Hãy thử tưởng tượng các trận đấu của Real Madrid, Barcelona, Juventus, Bayern Munich, Man City… sẽ diễn ra trên sân bóng không có khán giả. Những tên tuổi hàng đầu thế giới như Ronaldo, Messi… biểu diễn trên sân khấu không có người xem. Viễn cảnh đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực bởi dịch Covid-19.
Nhiều quốc gia châu Âu đang đối phó nhiều nguy cơ từ Covid-19.
Tất nhiên, việc các trận đấu diễn ra còn tốt hơn việc bị hoãn vô thời hạn bởi còn đó khán giả và bản quyền truyền hình. Đến nay, nguy cơ hoãn các giải đấu hàng đầu, kể cả Euro 2020 đang lơ lửng trước mắt bởi dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Tính đến 12 giờ ngày 3/3, trên thế giới đã có hơn 90.000 ca nhiễm Covid-19. Ở châu Âu, nơi các giải vô địch quốc gia đang ở giai đoạn nước rút thì Italia đã có 2.036 ca, Anh 40 ca, Tây Ban Nha 120 ca, Đức 150 ca và Pháp 191 ca. Thậm chí, Italia có 3 cầu thủ tại giải hạng 3 (Serie C) bị nhiễm Covid-19.
Với số ca lây nhiễm cao và có 52 người tử vong do Covid-19 cho nên Serie A buộc phải hoãn rất nhiều trận đấu. Cuộc đua tranh Scudetto cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do những ứng cử viên hàng đầu là Inter, Juve và Lazio đều đã phải hoãn những trận đấu của mình.
Tất nhiên, đây là điều không ai mong muốn. Liên đoàn Bóng đá Italia buộc phải đưa ra giải pháp tình thế nhằm hạn chế tụ tập đông người đó là tổ chức các trận đấu không có hoặc hạn chế khán giả. Đây là điều khó chấp nhận được với các đội bóng lớn, các cầu thủ lớn.
Đại chiến Juve và Inter đã phải hoãn vì Covid-19.
Những mâu thuẫn cũng từ đó nảy sinh. Đơn cử trận derby Italia, ban đầu, ban tổ chức quyết định trận đấu sẽ diễn ra mà không có khán giả đến xem. Tuy nhiên, Juve không muốn trả lại món lợi lớn từ lượng vé vốn bán hết từ lâu. Hiệp hội người tiêu dùng Italia đã dọa kiện cả Juve và Liên đoàn Bóng đá Italia ra tòa.
Cuối cùng, phương án được chốt lại là chỉ fan đến từ vùng Piemonte được vào sân, còn fan từ vùng Lombardia thì không. Cái lý của Liên đoàn Bóng đá Italia là vùng Piemonte chỉ có 10-15 ca mắc Covid-19, trong khi con số này ở vùng Lombardia là 900.
Tất nhiên, Inter không bao giờ chấp nhận đề nghị đó, bởi vùng Piemonte vốn là “thủ phủ” của fan Juve, còn vòng Lambardia tập trung nhiều fan của cả Milan lẫn Inter. Thậm chí fan Inter còn khẳng định có “bàn tay đen” nhằm mang đến kết quả có lợi cho Juve. Cuối cùng, trận đấu đành phải hoãn.
Inter Milan đã phải thi đấu trên 1 sân bóng không khán giả tại Europa League vì Covid-19.
Việc phải hoãn các trận đấu thường kéo theo rất nhiều hệ lụy. Đầu tiên là các cuộc đua vốn đang căng thẳng sẽ bị ảnh hưởng khi các vòng đấu bị xáo trộn. Một đội đang nắm lợi thế hoàn toàn có thể bị thua thiệt khi phải xếp sau đối thủ đơn giản vì có số trận thi đấu ít hơn.
Chưa kể, nguyên tắc của phòng chống dịch Covid-19 là không tụ tập đông người. Điều này sẽ khiến khoản doanh thu từ bán vé thường lên đến nhiều triệu Euro/trận bị ảnh hưởng. Sân vận động vẫn phải chăm sóc, lương cầu thủ vẫn phải trả nhưng doanh thu bị hao hụt lớn, đó là điều các câu lạc bộ hoàn toàn không mong muốn.
Tại Premier League, Ban tổ chức và nhiều câu lạc bộ cũng như “ngồi trên đống lửa”. Chính phủ Anh đang cân nhắc việc tạm dừng các hoạt động thể thao trong 2 tháng để đối phó dịch Covid-19. Nếu điều đó xảy ra, Premier League, giải đấu có lượng người xem đông nhất thế giới sẽ thật sự khốn đốn.
