Chính sách thiếu nhất quán, KKT Cầu Treo nguy cơ “khai tử”?!

(Baohatinh.vn) - Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong 9 KKT trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, từ các chính sách thiếu nhất quán, hạ tầng đầu tư thiếu đồng bộ và nhiều lý do khách quan khác nên KKT ngày càng đìu hiu. Gần đây, nhiều doanh nghiệp giải thể, nhiều nhà đầu tư tạm dừng hoạt động, kinh doanh buôn bán èo uột khiến KKT ngày thêm ảm đạm.

>> KKT Cửa khẩu Cầu Treo: Hạ tầng bất cập, nhiều công trình xuống cấp

Chính sách thiếu nhất quán

Quyết định 162/2007/QĐ-TTg, ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xem là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong KKT. Nhờ vậy, một thời gian dài đã thu hút hàng chục dự án, hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ cá thể tham gia đầu tư SXKD, tạo thành một KKT năng động, sầm uất, biến Cầu Treo thành điểm sáng về phát triển kinh tế của tỉnh.

Gần 6 năm nay, lực lượng chức năng ở Cầu Treo phải làm việc tạm bợ...

Đang là khu phi thuế quan với hàng loạt chính sách ưu đãi hấp dẫn thì ngày 15/8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, trong đó, quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.

Ngày 1/9/2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây.

Không có bãi kiểm hóa, lực lượng chức năng dừng phương tiện kiểm hóa ngay giữa đường

Việc thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư bị động, lúng túng trong kế hoạch SXKD, không muốn đầu tư dài hạn vào KKT. Một nhà đầu tư (xin giấu tên), cho rằng: “Trước đây, Quyết định 162 có hàng loạt ưu đãi rất hấp dẫn, đặc biệt là được miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa khi nhập vào KKT nên chúng tôi muốn tìm hiểu để vào đầu tư. Bây giờ, sau nhiều lần thay đổi chính sách, các ưu đãi bị xóa bỏ, chúng tôi thấy gần như không có gì để thu hút nhà đầu tư nữa. Nếu không còn được miễn thuế, chẳng ai dại gì đầu tư nơi xa xôi này cho vất vả”.

Qua số liệu về thu thuế cũng như thực tế hoạt động SXKD trong KKT, có thể thấy, mấy năm gần đây, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phát triển theo kiểu “phú quý thụt lùi”. Thu ngân sách trên địa bàn liên tục giảm sút: Năm 2014 đạt 225 tỷ đồng, 2015 giảm xuống 186 tỷ đồng và 2016 chỉ còn 111 tỷ đồng! Đặc biệt, Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, đã gần như “đánh dấu chấm hết” các chính sách ưu đãi, khiến KKT càng rơi vào bế tắc.

Chưa có nhà chờ, du khách ngồi vật vờ chờ làm thủ tục.

Bức tranh ảm đạm

Chưa bao giờ KKT Cầu Treo lại hiu hắt như thời gian gần đây. Hạ tầng, đường sá xuống cấp, các chính sách ưu đãi thuế không còn, các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào KKT cũng như qua lại cửa khẩu này. Theo số liệu từ các cơ quan liên quan, hiện, trên địa bàn có 30 dự án đầu tư, 130 doanh nghiệp, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, nhưng trên thực tế, tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn.

Một số dự án ì ạch triển khai tại KCN Đại Kim

Cụ thể, trong tổng 30 dự án đăng ký đầu tư vào KKT thì chỉ mới 15 dự án xây dựng cơ bản các hạng mục công trình chính và chỉ khoảng 1/3 trong số đó đang hoạt động hiệu quả; 7 dự án khác đăng ký nhưng chưa thực hiện; 3 dự án đã tạm dừng và chưa biết đến bao giờ mới khởi động lại. Các dự án lớn như Khu nghỉ dưỡng Ngàn Phố (vốn đăng ký 131,9 tỷ đồng) hiện chỉ là một vùng cây cỏ hoang hóa; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung Nam sông Ngàn Phố (vốn đăng ký 248,6 tỷ đồng) bỏ dở từ hơn 2 năm nay. Nghe đâu, một số hộ dân đang xin thuê lại khu đất này để… trồng gừng (?!); dự án khu trung tâm thương mại (vốn đăng ký 112 tỷ đồng) đã xây dựng xong vài năm nay nhưng cũng bỏ hoang kể từ ngày đó.

Bên cạnh bức tranh buồn về các dự án đầu tư trong KKT, các doanh nghiệp hoạt động SXKD trên địa bàn gần đây cũng giảm đáng kể. Nếu như thời điểm cao nhất, có đến trên 200 doanh nghiệp thì nay chỉ còn 130 doanh nghiệp và tỷ lệ hoạt động hiệu quả trong số đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tại “trái tim KKT” - thị trấn Tây Sơn, hầu như các doanh nghiệp cũng chỉ tồn tại một cách... “dặt dẹo”. Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn Nguyễn Kim Hảo, cho biết: Cuối năm 2016, ngành thuế thông báo, trên địa bàn có thêm gần 40 doanh nghiệp đã bị rút giấy phép kinh doanh do nợ thuế hoặc hoạt động kém hiệu quả.

... trong khi trung tâm Thương mại CK đã bỏ hoang từ nhiều năm nay

Cũng theo báo cáo của ngành chức năng, trên địa bàn KKT hiện có hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể, nhưng trên thực tế, hầu hết hộ kinh doanh chỉ hoạt động hết sức nhỏ lẻ, không đáng kể. Thực tế hiện nay, hàng điện lạnh, điện tử, mỹ phẩm... liên doanh trong nước chất lượng tốt và gần như đã bão hòa nên các hộ kinh doanh mặt hàng này cũng rất khó khăn. Bên cạnh đó, vì không còn được miễn thuế như trước nên hàng nhập về phải chịu thuế cao hơn, khiến người kinh doanh đã khó lại càng khó thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Hảo, hiện nay, hoạt động buôn bán qua cửa khẩu giảm, khách qua lại theo đó cũng giảm mạnh. Thậm chí, một số người trước đây đi buôn hàng Thái, hàng Lào, nay đã giải nghệ về… bán rau, bán xôi!

Một thực tế buồn nữa ở KKT Cầu Treo trong vài năm lại đây là nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình “bể nợ” nặng vì buôn bán gỗ. Khi nước bạn Lào thực hiện chính sách đóng cửa rừng, nhiều doanh nghiệp đã mắc kẹt gỗ phía bên kia không nhập về được. Một số khác, trước đây, thu gom gỗ trắc buôn bán nhưng sau đó, loại gỗ này “rớt” giá thê thảm. Hàng chục gia đình đã bị phát mại tài sản, đất đai, nhà cửa do vay tiền ngân hàng buôn gỗ, bị “bể nợ”. Bức tranh kinh tế KKT Cầu Treo đang ngày càng trở nên u ám.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói