Phát triển chính quyền số, gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính đã giúp Hà Tĩnh nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp, mang lại lợi ích cho cả cơ quan quản lý, người dân và toàn xã hội, đồng thời, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế.
Tạo nền tảng thúc đẩy quá trình cải cách hành chính (CCHC) nói chung, chuyển đổi số (CĐS) nói riêng, Hà Tĩnh đã nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan Nhà nước, phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích số, tăng cường nguồn nhân lực, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - nơi tiếp nhận và xử lý các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua đã tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nhất là các thiết bị số hóa để hỗ trợ người dân. Đồng thời, kết nối đồng bộ cơ sở dữ liệu cổng dịch vụ công của tỉnh với các hệ thống dữ liệu chuyên ngành và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, DN nộp hồ sơ trực tuyến, cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, xác minh trong giải quyết TTHC.
Ông Hoàng Tùng Phong - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đánh giá: “Nhờ thực hiện mạnh mẽ công tác CĐS đã góp phần giảm số lượng hồ sơ nộp trực tiếp của người dân, DN, gia tăng rõ rệt hồ sơ nộp trực tuyến. Khi nộp hồ sơ trực tuyến, người dân sẽ có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hơn thông qua các hướng dẫn trên môi trường mạng. Đội ngũ cán bộ cũng giảm bớt thời gian làm việc trực tiếp với người dân, tạo thêm thời gian kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng hồ sơ đầu vào”.
Tỷ lệ hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến của Hà Tĩnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đến ngày 4/10 là gần 72%.
Đến nay, Hà Tĩnh đã có 500 TTHC ở 3 cấp được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.022 TTHC được triển khai dịch vụ công trực tuyến một phần. Hạ tầng đồng bộ cùng với công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả nên đến nay, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn tỉnh là 72%, trong đó, hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 74,02%.
Cùng với dịch vụ công trực tuyến, hoạt động CĐS trong cơ quan Nhà nước cũng có nhiều chuyển biến và bước tiến vượt bậc. Đến nay, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100% và giữa UBND cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện đạt 99%. Chữ ký số được ứng dụng thường xuyên từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến nay, đạt tỷ lệ 100% đối với các nội dung về ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử, trong gửi nhận văn bản điện tử của cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện. 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có cổng/trang thông tin điện tử, thông tin được cập nhật liên tục, hiệu quả.
Hệ thống hạ tầng hội họp trực tuyến được đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Những chuyển động mạnh mẽ về CĐS trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước đã góp phần nâng cao hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các cổng thông tin cấp xã ở Thạch Hà được cập nhật dữ liệu thường xuyên để người dân nắm bắt.
Thạch Hà là địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ về thứ hạng CCHC, từ vị trí thứ 7 năm 2021 đã đạt vị trí thứ 2 vào năm 2022. Có được kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị huyện, trong đó, vai trò chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của người đứng đầu được phát huy thông qua hoạt động CĐS.
Bà Nguyễn Thị Liên - Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Thạch Hà cho biết: “Thông qua hệ thống theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ của các phòng, ban hằng ngày, hằng tuần, lãnh đạo huyện sẽ rà soát, đánh giá được tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, nội dung công việc và nghiêm túc, quyết liệt chấn chỉnh đối với các đơn vị, bộ phận và cá nhân chưa thực hiện hiệu quả, chưa đảm bảo tiến độ. Đồng thời, các khó khăn, vướng mắc cũng nhanh chóng được nắm bắt và chỉ đạo tháo gỡ, không để hình thành điểm nghẽn”.
Các sở, ngành đều áp dụng hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc và chỉ đạo điều hành.
Ở phạm vi toàn tỉnh, hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc và chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng cũng được các sở, ngành, địa phương trên địa bàn khai thác hiệu quả, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, nâng cao được ý thức, tinh thần, trách nhiệm cho đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Hơn nữa, với nền tảng hạ tầng công nghệ khá đồng bộ cùng hệ thống dữ liệu chuyên ngành được xây dựng và cập nhật thường xuyên nên các thông tin, số liệu, dữ liệu trên từng lĩnh vực được cập nhật, thống kê và báo cáo một cách chính xác mỗi ngày, mỗi tuần, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đồng bộ, đúng trọng tâm, trọng điểm và sát thực tiễn.
Các địa phương bố trí lực lượng hỗ trợ người dân trong thực hiện nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
CĐS cũng là động lực thúc đẩy hình thành các sáng kiến, các mô hình trong CCHC. Tính từ năm 2021 đến nay đã có trên 80 sáng kiến về CCHC được ứng dụng rộng rãi trên toàn tỉnh, trong đó, phần lớn là liên quan đến ứng dụng CĐS để hình thành các tiện ích phục vụ hiệu quả hơn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và tiếp nhận, xử lý TTHC của cán bộ, công chức. Điển hình như: Đổi mới việc niêm yết các quyết định công bố, danh mục và quy trình nội bộ TTHC bằng mã QR cùng với niêm yết bản giấy tại bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn toàn tỉnh; ứng dụng tiện ích trộn thư trong MS Word để in giấy phép lao động; thành lập các điểm hỗ trợ, tư vấn đăng ký và hướng dẫn sử dụng tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; ứng dụng trợ lý ảo trong tra cứu TTHC; xây dựng và tích hợp hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân vào trang thông tin điện tử xã, chia sẻ mã QR kết nối đến hệ thống qua Zalo....
