Lạch Cửa Khẩu bị bồi lắng, ngư dân "thiệt đơn, thiệt kép"

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, lạch Cửa Khẩu (phường Hải Ninh, Hà Tĩnh) xảy ra tình trạng bồi lắng khiến tàu thuyền của ngư dân gặp khó khăn trong hoạt động nghề cá.

Trên suốt chiều dài hơn 2km đoạn qua phường Hải Ninh gần đây xuất hiện nhiều cồn cát nổi lên. Điều này cho thấy mức độ bồi lắng luồng lạch ở Cửa Khẩu diễn ra khá phức tạp, dẫn đến hàng chục tàu thuyền của bà con ngư dân phường Hải Ninh không thể quay trở. Đặc biệt, khi thủy triều xuống, mọi hoạt động của tàu thuyền gần như bị tê liệt hoàn toàn.

bqbht_br_can-lach-2a.jpg
Luồng lạch bị trơ đáy.

Mực nước ở ngay luồng lạch chính chỉ còn chưa đầy 1m gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cập bến. Nhiều tàu cá của ngư dân sau khi vào lạch Cửa Khẩu không thể về cập bến mà phải neo đậu cách hơn 1km phía ngoài rồi dùng thuyền nhỏ để vận chuyển hải sản vào bờ, điều này vừa mất thời gian vừa mất thêm chi phí.

Ngư dân Lê Hồng Nhật (TDP Tam Hải, phường Hải Ninh) chia sẻ: "Khi đánh bắt xong, tàu cá về bờ tiêu thụ lại gặp tình trạng cạn lạch, muốn vào cũng đành chịu. Gọi thuyền nhỏ ra chở cá vào bờ để bán thì mất thêm chi phí tiền triệu mà giá hải sản lại giảm xuống do chờ đợi khiến cá không còn tươi ngon. Bà con ngư dân thiệt đơn, thiệt kép".

bqbht_br_can-lach-3a.jpg
Tàu thuyền mắc cạn do lạch bị bồi lắng.

Trước đây, lạch Cửa Khẩu có hai luồng chính với chiều rộng mỗi luồng hơn 100m và độ sâu từ 3,5 - 4m, cùng lúc 4 đến 5 tàu thuyền công suất lớn có thể cập bến thuận lợi và an toàn. Hiện nay, luồng 1 cơ bản bị cát bồi lắng hoàn toàn, luồng 2 cũng chẳng khá hơn. Nhiều tàu thuyền không vào được lạch phải neo đậu cách bờ từ 2 - 3km. Khi thủy triều đạt đỉnh, nếu vào được bến thì lúc đi ra lại mắc cạn, tiếp tục chờ đợi từng con nước, bỏ lỡ chuyến đi biển. Đặc biệt, trong những mùa mưa bão, việc tàu thuyền về tránh trú là rất nguy hiểm do mắc cạn không thể vào bờ, dễ bị sóng biển đánh chìm.

Ngư dân Trần Đình Tùng (TDP Tam Hải, phường Hải Ninh) cho hay: "Việc mắc cạn dẫn đến gãy chân vịt, hư bánh lái, thân vỏ... xảy ra thường xuyên. Những lúc mưa bão lại rất nguy hiểm, nhiều tàu thuyền khi vào tránh trú mắc cạn ngay tại cửa lạch, không thể qua được, đã có những lần tàu bị sóng đánh chìm."

bqbht_br_can-lach-4a.jpg
Lực lượng Bộ đội Biên phòng động viên bà con ngư dân nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển.

Hệ lụy của việc bồi lắng lạch Cửa Khẩu không chỉ gây mất an toàn cho những chuyến ra khơi mà còn khiến hoạt động nghề cá ở khu vực phía Nam Hà Tĩnh bị đình đốn. Ngay trong vụ cá Nam năm nay, hàng chục tàu thuyền của bà con ngư dân vẫn phải nằm bờ dài ngày. Một phần vì ngư trường khan hiếm hải sản, một phần vì khó khăn do cạn lạch, tác động lớn đến tâm lý của bà con ngư dân.

Ông Vũ Hoàng Xuân Hùng - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị phường Hải Ninh cho biết: "Thời gian gần đây, tàu thuyền của bà con ngư dân nằm bờ dài ngày do cửa lạch bồi lắng, ngư trường không ổn định. Chính quyền địa phương thường xuyên vận động bà con tranh thủ những lúc thuận lợi để ra khơi, bám biển, lao động sản xuất. Được biết, sắp tới sẽ có chủ trương xây dựng cảng cá ở đây, rất mong các ngành liên quan đầu tư xây dựng quy mô bài bản, đặc biệt là việc nạo vét lạch Cửa Khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân yên tâm khai thác hải sản".

Lạch Cửa Khẩu từng là huyết mạch của nghề cá phía Nam Hà Tĩnh. Sự bồi lắng không chỉ gây ra những thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Việc nạo vét, khơi thông lạch Cửa Khẩu là giải pháp cấp bách nhằm giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Giải pháp nào để tái sinh vùng đất muối?

Thời gian gần đây nhiều diêm dân đã bỏ nghề để tìm kế mưu sinh khác. Hệ quả là hàng trăm ha đất làm muối bị bỏ hoang, điều này không chỉ gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên đất mà còn làm mất đi sinh kế, mất đi nghề truyền thống của nhiều vùng quê ven biển Hà Tĩnh.
Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Cấp bách trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR trên địa bàn.
"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

"Xẻ thịt" rừng phòng hộ ven biển Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, hàng trăm cây phi lao thuộc vùng rừng phòng hộ ven biển ở xã Thạch Khê (xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh trước đây) bị người dân đốn hạ nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng chưa biết xử lý thế nào?
Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Ngư dân Hà Tĩnh học cách chuyển đổi số

Hà Tĩnh đang chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giám sát hoạt động khai thác thủy sản thông qua phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT VN),