Cấp bách phòng trừ sâu bệnh tấn công lúa hè thu trên diện rộng

(Baohatinh.vn) - Sâu bệnh gây hại trên lúa hè thu tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương chủ động theo dõi, phòng trừ kịp thời để bảo vệ năng suất vụ hè thu.

Sâu bệnh phát sinh mạnh, gây hại diện rộng

Vụ hè thu năm 2025, Hà Tĩnh đã gieo cấy hơn 45.000ha lúa, đạt 100,6% kế hoạch. Lúa đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ, chuẩn bị phân hóa đòng - giai đoạn quyết định đến năng suất cuối vụ. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất lợi đã tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, châu chấu tre lưng vàng… phát sinh và gây hại nặng trên diện rộng.

bqbht_br_img-5178.jpg
Rầy nâu và rầy lưng trắng cũng đang diễn biến phức tạp trên nhiều cánh đồng trong tỉnh.

Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh, đây là năm sâu bệnh phát sinh bất thường và nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều năm trở lại. Hiện nay, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã xuất hiện, gây hại trên các trà lúa với mật độ trung bình 10 - 15 con/m2, nơi cao 20 - 30 con/m2, cục bộ 80 - 100 con/m2, diện tích nhiễm hơn 5.000ha, trong đó khoảng 500ha nhiễm nặng.

Bà Phạm Thị Thu (thôn Trung Tiến, xã Đức Thịnh) cho biết: “Vụ này, tôi sản xuất hơn 1 mẫu lúa, hiện sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện dày đặc, đặc biệt ở những ruộng trũng, lúa tốt, rậm rạp. Bộ lá của cây lúa đã hoàn chỉnh nên nếu bị sâu tấn công sẽ khó có khả năng đền bù, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp và tích lũy dinh dưỡng. Tôi đã phun thuốc tại những diện tích bị sâu ăn mạnh và tiếp tục theo dõi tình hình”.

bqbht_br_z6808353482057-6bec4d34a5be77289a44e933970594fb.jpg
Rầy chích hút hết nhựa, làm cây lúa bị lụi dần.

Theo phản ánh của bà con nông dân, sâu hiện chủ yếu ở tuổi 1 - 3, làm tổ ở phần lá non nhất (lá đòng), nằm khuất dưới tán lá, rất khó phát hiện bằng mắt thường. Lứa sâu này đang có xu hướng tấn công trực tiếp vào lá đòng, làm giảm khả năng quang hợp.

Cùng với sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng cũng đang diễn biến phức tạp trên nhiều cánh đồng trong tỉnh. Diện tích nhiễm hơn 1.200ha, trong đó 300ha nhiễm nặng, 5ha cháy chòm. “Tập đoàn” rầy xuất hiện phổ biến tại hầu hết các chân ruộng với mật độ hàng nghìn con/m². Một số ruộng cá biệt ghi nhận mật độ lên đến 8.000 - 10.000 con/m², chủ yếu là rầy tuổi 5 và trưởng thành, có hiện tượng xen gối lứa.

Bà Phan Thị Phước (thôn Bắc Văn, xã Đồng Tiến) chia sẻ: “Tôi làm gần 8 sào lúa thì có tới 5 sào bị rầy tấn công. Chúng xuất hiện dày đặc, một số diện tích đã bị lụi do “cháy rầy”. Đây là thời điểm quan trọng trong sinh trưởng của lúa nên không thể chủ quan. Tôi phun thuốc hai lần tại các ruộng nhiễm và vẫn đang theo dõi xem rầy lứa sau còn phát sinh thêm hay không”.

bqbht_br_img-5191.jpg
Nông dân xã Đồng Tiến vẫn rất lo lắng dù đã phun phòng trừ các loại sâu bệnh.

Ngoài các đối tượng sâu hại, bệnh khô vằn phát sinh và tiếp tục gây hại trên những ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm tại các địa phương như: xã Nghi Xuân, xã Cẩm Xuyên và phường Hà Huy Tập. Tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến từ 7 - 10%, nơi cao lên tới 15 - 25%, tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 100ha. Đặc biệt, đối tượng mới phát sinh trên địa bàn tỉnh là châu chấu tre lưng vàng trong thời gian ngắn đã ăn trụi hơn 10ha ngô, cỏ lau, mía và một số cây trồng cạn ở các xã Cẩm Duệ, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc…

bqbht_br_z6792484022902-95e7504cffcfadbfc66bf6d0aed51292.jpg
Nạn châu chấu tre lưng vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Tĩnh.

