc độ trận đấu. Arsene Wenger, hiện là Giám đốc phát triển toàn cầu của FIFA, đã đưa ra loạt đề xuất với nhiều thay đổi chuẩn bị được đưa vào thực tế. Trong đó đáng chú ý là đá biên thay vì ném biên, đá phạt trực tiếp nhanh, đá phạt góc nhanh và đồng hồ đếm ngược.

4 thay đổi có thể diễn ra trong bóng đá

Wenger (trái) được FIFA kỳ vọng sẽ giúp bóng đá có nhiều cải tiến, nhằm tăng sức hấp dẫn. Ảnh: PA

Chúng nằm trong những thay đổi sẽ được thử nghiệm sau cuộc họp Đại hội đồng thường niên lần thứ 136 của Hội đồng Bóng đá Quốc tế (IFAB) vào tháng này. “Thực tế, trong năm năm nữa, ở cấp độ đỉnh cao, bóng đá sẽ không giống với những gì được chơi vào buổi sáng Chủ nhật trong công viên”, Tiến sĩ Tom Webb - giảng viên cao cấp và chuyên gia về trọng tài tại Đại học Portsmouth (Anh) - nói.

Cricket và bóng bầu dục đều chấp nhận những đổi mới để duy trì sự phát triển, có nhịp độ nhanh hơn bóng đá. Ngay cả VAR - sự hiện đại hóa quan trọng nhất của bóng đá những năm qua - vẫn là sự so sánh kém chất lượng và tẻ nhạt so với trọng tài video trong hai môn thể thao này.

Áp lực cải tổ là một phần trong nỗ lực phối hợp của các nhà hoạch định luật chơi nhằm giúp bóng đá duy trì sự hấp dẫn. Nhiều ông chủ các CLB lớn cũng nhận ra họ phải thu hút một thế hệ CĐV trẻ hơn, những người có thể không dành 45 trong tổng số 90 phút để chờ bóng được đưa trở lại cuộc chơi.

Báo Anh Sportmail đã cùng Tiến sĩ Webb đánh giá bốn thay đổi mà IFAB dự kiến sẽ xem xét.

Đồng hồ đếm ngược - khả thi cao. Thay vì mỗi trận đấu kéo dài 90 phút theo luật được áp dụng từ năm 1863, IFAB dự kiến rút ngắn thời gian thi đấu xuống còn 60 phút.

Tại Ngoại hạng Anh, thời gian bóng sống đang ở mức thấp nhất trong hơn mười năm qua. Mùa 2021-2022, các đội chỉ thi đấu trung bình 55 phút và 7 giây mỗi trận. Trong đó, Man City là đội duy nhất có thời gian bóng sống trung bình hơn 60 phút mỗi trận, tính trong những giải đấu hàng đầu châu Âu. Con số này thậm chí giảm xuống còn dưới 50 phút ở các giải đấu thấp hơn, gồm Championship, League One và League Two.

Giải pháp được đưa ra là sử dụng đồng hồ đếm ngược từ 30 phút mỗi hiệp. Giống như trong bóng rổ, đồng hồ đếm ngược sẽ tự động dừng mỗi khi phát sinh tình huống bóng ngoài cuộc.

Việc lãng phí thời gian xảy ra xuyên suốt trận đấu, như những quả phát bóng lên, phạt góc, ném biên, đá phạt trực tiếp, xếp hàng rào, tranh cãi trên sân hay thay người - nơi đi bộ được nhiều cầu thủ biến thành một hình thức nghệ thuật. Nếu có thể giới hạn thời gian bóng sống mỗi trận, các đội được đánh giá thấp hơn chắc chắn nắm lợi thế chiến lược trước các đội mạnh. Vì thế, nhiều đội có thể câu giờ từ khi trận đấu bắt đầu tới khi bước vào những phút bù giờ. Các biện pháp hiện tại để giải quyết vấn đề câu giờ không hiệu quả, khi nhiều cầu thủ sẵn sàng nhận thẻ vàng, hay thậm chí thẻ đỏ, để mang về chiến thắng.

