Hà Tĩnh là tỉnh nông nghiệp với phần lớn dân số sinh sống ở các vùng nông thôn, trong đó có gần 224.000 hội viên tham gia tổ chức hội nông dân. Cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước và các phong trào do tổ chức hội các cấp phát động, hội viên nông dân Hà Tĩnh được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Từ đó, nhiều nông dân đã xây dựng được cơ sở sản xuất bài bản, hình thành doanh nghiệp… Họ trở thành lực lượng nòng cốt từng bước hình thành nền kinh tế tư nhân ở khu vực nông thôn.

Như ở xã miền núi Sơn Giang, trên các gò đồi hay những đồng ruộng bậc thang, nhiều nông dân đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành những "doanh nhân nông thôn", làm chủ mô hình sản xuất lớn, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Nổi bật là câu chuyện của bà Chu Thị Hồng Hà (SN 1972) - một nông dân chính hiệu và cũng là hội viên xuất sắc của Hà Tĩnh.
Khởi nghiệp từ một vài con hươu chỉ với mục đích có thêm đồng ra, đồng vào, để bớt đói kém, sau hơn 30 năm, gia đình bà đã gây dựng nên trang trại chăn nuôi hươu có quy mô hàng trăm con. Đến nay, vợ chồng bà đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà, chuyên kinh doanh các sản phẩm từ hươu. Doanh nghiệp hiện có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu.
“Tôi từng nghĩ người nông dân chỉ cần biết cày sâu cuốc bẫm là đủ, nhưng quá trình học hỏi, nhận thức của chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Nếu biết nỗ lực và quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, biết học hỏi, nông dân hoàn toàn có thể trở thành những doanh nhân làm kinh tế giỏi. Hiện nay, doanh nghiệp của chúng tôi có doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm, sau khi trừ các chi phí cho lợi nhuận đạt từ 2 - 3 tỷ đồng” – bà Hà chia sẻ.

Ở thôn Liên Tân - xã Lộc Hà, từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (SN 1977) đã mở rộng cơ sở chế biến, kinh doanh hải sản với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Chị Nga chia sẻ: “Cơ sở chúng tôi phát triển nghề truyền thống của làng biển Thạch Kim. Dưới tác động của cơ chế thị trường, những hộ dân sản xuất nông nghiệp như chúng tôi đã có nhiều đổi mới sáng tạo, không còn đơn thuần là “sản xuất tự cung tự cấp” mà ngày càng tham gia tích cực vào thị trường với vai trò như một doanh nghiệp nhỏ. Riêng sản phẩm nước mắm của gia đình hiện đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hầu hết các mặt hàng được xuất bán đến thị trường của nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Một số sản phẩm đã tiếp cận thị trường nước ngoài theo đường tiểu ngạch.
Chúng tôi rất mong mỏi hình thành doanh nghiệp tư nhân, từ đó nhằm mở rộng quy mô hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, nông dân vẫn đang gặp một số khó khăn liên quan đến nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản lý, điều hành… Hi vọng các chính sách về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước sẽ sớm tháo gỡ những vướng mắc và tạo điều kiện tốt hơn nữa cho những nông dân như chúng tôi “rũ bùn” đứng dậy, trở thành doanh nhân, có sức ảnh hưởng và đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương”.

Những trăn trở của chị Nga cũng là thực tiễn chung của nhiều hội viên nông dân ở Hà Tĩnh. Dù tiềm năng là rất lớn, nhưng các mô hình kinh tế tư nhân từ hội viên nông dân vẫn gặp không ít rào cản, từ thiếu vốn, khó tiếp cận thị trường, công nghệ còn hạn chế cho đến thiếu kỹ năng quản trị… Cũng vì vậy, người nông dân luôn mong mỏi cần có chính sách đồng bộ hỗ trợ phát triển thành doanh nhân nông thôn.

Ông Trần Đình Ước – Phó Chủ tịch Hội Nông dân (Ủy ban MTTQ tỉnh) cho biết: Hội viên nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi chính là mắt xích quan trọng, giúp nông thôn thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, hướng đến nền kinh tế hàng hóa bền vững. Hiện nay, kinh tế nông hộ đang là mô hình kinh tế chính ở khu vực nông thôn. Mỗi hộ gia đình nông dân vừa là chủ thể sản xuất, vừa là người tiêu dùng, vừa chịu trách nhiệm quản lý và phân phối các nguồn lực của mình. Nhiều mô hình nông hộ ở Hà Tĩnh đã vượt ra khỏi giới hạn sản xuất nông nghiệp, kết hợp thêm thương mại, du lịch sinh thái, chế biến nông sản, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Từ thực tiễn, việc nhìn nhận đúng vai trò của kinh tế nông hộ và có chính sách phát triển phù hợp sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần hình thành một khu vực kinh tế tư nhân năng động, sáng tạo và bền vững. Hội Nông dân tỉnh đang tích cực triển khai các nội dung Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Trước mắt là tập trung tuyên truyền sâu rộng đến hội viên, nông dân về các nội dung Nghị quyết. Đồng thời, định hướng hội viên phát triển kinh tế tư nhân nhưng có liên kết, sản xuất tập trung để tạo ra sản phẩm đồng nhất, hình thành vùng hàng hóa lớn.
Với quyết tâm, khát vọng và sự dẫn dắt của tổ chức hội, hàng nghìn hội viên đang âm thầm vun trồng không chỉ cho cây trái đơm hoa mà cho cả một tương lai nông nghiệp bền vững, hiện đại.