Tại Ngã ba Đồng Lộc, từ năm 2023, Ban Quản lý Khu di tích đã ứng dụng công nghệ số để đổi mới hình thức giới thiệu, góp phần đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, du khách có thể quét mã QR tại từng điểm trong khuôn viên để nghe thuyết minh ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động. Với ứng dụng tích hợp định vị GPS, âm thanh đa phương tiện cùng giao diện thân thiện, tạo cảm giác như được đồng hành bởi một người kể chuyện đầy tâm huyết, mang lại chiều sâu cảm nhận và giúp lịch sử trở nên gần gũi, sống động hơn trong đời sống hôm nay.

“Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực, giảm áp lực lên đội ngũ hướng dẫn viên mà còn mở rộng khả năng tiếp cận lịch sử cho đông đảo du khách trong và ngoài nước”, ông Đặng Quốc Vũ - Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng chia sẻ.
Thực tế cho thấy, sự kết hợp giữa công nghệ và lịch sử đang tạo ra những trải nghiệm xúc động, chân thực. Không gian tưởng niệm như được “đánh thức” bằng âm thanh và hình ảnh, mở ra một chiều sâu mới trong cách tiếp cận lịch sử dân tộc.

Chị Nguyễn Thị Hồng - du khách đến từ Quảng Trị chia sẻ: “Khi đến Ngã ba Đồng Lộc, tôi có cảm giác như đang được sống giữa thời khắc lịch sử. Mỗi lời thuyết minh, mỗi câu chuyện được kể lại khiến tôi rưng rưng. Công nghệ không làm mất đi sự trang nghiêm mà còn khiến mọi thứ trở nên chân thực, gần gũi hơn”.
Không riêng Ngã ba Đồng Lộc, công tác số hóa di tích cũng đang được triển khai tại nhiều địa phương khác trong tỉnh. Trên địa bàn xã Việt Xuyên hiện có 4 đài tưởng niệm liệt sỹ cùng nhiều địa chỉ đỏ như: Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng, nhà cụ Mai Kính, đền Nen và một số di tích lịch sử (DTLS), văn hóa khác. Những năm gần đây, công tác số hóa tại các di tích, địa chỉ đỏ này được các ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.
Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và đối chiếu với sách “Di tích lịch sử - văn hóa huyện Thạch Hà”, năm 2021, Phòng VH-TT và Huyện đoàn Thạch Hà (cũ) đã phối hợp gắn QR tại Di tích đền Nen và nhà cụ Mai Kính.


Các thông tin về quá trình hình thành, xây dựng, ý nghĩa văn hóa, lịch sử của các công trình và tiểu sử nhân vật liên quan được biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu, dễ theo dõi. Qua điện thoại thông minh kết nối wifi hoặc tích hợp sẵn internet và cài ứng dụng quét mã QR, người dân, du khách nhanh chóng tìm kiếm được thông tin cần thiết về các di tích này.
Ông Lê Văn Phương - Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội xã Việt Xuyên cho biết: “Việc ứng dụng QR tại các DTLS, địa chỉ đỏ là sự sáng tạo trong công tác quảng bá điểm đến; bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc… Thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành “số hóa” tại các đài tưởng niệm liệt sỹ và những di tích khác trên địa bàn để tạo điều kiện cho người dân khi tra cứu, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di tích”.

Tại Nghĩa trang Liệt sỹ TX Hồng Lĩnh cũ (nay thuộc phường Bắc Hồng Lĩnh), công trình số hóa thông tin đã được hoàn thiện và ra mắt vào tháng 4/2024. Mỗi phần mộ nơi đây đều được gắn mã QR, cung cấp đầy đủ thông tin như họ tên, quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian hy sinh… Người thân liệt sỹ, học sinh, sinh viên, du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin một cách chính xác và nhanh chóng.
Ngoài ra, hệ thống còn được kết nối với cơ sở dữ liệu trực tuyến, cho phép người dùng ở bất kỳ đâu cũng có thể truy cập để tìm hiểu về các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ tại đây. Nhờ cách làm mới mẻ này, nhiều trường học trên địa bàn đã đưa hoạt động tìm hiểu lịch sử qua công nghệ số vào các buổi học ngoại khóa. Việc học sử không còn khô khan mà trở nên sinh động, hấp dẫn hơn đối với học sinh, sinh viên.
Trong dòng chảy chuyển đổi số, việc đưa lịch sử lên nền tảng công nghệ đang trở thành hướng đi hiệu quả để giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Những dòng tiểu sử, những câu chuyện bi tráng từng nằm lặng lẽ trong sách vở nay được “sống dậy” bằng âm thanh, hình ảnh, giao diện trực tuyến… Đó là bước đi cần thiết để lịch sử không bị quên lãng, mà được kể lại bằng chính ngôn ngữ của thời đại - ngôn ngữ của kết nối, sẻ chia và lòng biết ơn.