Quy chế Ngoại hạng Anh không đề cập kế hoạch dự phòng nếu mùa giải đột nhiên bị tạm dừng, thậm chí hủy giữa chừng. Báo chí Anh dự đoán về 3 kết cục có thể xảy ra: Hủy bỏ kết quả giải đấu, công nhận kết quả đến thời điểm hiện tại hoặc chờ hết dịch Covid-19 để đá tiếp.
Cả 3 trường hợp nêu trên chắc chắn sẽ tạo ra tranh cãi, thậm chí là xung đột. Hủy bỏ kết quả giải đấu chắc chắn khiến không chỉ CLB Liverpool mà các hooligan vốn phần nhiều là cổ động viên “lữ đoàn đỏ” tức giận.
Premier League nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Các phương án còn lại, 1 sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến khoản tiền bản quyền truyền hình (mùa giải 2018/2019 đã gần 2,5 tỉ bảng) cùng vô số khoản tài trợ, 1 chỉ mang tính chắp vá và tất nhiên gây xáo trộn bởi không thể có kế hoạch cụ thể.
Viễn cảnh hoãn các trận đấu và chờ phương án tiếp theo cũng đang chờ La Liga, Ligue 1 và Bundesliga trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát tại Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Những giải đấu tại đây vốn chứng kiến lượng khán giả chật kín các sân vận động vào những ngày cuối tuần.
Tại La Liga, rất may trận siêu kinh điển, trận đấu tiền triệu giữa Real và Barca không bị hoãn. Nhưng cuối tuần này, Ban tổ chức sẽ có quyết định thành lập Ủy ban phòng chống dịch để theo dõi sát sao tình hình, đề phòng những tình huống xấu nhất.
Tại UEFA Champions League, dù ban tổ chức chưa có thông báo về các trận đấu sắp tới, nhưng với tình hình hiện tại, giải đấu có thể bị ảnh hưởng. Ngày 28/2 vừa qua, trong khuôn khổ vòng 1/8, một cổ động viên Tây Ban Nha đến Italia xem trận đấu giữa Valencia và Atalanta dương tính với Covid-19.
Nhiều người lo ngại không ít cổ động viên có mặt tại sân cùng cổ động viên nêu trên sẽ bị lây bệnh. Chưa kể, trường hợp này có thể thành tiền lệ để ban tổ chức UEFA Champions League cho hoãn các trận đấu sắp tới nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Riêng giải Europa League, trong trận đấu diễn ra ngày 28/2, Inter Milan giành thắng lợi 2-1 trước đối thủ Ludogorets. Tuy nhiên, thông tin về trận đấu này rất ít ỏi bởi màn so tài trên sân San Siro bị giấu kín do lo ngại sự lây lan của Covid-19 và tất nhiên không hề có 1 bóng khán giả nào trên khán đài.
Sẽ có rất nhiều hệ lụy nếu Euro 2020, sân khấu lớn nhất của bóng đá châu Âu bị hoãn.
Không chỉ Champions League, Europa League, UEFA chắc chắn cũng đang rất đau đầu với Euro 2020, sân khấu lớn nhất của bóng đá châu Âu diễn ra vào mùa hè này. Trên truyền thông, lãnh đạo UEFA cho biết đang cân nhắc về việc hoãn Euro 2020 khi dịch Covid-19 vẫn lan rộng.
Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi dịch bệnh vẫn hoành hành ở châu Âu, và Euro 2020 lại tổ chức tại 12 thành phố của 12 quốc gia như Anh, Italia, Đức, Đan Mạch… Nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát, việc di chuyển và khán giả đến sân có thể lây nhiễm virus.
Tất nhiên, trong tình huống xấu, Euro chỉ có hoãn chứ không thể dừng hoặc tổ chức các trận đấu không có khán giả. Thời điểm mở bán đầu tiên diễn ra vào năm ngoái, đã có 19,3 triệu lượt vé được bán ra, mang về khoản thu cực lớn cho UEFA. Chưa kể khoản doanh thu hơn 2 tỉ Euro từ Euro 2016 (hơn 1 tỉ lợi nhuận) đã cho thấy giải đấu này là miếng bánh lớn của UEFA và các đội tuyển tham dự.
Chắc chắn dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến Euro 2020, nhưng chưa rõ mức độ như thế nào. Những sân vận động được xây dựng, nâng cấp, những kế hoạch tổ chức hoành tráng, những sự chuẩn bị của các đội tuyển quốc gia…, tất cả đều phải chờ diễn biến của dịch bệnh.