Việc lãng phí thời gian không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với câu giờ. Nhiều đội lên kế hoạch tỉ mỉ ở những quả đá phạt trực tiếp, phạt góc hay ném biên, do đó mất nhiều thời gian để điều động từng cầu thủ vào vị trí. West Ham và Brentford là hai đội dựa vào những tình huống bóng chết để ghi bàn. Khi họ gặp nhau trên sân London hồi tháng 10/2021, trọng tài Peter Bankes đã thổi phạt 29 lần, và cho hai đội hưởng tổng cộng 17 quả phạt góc. Thời gian bóng sống chỉ khoảng 41 phút 33 giây, với phần thắng chung cuộc 2-1 nghiêng về Brentford.

4 thay đổi có thể diễn ra trong bóng đá

Đồng hồ đếm ngược được áp dụng thử nghiệm tại Future of Football Cup 2021.

Đồng hồ đếm ngược đã được thử nghiệm tại Future of Football Cup năm 2021, giải đấu trẻ hội tụ PSV Eindhoven, AZ Alkmaar, RB Leipzig và Club Brugge. Kết quả thu về rất tích cực, dù đây không phải là một thử nghiệm của FIFA.

Việc áp dụng đồng hồ đếm ngược không chỉ loại bỏ việc câu giờ, mà còn tăng sự kịch tích, gay cấn vào cuối trận. Trên hết là sự thay đổi thái độ của IFAB. Năm 2017, việc áp dụng đồng hồ đếm ngược đã bị loại bỏ vì nó chỉ có thể hoạt động hiệu quả ở những trận đấu hàng đầu, và không thể được áp dụng ở tất cả giải đấu hoặc trên toàn thế giới.

Nhưng giờ đây, IFAB dần chấp nhận rằng các quy tắc phải được thay đổi phù hợp với các cấp độ khác nhau của bóng đá: VAR ở đẳng cấp cao nhất phải sử dụng tám đến 12 camera, VAR-light đang được phát triển cho các giải đấu thấp hơn với chỉ ba thiết bị, và thậm chí một trợ lý video sẽ được xem xét thêm. Cựu trọng tài và hiện là là trưởng Ban trọng tài FIFA, Pierluigi Collina cũng kêu gọi thay đổi. Ông nói: “Chúng tôi muốn tìm giải pháp để tăng thời gian bóng sống”. Theo đó, đồng hồ đếm ngược là phương pháp hữu hiệu nhất.

Đá biên thay ném biên - chưa khả thi. Sportmail nhận định, việc cắt giảm thời lượng trận đấu từ 90 xuống còn 60 phút bằng đồng hồ đếm ngược mang đến sự thay đổi lớn hơn việc thay ném bằng đá biên. Nhưng các chuyên gia lại cho rằng đá biên sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến cục diện trận đấu. "Đó là thay đổi lớn hơn", tiến sĩ Webb nhấn mạnh. "Đây sẽ là một sự thay đổi cơ bản và có thể được thông qua".

Thực tế, đây không phải thay đổi mới. FIFA từng thử nghiệm đá biên thay vì ném biên ở Bỉ, Hungary và ở Diadora League mùa 1994-1995. Dù vậy, thử nghiệm này không được chào đón và không được nhớ đến nhiều ở nước Anh. HLV của St Albans City, Allan Cockram, đe dọa sẽ thôi hợp đồng với các cầu thủ nếu họ đá biên. Vì thế, St Albans City không đá biên lần nào suốt mùa giải.

4 thay đổi có thể diễn ra trong bóng đá

Cựu hậu vệ Stoke City Rory Delap từng nổi tiếng với những quả ném biên như đá phạt. Ảnh: Reuters

Mark Lawford, một phóng viên từng đưa tin về Horsham FC cho tờ West Sussex County Times , dự đoán kiểu mỉa mai: “Chẳng bao lâu nữa, tất cả các đội sẽ tung vào sân năm hậu vệ cao hơn 2 m và ba tiền đạo thậm chí còn cao hơn. Trong khi đó, các thủ môn có thể phải cúi xuống chỉ để tránh ánh đèn pha. Không có gì hay ho khi nhìn quả bóng được đá từ biên hết lần này qua lần khác”.

Một CĐV khác nhớ lại: “Tôi xem trận đấu giữa East Thurrock và Flackwell Heath ở vòng mở màn, và mọi thứ thật kinh khủng. Mỗi khi bóng ra biên, một cầu thủ lại đưa bóng vào vòng cấm để hàng loạt cầu thủ cao to tranh chấp”. Một người khác viết: “Thay đổi này khiến trận đấu chậm lại vì mỗi khi bóng ra ngoài, các đội lại dàn xếp đá phạt cố định. Tôi ghét điều đó và thật vui khi nó không còn được áp dụng”.