Người dân quét mã QR phản ánh các kiến nghị, đề xuất.
Thực tế cho thấy, những chuyển động về CĐS trong hệ thống chính quyền đã mang đến hiệu quả rõ nét, phục vụ tốt hơn, tiện lợi hơn cho người dân và DN, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Cán bộ Sở GTVT thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến cho người dân.
Với hệ thống dữ liệu đồng bộ nên tháng 5/2023, Sở GTVT đã chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến. Chỉ với một chiếc smartphone hoặc máy tính cá nhân, người dân có thể thực hiện việc cấp đổi giấy phép lại xe ngay tại nhà. Anh Phan Xuân Hoài (xã Phú Gia, Hương Khê) chia sẻ: “Giấy phép lái xe đến kỳ hạn đổi lại mà mình thì dạy học ở xa, việc đi về thành phố cấp đổi mất nhiều thời gian. Cũng may vừa đúng lúc có hướng dẫn cấp đổi trực tuyến nên mình tiến hành các bước cấp đổi ngay tại chỗ, tiện lợi vô cùng”. Được biết, từ khi triển khai đến nay, toàn tỉnh đã cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến cho trên 2.300 trường hợp. Hà Tĩnh là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến.
Cổng đổi giấy phép lái xe trực tuyến.
Còn tại phường Hưng Trí (TX Kỳ Anh), thay vì chờ đến ngày tiếp dân để phản ánh các kiến nghị, đề xuất liên quan đến giải quyết TTHC thì hiện nay, bà con có thể gửi ngay ý kiến của mình thông qua mã QR được niêm yết tại bộ phận giao dịch một cửa. Ông Nguyễn Đình Tài - Chủ tịch UBND phường Hưng Trí cho biết: “Việc áp dụng mã QR trong khảo sát, đo lường sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giúp ích cho bà con rất nhiều. Khi thấy những khó khăn, vướng mắc hoặc chưa hài lòng trong khâu tiếp nhận, giải quyết TTHC, bà con có thể phản ánh ngay, không phải hẹn, chờ gặp lãnh đạo phường phản ánh trực tiếp. Hơn nữa, qua sự đánh giá của bà con, lãnh đạo cũng nắm bắt được tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức”.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến thông qua một số ngân hàng có chi nhánh trên địa bàn tỉnh. Một số dịch vụ thanh toán trực tuyến đang được triển khai tích hợp, kết nối nhằm triển khai mở rộng thanh toán trực tuyến đa dịch vụ, đa sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong giải quyết TTHC... Đặc biệt, DN hưởng nhiều tiện ích khi cơ quan Nhà nước triển khai hóa đơn điện tử và cho phép thực hiện nghĩa vụ thuế trên ứng dụng điện tử.
Người dân thanh toán trực tuyến lệ phí trong giải quyết TTHC.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo CĐS tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang gặp không ít khó khăn. Đó là việc phát triển cơ sở dữ liệu tổng hợp của các ngành và hình thành kho dữ liệu lớn cấp tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, quản lý các thông tin, dữ liệu trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Số lượng và chất lượng đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin tại các ngành, địa phương còn thiếu, yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác CĐS hiện nay, cũng như mục tiêu trung và dài hạn. Đặc biệt, năng lực tiếp nhận, ứng dụng CNTT của người dân và DN còn hạn chế nên đội ngũ cán bộ, công chức ở các ngành, địa phương đang phải cầm tay, chỉ việc, thậm chí là làm thay trong giao dịch TTHC qua môi trường mạng. Bà Nguyễn Lê Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công TP Hà Tĩnh cho biết: “Dù trình độ công nghệ thông tin của người dân có phần được nâng lên, song, nhìn chung vẫn còn ở mức thấp, trong khi nền tảng dịch vụ công trực tuyến còn khá phức tạp. Để người dân có thể tự thao tác nộp hồ sơ trực tuyến là không hề dễ dàng, dẫn đến bà con sẽ e ngại và một bộ phận vẫn duy trì thói quen giao dịch trực tiếp”.
Cục Thuế Hà Tĩnh tổ chức tuyên truyền việc triển khai nộp thuế điện tử đến tận từng hộ kinh doanh.
Đánh giá về quá trình xây dựng chính quyền số, ông Dương Văn Tuấn - Phó Giám đốc Sở TT&TT khẳng định: “CĐS trong các hoạt động của cơ quan Nhà nước thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý, điều hành và người dân, DN. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả thì đang còn cả một chặng đường dài và đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trong đó, người đứng đầu cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải chịu trách nhiệm chính về kết quả hoạt động CĐS theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao”.
Bài 1: Nền tảng vững chắc trên hành trình chuyển đổi số ở Hà Tĩnh
Bài 3: Thúc đẩy giá trị mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội tỉnh nhà
(Còn nữa)