Có dịp tham quan Nhà máy Sản xuất Pin VinES (Khu kinh tế Vũng Áng), tôi chứng kiến dàn robot tự hành miệt mài làm việc còn công nhân thì nhìn màn hình điều khiển để bấm nút hoặc kiểm tra lại hoạt động của các cỗ máy.
Và không chỉ tại Nhà máy Sản xuất Pin VinES, trong nhà xưởng của các tập đoàn lớn hay các khu đô thị mà chuyển đổi số (CĐS) đã về đến tận các làng quê.
Về xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên), chúng tôi rất bất ngờ khi được biết, nơi đây đã có khoảng 3.000 người dân cài đặt ứng dụng chữ ký số, chiếm tỷ lệ gần 70% người ở độ tuổi trưởng thành. Theo ông Nguyễn Như Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh, để có kết quả này, các tổ CĐS cộng đồng ở các thôn đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hỗ trợ người dân cài đặt. Ngoài ra, các tổ CĐS cộng đồng với lực lượng chủ lực là đoàn thanh niên còn trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng chữ ký số khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh “phổ cập” chữ ký số, các tổ cũng tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng các tiện ích khác của CĐS, đặc biệt là ứng dụng số hóa để phát triển kinh tế.
Tại huyện miền núi Hương Khê, không chỉ những đặc sản nổi tiếng mà những sản phẩm bình dị cũng được bày bán trên các nền tảng trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Sửu (xã Hương Liên) chia sẻ: “Năm qua, tổ hợp tác chúng tôi sản xuất và tiêu thụ gần 1.200 hộp nhút mít (tương đương khoảng 1,7 tấn). Do địa bàn cách trở, xa trung tâm nên có hơn 90% sản phẩm tiêu thụ được là nhờ việc quảng bá, giới thiệu trên các nền tảng số. Tổ hợp tác có 5 thành viên thì cả 5 người đều biết sử dụng điện thoại thông minh để đưa sản phẩm lên mạng xã hội. Chỉ vài năm trước, người lạc quan nhất ở xã vùng sâu này cũng không thể tưởng tượng được cảnh nhút mít đi khắp Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… vậy mà nhờ CĐS, nay điều đó đã thành hiện thực”.
Đến huyện Can Lộc, “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024” Lê Vạn Hải - Giám đốc HTX Gia Phúc (xã Mỹ Lộc) cùng chúng tôi đi giữa bạt ngàn đồi cam vàng óng đang rộ mùa thu hoạch. Ông cho hay: "Để làm nông nghiệp thành công, phát triển bền vững, tuyệt nhiên không được đi theo lối cũ. Nông nghiệp hiện đại phải CĐS, dám đầu tư KHKT vào sản xuất. HTX đang ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động và hệ thống phun thuốc bảo vệ thực vật tự động, sử dụng pin năng lượng mặt trời; tất cả được điều khiển bằng các thao tác trên điện thoại thông minh. Nhờ CĐS và áp dụng công nghệ, trung bình mỗi năm, HTX thu về hơn 6 tỷ đồng".
Nhìn lại năm 2024, quá trình CĐS tại Hà Tĩnh tiếp tục có những bước tiến đáng ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo số liệu từ Sở Công thương, dự kiến doanh thu từ các hoạt động thương mại điện tử tại Hà Tĩnh đạt khoảng 250 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Bên cạnh đó, đến nay, có 100% doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, OCOP,... có ứng dụng điện thoại thông minh, internet băng rộng, sàn thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; có 7.112 đơn vị đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 100% phí, lệ phí được thực hiện theo phương thức điện tử; 100% các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở y tế trên toàn tỉnh đã triển khai thu phí không dùng tiền mặt...
Ông Đậu Tùng Lâm - Giám đốc Sở TT&TT cho biết, cùng với cả nước, Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn tăng tốc CĐS. Từ đó, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiệm vụ phát triển kinh tế số của Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân, doanh nghiệp bắt đầu được hưởng lợi từ những giá trị của CĐS và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình này. Trong đó có các hoạt động phát triển mạnh mẽ như: thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ điện, nước...; hợp đồng điện tử, hải quan điện tử, thuế điện tử, ký số, nộp học phí, thanh toán viện phí, thanh toán phí và lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, sử dụng thẻ BHYT điện tử; sử dụng định danh - ví giấy tờ điện tử trên VNeID, dịch vụ công trực tuyến thiết yếu… Riêng thanh toán không dùng tiền mặt đối với chi trả an sinh xã hội, lương hưu, BHXH đã trở thành điểm sáng trong công tác triển khai, thực hiện Đề án 06 của Hà Tĩnh.
Đặc biệt, CĐS đã về tận các thôn xóm vùng sâu, vùng xa, lan tỏa đến những cánh đồng sản xuất và hỗ trợ đắc lực trong việc tiêu thụ nông sản. Đề án “CĐS của ngành NN&PTNT tỉnh đến năm 2030” cũng cơ bản hoàn thành, chuẩn bị được ban hành. Do đó, từ năm 2025, Hà Tĩnh sẽ có thêm tiền đề, nền tảng để thực hiện quá trình CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như ở các vùng nông thôn.
Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, đột phá, BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo CĐS tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua quá trình triển khai, kết quả đạt được là nhận thức về CĐS của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Một số nội dung quan trọng của nghị quyết đang tiếp tục được triển khai như: Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP); mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh, hệ thống thông tin báo cáo trực tuyến của tỉnh; nâng cấp cổng dịch vụ công và hệ thống quản lý văn bản của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Đồng thời, triển khai rộng rãi ứng dụng các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử và thương mại điện tử;... Ngành công an tiếp tục triển khai các nội dung về CĐS dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…