Cấp bách phòng trừ sâu bệnh

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục duy trì trạng thái nắng nóng xen kẽ các đợt mưa rào, độ ẩm trên đồng ruộng ở mức cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh.

bqbht_br_z6808374508375-753941f9d7ec2cfdbd801ed9afcdfe46.jpg
UBND xã Đức Thịnh tổ chức hội thảo tập huấn đầu bờ về phòng trừ sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng.

Hiện tại, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã xuất hiện ở tuổi 1 với mật độ cao, trứng tiếp tục nở rộ, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy trắng lá lúa trên diện rộng nếu không được kiểm soát kịp thời. Trong khi đó, rầy lưng trắng lứa 2 được dự báo sẽ phát sinh từ khoảng ngày 20/7, trùng với giai đoạn lúa bước vào đứng cái - làm đòng, làm gia tăng mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.

Trước nguy cơ dịch hại bùng phát trên diện rộng, nhiều địa phương tại Hà Tĩnh đang chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó để bảo vệ năng suất vụ hè thu. Tại phường Hà Huy Tập, chính quyền và người dân tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp kiểm soát sâu bệnh cho hơn 1.400ha lúa.

Anh Dương Văn Hải - Phó Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phường Hà Huy Tập cho biết: “UBND phường phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành thử nghiệm hơn 15 loại thuốc bảo vệ thực vật tại các thôn Yên Trung, Văn Minh, Trung Thành nhằm đánh giá hiệu quả thực tế, đặc điểm tác động và thời gian lưu dẫn. Từ kết quả này, chúng tôi xây dựng hướng dẫn chi tiết về liều lượng, cách pha chế, thời điểm phun phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phòng trừ và hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc. Đến nay, tình hình rầy cơ bản được kiểm soát, không để lây lan sang các khu vực khác”.

bqbht_br_img-5201.jpg
Máy bay không người lái phun phòng trừ rầy tại phường Hà Huy Tập.

Tại xã Thạch Lạc, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân tổ chức phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng. “Đến nay, chúng tôi đã tiến hành phun phòng sâu cuốn lá nhỏ trên hơn 130ha lúa, phun phòng bao vây rầy nâu, rầy lưng trắng trên khoảng 500ha", ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Mới đây, Sở NN&MT Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với 69 điểm cầu trên toàn tỉnh nhằm triển khai các giải pháp cấp bách phòng trừ dịch hại trên cây trồng vụ hè thu. Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở NN&MT nhấn mạnh: “Sâu bệnh năm nay diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Do đó, các địa phương cần đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ nguyên nhân và phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn để hướng dẫn bà con nông dân phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý kịp thời”.

Sở NN&MT yêu cầu các địa phương tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo và cảnh báo kịp thời các đối tượng gây hại; hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp phòng trừ phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức trình diễn thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng bị nhiễm nặng để đánh giá hiệu quả thực tế, làm cơ sở triển khai diện rộng. Ngành chuyên môn phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, trực tiếp điều tra, hướng dẫn xử lý tại chỗ nhằm hạn chế thiệt hại và đảm bảo an toàn sản xuất vụ hè thu 2025.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Thời gian gần đây nhiều diêm dân đã bỏ nghề để tìm kế mưu sinh khác. Hệ quả là hàng trăm ha đất làm muối bị bỏ hoang, điều này không chỉ gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn làm mất đi sinh kế, mất đi nghề truyền thống của nhiều vùng quê ven biển Hà Tĩnh.
Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR trên địa bàn.
"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, hàng trăm cây phi lao thuộc vùng rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê (xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh trước đây) bị người dân đốn hạ nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa biết xử lý thế nào?
Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Hà Tĩnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giám sát hoạt động khai thác thủy sản thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT VN),