Không chỉ các CĐV, cựu danh thủ tuyển Anh Gary Lineker cũng chống lại thay đổi này. Ông viết trên Twitter trong tuần: “Không chắc đó là một ý tưởng hay. Việc đá biên thay ném biên sẽ làm chậm nhịp độ trận đấu. Và những quả đá biên bên phần sân đối phương sẽ như những quả đá phạt vậy”.

Rất ít khả năng Pep Guardiola sẽ thay đổi hoàn toàn lối chơi của Man City bằng cách yêu cầu Bernardo Silva tập đá phạt để chuẩn bị cho mỗi lần bóng ra đường biên. Nhưng chắc chắn, nhiều CLB khác sẽ thay đổi lối chơi nếu việc đá biên được thông qua.

Bóng đá Anh đã thay đổi, từ tạt cánh đánh đầu đến việc nuôi dưỡng các cầu thủ kỹ thuật, có khả năng kiểm soát bóng tốt. “Vì thế, việc áp dụng đá biên như biến bóng đá Anh trở lại thời đồ đá, nơi người cao nhất ở các giải trẻ được mặc định là cầu thủ hay nhất, bởi khả năng tranh chấp trên không và đánh đầu thành bàn”, Sportmail nhận định.

Năm 1994, các cầu thủ có thể lựa chọn đá biên hay ném biên. Nếu định đá biên, họ phải ra hiệu với trọng tài bằng cách giơ một cánh tay và chờ trọng tài cho phép.

Lần này, nếu thay đổi được thông qua, chắc chắn cũng cần những quy định tương tự. Wenger đề xuất giới hạn thời gian trong vòng năm giây, trong khi nhiều chuyên gia khác tranh luận về chỉ giới hạn những khu vực được đá biên. “Nhưng điều đó chỉ nói lên khả năng thay ném biên bằng đá biên không khả thi, bởi những vấn đề này sẽ lại nảy sinh thêm những vấn đề khác”, Sportmail nhấn mạnh.

Sau cuộc thử nghiệm vào những năm 1990, mỗi CLB phải hoàn thành một bảng câu hỏi và gửi lại cho FIFA vào cuối mùa. Theo Sportmail , đa số các đội đều phản ứng kịch liệt khiến FIFA phải mất gần ba thập kỷ để hồi sinh ý tưởng này.

Đá phạt trực tiếp nhanh - Khả thi. Ý tưởng này khả thi hơn, bởi một quả đá phạt nhanh không thay đổi bản chất của bóng đá, nhưng giúp đẩy nhanh nhịp độ các trận. "Với việc FIFA muốn tăng tốc độ trận đấu, thay đổi này có thể phục vụ điều đó. Việc đá phạt nhanh giúp các đội có thêm lựa chọn, và không phải chờ đợi dàn xếp ổn thỏa trong vòng cấm. Việc đợi những cầu thủ ở tuyến dưới xâm nhập vòng cấm cũng tốn khá nhiều thời gian", Tiến sĩ Webb phân tích.

Với thay đổi này, các cầu thủ chỉ cần phát hiện cơ hội và có thể hiện nhanh quả đá phạt để tổ chức lên bóng. Trong cơn lốc siêu cạnh tranh của bóng đá Anh, nó có thể tạo ra những pha phản công chớp nhoáng, nếu được tận dụng tốt.

“Hãy tưởng tượng một cầu thủ vào bóng thô bạo còn đang phàn nàn với trọng tài trước đám đông khán giả, đối phương đã đá phạt nhanh để ghi bàn điêu luyện. Hay sau khi một hậu vệ kéo ngã tiền đạo đối phương, ai sẽ là người đứng dậy trước với cơ hội ghi bàn vẫn rộng mở? Những tình huống như thế sẽ giúp trận đấu thêm phần hấp dẫn”, Sportmail bình luận.

