Sáng 16/7, Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao Chỉ số Chuyển đổi số (DTI) trong tình hình mới” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng - Phó trưởng Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương và các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT cùng dự.

Theo báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) được công bố vào cuối tháng 5/2025, Hà Tĩnh xếp hạng thứ 25/63 về chỉ số DTI cấp tỉnh, tăng 12 bậc so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích từ số liệu ghi nhận sự tăng hạng của các nhóm chỉ số: Nhận thức số xếp hạng 1/63 (tăng 31 bậc), nhân lực số xếp hạng 6/63 (tăng 25 bậc); hoạt động chính quyền số 23/63 (tăng 16 bậc); thể chế số xếp hạng 32/63 (tăng 20 bậc), An toàn thông tin mạng xếp hạng 26/63 (tăng 9 bậc); hoạt động xã hội số xếp hạng 37/63 (tăng 2 bậc).
Tuy nhiên, đối với các nhóm chỉ tiêu về hạ tầng số, kinh tế số, mặc dù so với cùng kỳ năm trước điểm số có những sự cải thiện đáng kể, song so với tốc độ đầu tư và phát triển chung của các tỉnh thì có sự giảm thứ hạng, cụ thể: Hạ tầng số xếp hạng 44/63 (giảm 13 bậc), hoạt động kinh tế số xếp hạng 41/63 (giảm 9 bậc).
Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, 6 tháng đầu năm 2025, việc triển khai chuyển đổi số trên địa tỉnh Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai nội dung về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; tập trung tuyên truyền Nghị quyết 57-NQ/TW. Đến nay, mạng TSLCD của các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối thông suốt; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã được xây dựng và đưa vào khai thác. Cổng DVC trực tuyến đáp ứng yêu cầu liên thông từ Trung ương đến xã; Trung tâm tích hợp dữ liệu đã kết nối các dịch vụ công thiết yếu vào CSDL quốc gia về dân cư; Cổng TTĐT tỉnh kịp thời cung cấp, minh bạch thông tin; Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) đang triển khai thí điểm...
Đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống khai báo, thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) và các chương trình vệ tinh, 100% tờ khai hàng hóa xuất, nhập khẩu được khai báo trên hệ thống thông quan tự động; 100% phí, lệ phí được thực hiện theo phương thức điện tử, không dùng tiền mặt trong thanh toán phí, lệ phí hải quan...

Lũy kế đến tháng 6/2025, toàn tỉnh có 510.234 người được tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID (31,56% trên tổng dân số thường trú); 251/251 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện đồng bộ, liên thông qua BHXH Việt Nam và tích hợp vào VNeID. Có 1.166.112/1.166.308 người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN được xác thực đúng với CSDL quốc gia về dân cư...
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, phương án mới của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, các giải pháp triển khai chuyển đổi số hiệu quả; giới thiệu những mô hình triển khai thành công và những hình thức mới nhằm huy động các nguồn lực để triển khai chuyển đổi số toàn dân và toàn diện nhằm nâng cao chỉ số DTI trong tình hình mới, đặc biệt trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp...

Dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ đã ra mắt Cổng Thông tin điện tử thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW tỉnh Hà Tĩnh có địa chỉ tại https://nq57.hatinh.gov.vn/. Cổng thông tin nhằm kết nối, lan tỏa và thúc đẩy các hoạt động liên quan đến khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Cổng Thông tin điện tử được thiết kế với mục tiêu trở thành cầu nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tạo ra một không gian số hoá để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 57.
Một trong những nội dung quan trọng của Cổng Thông tin điện tử thực hiện Nghị quyết số 57 là kết nối tiếp thu các sáng kiến, giải pháp và sản phẩm công nghệ số từ cộng đồng doanh nghiệp. Cổng thông tin không chỉ là công cụ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp mà còn là cầu nối quan trọng giữa sáng kiến công nghệ với chính sách phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Bế mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Văn Tuấn đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo "thể chế đi trước một bước", gỡ bỏ rào cản pháp lý cho chuyển đổi số; tập trung xây dựng hạ tầng số và các cơ sở dữ liệu trọng yếu; đẩy mạnh tương tác giữa chính quyền và xã hội, thực hiện nguyên tắc "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm". Các xã phường khẩn trương thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, quy chế hoạt động; tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo các điều kiện phục vụ doanh nghiệp, người dân đến giao dịch...