Với lợi thể chủ nhà, Malaysia đã đưa rất nhiều nội dung không nằm trong hệ thống thi Olympic mùa hè nhằm lấy ngôi vị số 1. 38% tổng số Huy chương vàng (HCV) của Malysia đến từ những môn không thuộc Olympic. Số lượng HCV của Malysia không thuộc các môn Olympic (55) còn lớn hơn tổng số HCV của đoàn Indonesia. Riêng đoàn thể thao Việt Nam, có số HCV các môn Olympic đứng thứ 2 (hơn đoàn Thái Lan 1 HCV) và có tỷ lệ HCV các môn Olympic cao nhất (88%) trong số các đoàn tham gia.
SEA Games 29 chứng kiến bước tiến vượt trội của thể thao Việt Nam với các môn Olympic như bơi, điền kinh, đẩy tạ... Tuy nhiên xét theo số bộ môn Olympic mà các nước có huy chương thì Việt Nam chỉ đứng thứ 5 đồng hạng với Philippines. Nền thể thao khối các nước Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia phát triển các môn Olympic toàn diện hơn Việt Nam. Thể thao Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ nhiều nội dung có mặt trong hệ thống Olympic mùa hè.
Xét về thành tích cá nhân, thật khó để chọn ai khác làm hai động viên tiêu biểu cho kỳ SEA Games 29 nếu không phải là Schooling và Ánh Viên. Schooling có 6 HCV, còn Ánh Viên có 8. Tuy vậy thành tích của Schooling trong nội dung cá nhân 100m bơi bướm chỉ chênh lệch khoảng 0,24 giây so với thành tích đạt huy chương tại Olympic 2016. Trong khi với Ánh Viên là khoảng cách gần nhất là 3,14 giây với nội dung 100m ngửa. Nguyên nhân quan trọng khiến thành tích của Ánh Viên còn cách xa tốp huy chương Olympic vì cô tham dự tổng cộng 13-14 nội dung ở SEA Games, mỗi buổi tối xuống bể bơi thi 2-3 lần nên phải phân phối sức, không dồn trọng tâm vào nội dung nào.
Ở góc độ khác, đội bơi nam Singapore khá mạnh nên Schooling chỉ chọn tham dự 3 nội dung cá nhân mà không ảnh hưởng đến thứ hạng toàn đoàn của đội này. Tuy nhiên, rõ ràng Schooling ở một tầm hoàn toàn khác so với Ánh Viên ở sân chơi Olympic khi anh từng đánh bại Michael Phelps để giành huy chương vàng, trong khi Ánh Viên chưa từng lọt vào lượt bơi chung kết. Ánh Viên vẫn còn một khoảng cách rất lớn để có thể có huy chương tại Olympic.