Các trận đấu cũng ít bị gián đoạn hơn bởi những tranh cãi, phản ứng từ các cầu thủ. Trên phần sân nhà, các hậu vệ hay tiền vệ không còn thời gian để phân bua với trọng tài, vì lo ngại đứng sai vị trí hoặc lộ khoảng trống phía sau để đối phương đá phạt nhanh và khai thác. Lineker đồng tình với thay đổi này. Ông nói: “Nếu muốn thay đổi điều gì đó, hãy cho phép các cầu thủ đá phạt nhanh, ngay cả khi họ bị phạm lỗi. Điều đó sẽ đẩy nhanh tốc độ trận đấu”.

Đá phạt góc nhanh - khả thi. Đá phạt góc nhanh cũng ít nhiều được đưa vào thử nghiệm. Nó được áp dụng trong các trận đấu trẻ giữa Rangers và Dundee United ở giải Scotland mùa trước hay được thử nghiệm tại Future Football Cup - giao hữu trẻ quốc tế thường niên cho các đội trẻ dưới 17 tuổi được Ajax tổ chức - bên cạnh việc đá phạt nhanh và dùng đồng hồ đếm ngược.

Những quả đá phạt góc nhanh chưa cho thấy hiệu quả, khi các HLV không có nhiều thời gian để lên ý tưởng cho toàn đội. Nhưng nếu được chuẩn bị kỹ càng, kiểu đá phạt góc này có thể trở thành phương án tấn công nguy hiểm.

Man City hưởng 316 quả phạt góc, nhiều nhất Ngoại hạng Anh mùa trước. Một phần ba trong số đó, đội bóng của Guardiola đá phạt góc bằng đường chuyền ngắn để phối hợp. The Athletic phân tích, Man City bố trí hai cầu thủ đứng gần chấm phạt góc để đá ngắn, với một người thứ ba nhằm thay đổi góc tạt, giúp các cầu thủ bên trong vòng cấm có thời gian thoát khỏi đối thủ kèm người và dứt điểm.

“Đó là một lựa chọn chiến thuật khác”, tiến sĩ Webb nhấn mạnh. “Các đội tấn công chắc chắn hưởng lợi. Đối phương có thể bị phá vỡ hệ thống phòng ngự, còn các cầu thủ tấn công tách được người kèm và từ đó mở ra nhiều cơ hội. Cũng có thể có những lợi thế khác khi đá phạt nhanh, thay vì phải đợi các cầu thủ phòng ngự to cao lên tấn công. Thay đổi này có thể đẩy nhanh nhịp độ trận đấu”.

4 thay đổi có thể diễn ra trong bóng đá

Man City, dưới thời Pep Guardiola, là đội tiên phong thực hiện kiểu đá phạt góc nhanh.

Khi đá phạt góc, các đội như Man City, Liverpool và Chelsea thích khai thác “nửa không gian”, những khu vực “tưởng tượng” ở hai bên vòng cấm. Đây là khoảng không hoạt động ưa thích của Jack Grealish, Mohamed Salah hay Reece James. Tại đây, những quả tạt trở thành đường chuyền, với việc các cầu thủ cố gắng tránh phạm lỗi có thể đưa bóng tới những vị trí nguy hiểm mà hậu vệ đối phương khó kiểm soát.

Việc đá phạt nhanh cũng giúp các cầu thủ tấn công khai thác khoảng trống, thời điểm hàng thủ đối phương vẫn đang tổ chức. Việc các hậu vệ phải băng ra khép góc cũng khiến CLB chủ quản đối mặt với nguy cơ lộ nhiều khoảng trống trong vòng cấm.

Cuối cùng, việc đá phạt góc nhanh giảm bớt những tranh cãi giữa cầu thủ hai đội, giúp các trọng tài không phải liên tục can thiệp để nhắc nhở hay thậm chí rút thẻ phạt.

Theo Hồng Duy/VNE

Đọc thêm

Huyền thoại Nadal

Huyền thoại Nadal

Ai có thể quên hình ảnh một chàng trai trẻ, với mái tóc xù và chiếc áo không tay, tung hoành trên các sân đất nện, khuấy đảo làng quần vợt thế giới? Đó là Rafael Nadal.
Ronaldo - còn gì nữa?

Ronaldo - còn gì nữa?

Dù Ronaldo đã nỗ lực hết mình, ghi những bàn thắng đẹp mắt, những đóng góp cá nhân của anh vẫn chưa đủ để đưa Al-Nassr lên đỉnh vinh quang.