Mưa kéo dài, nhiều cơ sở OCOP vùng biển thiếu nguyên liệu sản xuất

(Baohatinh.vn) - Vào mùa mưa bão, cơ sở OCOP tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) gặp khó khăn khi khan hiếm nguyên liệu sản xuất.

Hằng năm, vào khoảng tháng 9-10 dương lịch, cơ sở sản xuất và chế biến hải sản Trần Thị Liễu (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) tất bật chuẩn bị nguồn cung hàng hoá để phục vụ thị trường cuối năm.

Năm nay, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài từ tháng 9, lượng hải sản đánh bắt được giảm khiến nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm, hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào nguồn hàng dự trữ.

bqbht_br_1.jpg
Bà Trần Thị Liễu kiểm tra chất lượng nguồn hàng dự trữ.

Bà Trần Thị Liễu - chủ cơ sở cho biết: “Cơ sở có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là mực khô và tôm nõn khô. Các sản phẩm này được sản xuất dựa vào nguồn hải sản do ngư dân các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc... đánh bắt được. Tuy nhiên, đợt mưa bão kéo dài từ tháng 9 đến nay, tàu thuyền ra khơi giảm, nguồn hải sản tại chỗ khan hiếm, vì vậy, chúng tôi phải mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các tỉnh thành Trung Trung Bộ, miền Nam…”.

Cũng theo bà Liễu, khi nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm kéo theo giá nhập nguyên liệu cao hơn. Bởi thế, sản phẩm đầu ra cũng "nhích" giá khiến việc tiêu thụ trở nên khó khăn. “Vào những ngày nắng, giá mực khô thành phẩm dao động từ 1-1,2 triệu đồng/kg. Thời điểm này, nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá thu mua cao nên mực khô bán ra với giá 1,4-2 triệu đồng/kg tuỳ loại. Doanh thu trong tháng 9-10 giảm khoảng 30-40% so với các tháng trước đó" - bà Liễu chia sẻ.

bqbht_br_2.jpg
HTX Chế biến hải sản Thanh Sáng gặp khó hơn trong việc chủ động nguồn hàng dự trữ để đáp ứng nhu cầu của thị trường .

Tương tự, tại HTX Chế biến hải sản Thanh Sáng (xã Cẩm Nhượng), mực khô, tôm nõn khô là sản phẩm chủ lực, đem về cho cơ sở doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy vậy, 2 tháng trở lại đây, cơ sở gần như không thể sản xuất lượng hàng mới do nguồn nguyên liệu đầu vào khan hiếm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sáng - Giám đốc HTX cho biết: "Thời tiết mưa bão nên ngư dân chủ yếu đánh bắt gần bờ hoặc không ra khơi, do đó, lượng hải sản cơ sở thu mua để chế biến giảm từ 40 - 50%. Thời điểm này, chúng tôi chủ yếu sản xuất các loại cá nướng, tép khô... với nguồn nguyên liệu ít ỏi. Để duy trì hoạt động sản xuất phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ sắp tới, cơ sở dự kiến mở rộng thu mua hải sản từ các tỉnh khác như: Nghệ An, các tỉnh miền Nam và sử dụng nguồn hàng dự trữ".

Cũng theo bà Sáng, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu đầu vào không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng, giá bán mà đời sống công nhân cũng bị tác động. “Vào mùa nắng, cơ sở có khoảng 16 công nhân làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mưa kéo dài, không có nguyên liệu, hoạt động sản xuất tạm dừng. Những ngày này, cơ sở của tôi chỉ có khoảng 7 công nhân làm việc, mức thu nhập cũng thấp hơn, từ 4-5 triệu đồng/người/tháng".

bqbht_br_j1.jpg
bqbht_br_j22.jpg
Nhiều cơ sở thiếu nguyên liệu sản xuất mực khô, tôm nõn khô.

Tại cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP 3 sao chẻo Bà Châu (xã Cẩm Nhượng), dù không gặp phải tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu sản xuất, song thời tiết mưa cũng khiến cho hoạt động sản xuất bị trì trệ.

Bà Lại Huyền Châu - chủ cơ sở chia sẻ: “Sản phẩm chẻo Bà Châu chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu là nước mắm OCOP của địa phương, ruốc mặn và một số gia vị phổ biến. Vì vậy, vào mùa mưa, chúng tôi vẫn đảm bảo được nguyên liệu sản xuất, song do tính chất chẻo cần ủ lên men tự nhiên, vì vậy, thời tiết nắng ráo sẽ phù hợp hơn để chẻo được lên men vừa đủ và đảm bảo vệ sinh. Trong khi, mùa mưa năm nay đến sớm, kéo dài khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn".

Để tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường cuối năm, nhiều cơ sở OCOP trên địa bàn xã Cẩm Nhượng bắt đầu lên kế hoạch, tìm kiếm nguồn nguyên liệu và phương án phù hợp với điều kiện thời tiết.

“Nếu thời tiết nắng ráo, cơ sở của tôi sẽ ủ khoảng 2-3 tấn chẻo, tuy nhiên, do dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp diễn trong tháng 11, chúng tôi dự kiến sẽ ủ khoảng 5 tạ phục vụ thị trường tết Nguyên đán. Sau 2 tháng, nếu thời tiết thuận lợi sẽ tiếp tục sản xuất "cuốn chiếu" nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng” - bà Châu cho biết.

bqbht_br_kk.jpg
Mưa lớn kéo dài khiến lượng hải sản đánh bắt giảm.

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn Hà Tĩnh, khoảng từ đêm 3 - 6/11, khu vực Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng một đợt không khí lạnh có cường độ khá mạnh, kết hợp với hoạt động của nhiễu động đới gió Đông trên cao nên khả năng xảy ra đợt mưa lớn diện rộng. Người dân và các chủ cơ sở kinh doanh tại Hà Tĩnh cần theo dõi diễn biến thời tiết, linh hoạt trong sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, nâng cao doanh số trong những tháng cuối năm.

Trên địa bàn xã Cẩm Nhượng hiện có 8 cơ sở với 11 sản phẩm OCOP 3 sao. Phần lớn các sản phẩm OCOP đều là mặt hàng hải sản, sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Đợt mưa bão kéo dài từ tháng 9 đến nay khiến sản lượng đánh bắt của người dân giảm khoảng 40%, điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều cơ sở trên địa bàn.

Hiện nay, các cơ sở đang trong giai đoạn sản xuất phục vụ thị trường cuối năm. Trước tình hình nguồn cung nguyên liệu đầu vào khan hiếm, nhiều cơ sở lựa chọn tiếp cận nguồn hàng từ các địa phương khác. UBND xã Cẩm Nhượng thường xuyên thông tin đến người dân tình hình thời tiết, đồng hành cùng người dân trong việc kiểm tra nguồn hải sản đầu vào nhằm đảm bảo chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Ông Hoàng Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Phấn đấu mỗi năm trồng mới 8.000 ha rừng

Phấn đấu mỗi năm trồng mới 8.000 ha rừng

Hà Tĩnh đang tập trung phát triển nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, xây dựng và nhân rộng các mô hình lâm nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu của thị trường.