Giấy phép đặc biệt mà chính phủ Anh cấp cho Chelsea chỉ giúp CLB này hoạt động trong những giới hạn nhất định. Họ không thể tiếp tục kinh doanh như một công ty hay đội bóng chuyên nghiệp. Các nhà tài trợ lên kế hoạch quay lưng để tránh rắc rối.
Đến khi giấy phép của chính phủ Anh hết hạn vào ngày 31/5, Chelsea có thể đối mặt viễn cảnh tồi tệ hơn. Giải pháp khả quan nhất với Chelsea lúc này là tỷ phú Abramovich cho phép chính phủ Anh bán CLB.
Chelsea đang trải qua cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử CLB. Ảnh: Reuters
Ông Abramovich phải cứu Chelsea
Trong thông cáo báo chí của mình hôm 10/3, chính phủ Anh khẳng định “mục đích quan trọng nhất của việc trừng phạt là tước đi những quyền lợi của ông Abramovich”. Simon Jordan, Cựu chủ tịch Crystal Palace phân tích rằng chỉ cần doanh nhân người Nga sẵn sàng không nhận một đồng nào từ Chelsea trong tương lai, đội bóng thành London sẽ được cứu.
Telegraph tiết lộ tỷ phú Abramovich đã đồng ý để chính phủ Anh sẽ tiếp quản Chelsea và tiến hành bán lại CLB cho các đối tác muốn sở hữu. Nếu thật sự doanh nhân người Nga không còn muốn dính líu đến Chelsea, quá trình đổi chủ của “The Blues” sẽ diễn ra trong vòng 2 đến 4 tuần tới.
Vào thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn ngỏ ý quan tâm đến Chelsea. Doanh nhân Nick Candy, người cũng là một CĐV trung thành của đội bóng thành London, xác nhận với The Times rằng ông vẫn giữ ý định mua nhà đương vô địch Champions League.
“Chúng tôi đang xem xét tình hình vẫn quan tâm đến việc ra giá mua lại Chelsea”, một phát ngôn viên của ông Candy xác nhận. “Rõ ràng đây là thời điểm bất ổn đối với những ai yêu mến Chelsea”. Trước đó, người đàn ông 49 tuổi làm việc với một nhóm các nhà đầu tư Mỹ cho việc mua lại Chelsea. Họ sẵn sàng trả số tiền lên 2,5 tỷ bảng (3,3 tỷ USD) để làm hài lòng ông Abramovich.
Rob Wilson, chuyên gia tài chính bóng đá của Trường Đại học Sheffield Hallam, khẳng định tỷ phú Abramovich phải đưa ra quyết định thật nhanh chóng để cứu Chelsea. “Tôi không tin rằng Chelsea còn đủ lượng tiền mặt trong thời gian tới để vận hành mọi thứ ổn định”, giảng viên Wilson phân tích. “Tôi cho rằng việc đưa Chelsea vào diện quản lý của chính quyền Anh sẽ được các bên thảo luận sớm thôi”.
Matt Rogan, chuyên gia tư vấn thể thao, tin rằng tình trạng hiện tại của Chelsea kéo dài không có lợi cho tất cả các bên. Ngay cả khi chính phủ Anh sẵn sàng tạo điều kiện cho Chelsea đổi chủ, các nhà tài trợ có thể tìm cách cắt giảm giá trị của các hợp đồng tương lai.
Bên cạnh đó, các khoản nợ hiện tại của Chelsea với những nhà cho vay cũng là vấn đề lớn. Về mặt giấy tờ, “The Blues” đang nợ công ty Fordstam Limited, thuộc sở hữu của ông Abramovich, 1,5 tỷ bảng. “Rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết”, chuyên gia Rogan phân tích. “Ngay cả khi Chelsea đổi chủ, khoản nợ của họ vẫn còn đó”.
Giải pháp lý tưởng nhất là tỷ phú Abramovich thông qua bên thứ ba, sẵn sàng xóa nợ cho Chelsea. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, người ta chưa thấy động thái nào từ doanh nhân 55 tuổi.
Ông Rogan phân tích: “Chính phủ Anh vẫn tạo cơ hội để Chelsea đổi chủ. Số tiền thu về từ thương vụ bán Chelsea có thể được chính phủ Anh chi cho các hoạt động từ thiện hoặc sung công quỹ”.
Số phận của Chelsea giờ phụ thuộc nhiều vào động thái của tỷ phú Abramovich. Ảnh: The Times
Cổ động viên Chelsea liệu có cơ hội?
Chelsea vừa kỷ niệm sinh nhật 117 tuổi. Giống như nhiều CLB khác ở Anh, họ có mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng địa phương. “The Blues” có lịch sử và lượng cổ động viên trung thành kể từ khi ra đời ở phía tây London vào đầu thế kỷ 20.
Vào năm 1993, những người hâm mộ Chelsea địa phương được doanh nhân Ken Bates nhượng lại một lượng cổ phần nhất định trong CLB. Chelsea Pitch Owners (CPO), công ty thuộc sở hữu của các CĐV đội bóng, chính là bên nắm lượng cổ phần này.
Quy chế hoạt động của “The Blues” quy định CPO là bên nắm lượng “cổ phần vàng” và họ có quyền không cho phép chủ sở hữu sử dụng tên của CLB trong vài trường hợp. Cổ động viên Chelsea bản địa tin rằng CPO chính là con át chủ bài của họ trước cuộc xâm lấn bóng đá Anh từ những ông chủ ngoại quốc.
Trong một tuyên bố vào ngày 11/3, hội CĐV chính thức của Chelsea (Chelsea Supporters Trust) tuyên bố giờ là thời điểm để lượng “cổ phần vàng” tại CPO phát huy tác dụng.
Dan Silver, thành viên ban lãnh đạo CST, giải thích rằng những gì đang xảy ra với Chelsea có thể mang đến cơ hội hiếm có cho các cổ động viên. Họ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp quản CLB nếu huy động đủ nguồn lực tài chính.
Liệu các cổ động viên Chelsea có thể mua cổ phiếu để nắm quyền sở hữu CLB? Silver không bác bỏ khả năng này, nhưng anh khẳng định mọi thứ sẽ “rất phức tạp”. Để sở hữu một CLB có quy mô lớn như Chelsea, CST hay nhiều hội cổ động viên bản địa nhất cần rất nhiều sự hỗ trợ.
Một mô hình các cổ động viên sở hữu đội bóng như tại Barcelona hay Dortmund là điều người hâm mộ Chelsea đang mơ đến. Tuy nhiên, không dễ để Chelsea trở thành CLB có mô hình hoạt động khác biệt hẳn với những ông lớn khác tại Premier League.