Ngày 11/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu tán thành chốt phương án tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 là 7,2% để đảm bảo đời sống cho người lao động. Thời điểm tăng từ ngày 1/1/2026.
Cụ thể, lương tối thiểu vùng I tăng từ 4,96 triệu đồng/tháng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng thêm 350.000 đồng). Vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng/tháng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng). Vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng/tháng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng). Vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng/tháng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động, được thực hiện theo khoản 3, Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP. Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó. Từ ngày 1/7/2025, việc xác định mức lương tối thiểu vùng cũng được chuyển sang xác định theo đơn vị hành chính cấp xã, thay vì cấp huyện như trước.
Tỉnh Hà Tĩnh, vùng III gồm các phường: Sông Trí, Hải Ninh, Hoành Sơn, Vũng Áng, Thành Sen, Trần Phú, Hà Huy Tập và các xã: Thạch Lạc, Đồng Tiến, Thạch Khê, Cẩm Bình, Kỳ Hoa. Vùng IV gồm các xã, phường còn lại.

Trước thông tin mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ năm 2026, nhiều người lao động Hà Tĩnh bày tỏ phấn khởi, vui mừng khi thu nhập sẽ được tăng lên. Chị Đường Thị Thanh - công nhân Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (xã Đức Thọ): “Tôi trước đây làm việc tại Bình Dương, mức thu nhập tốt hơn nhưng vì xa nhà nên 4 năm trước, tôi quyết định về quê làm việc. Trong bối cảnh phải chật vật với chi phí ngày càng “leo thang” thì thu nhập được cải thiện sẽ giúp chúng tôi giảm bớt khó khăn, nâng cao tinh thần nỗ lực, hăng say làm việc, hiệu suất làm việc tốt hơn. Dù lần tăng lương tối thiểu này không nhiều nhưng có thêm đồng cũng đều đáng quý. Hơn nữa, đây không chỉ là tiền lương mà còn là sự ghi nhận. Được Nhà nước quan tâm, chúng tôi cũng thấy ấm lòng hơn”.
Là công nhân may tại Nhà máy May Pro Sport Nghi Xuân (xã Tiên Điền), chị Nguyễn Thị Khuyên chia sẻ: “Khi nghe tin Nhà nước điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2026, tôi và nhiều anh chị em trong nhà máy rất phấn khởi. Việc tăng lương tối thiểu lần này giúp chúng tôi cảm thấy được chia sẻ phần nào những khó khăn trong cuộc sống. Tuy không phải là một khoản tăng lớn nhưng cũng giúp cải thiện thu nhập, tạo động lực để chúng tôi yên tâm làm việc”.

Các doanh nghiệp may mặc là đơn vị cần số lượng lao động lớn. Mức lương trả cho lao động được căn cứ theo lương tối thiểu vùng, tuy nhiên, do chủ yếu các nhà máy thuộc vùng IV, có mức lương tối thiểu thấp nên thu nhập của lao động tại Hà Tĩnh cũng thấp hơn ở nhiều địa phương khác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc tuyển dụng lao động thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn do người lao động có xu hướng tìm kiếm cơ hội việc làm ở các khu vực có mức lương cao hơn. Để thu hút và giữ chân lao động, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều trả mức lương và các chế độ đãi ngộ cao hơn so với lương tối thiểu vùng.
Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (đóng tại KKT Vũng Áng) chuyên may gia công quần áo xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Năm 2025, xí nghiệp đặt mục tiêu doanh thu trên 2 triệu USD. Hiện nay, doanh nghiệp có 394 lao động và đang có nhu cầu tuyển thêm hơn 300 lao động để đáp ứng dây chuyền sản xuất và đơn hàng từ các đối tác.

Ông Trần Bảo Khánh – Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, đơn vị triển khai nhiều chính sách để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù chúng tôi đã có các chính sách đãi ngộ khá tốt song vẫn khó tuyển dụng lao động mới do đặc thù nghề nghiệp và sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao tại KKT Vũng Áng. Việc tăng lương tối thiểu vùng với mức tăng bình quân 7,2% từ năm 2026 sẽ là điều kiện để người lao động được hưởng các chế độ tốt hơn và cũng tạo “lực hút” để doanh nghiệp tuyển dụng mới và giữ chân người lao động lâu dài”.

Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là một chủ trương thiết thực, kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên tục tăng cao như hiện nay. Mức lương tối thiểu không chỉ là cơ sở để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động, mà còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước và xã hội đối với người lao động - lực lượng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự vui mừng thì nhiều lao động cũng bày tỏ lo lắng về giá cả hàng hoá, các chi phí sinh hoạt sẽ tăng theo khi lương tăng. Do đó, người lao động mong muốn Chính phủ có giải pháp kiểm soát hiệu quả lạm phát, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Bà Tăng Thị Linh Chi – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Trưởng ban Công tác công đoàn Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: “Mức tăng lương tối thiểu vùng lần này dù có thể chưa đáp ứng hoàn toàn kỳ vọng của một số người lao động nhưng là một nỗ lực đáng ghi nhận nhằm cải thiện đời sống, tạo thêm điều kiện để người lao động chăm lo cho bản thân và gia đình tốt hơn, đặc biệt là đối với những lao động phổ thông có thu nhập thấp.
Khi thu nhập được cải thiện, người lao động sẽ cảm thấy được ghi nhận xứng đáng hơn cho những đóng góp của mình, từ đó có thêm động lực làm việc, nâng cao năng suất, chất lượng công việc và yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ biến động nhân sự. Về phía Liên đoàn Lao động tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức công đoàn và đoàn viên lao động để đảm bảo quyền lợi hài hòa, ổn định sản xuất và phát triển bền vững”.