Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Nghệ thuật nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng
Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Nghệ thuật nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng

Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 là một thắng lợi vĩ đại, hiển hách nhất trong lịch sử của dân tộc ta. Trong đó, nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ là nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh Nhân dân xuất sắc của Đảng ta, quân đội ta.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Nghệ thuật nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng

Bước sang năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến có lợi cho ta. Trước âm mưu phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ - ngụy, quân và dân ta chủ động đưa thế và lực cách mạng tiến lên từng bước vững chắc, phản công và liên tục tiến công kẻ địch ở nhiều nơi, giành thắng lợi ngày mỗi lớn hơn. Trong khi đó, tinh thần và sức chiến đấu của quân ngụy sau khi quân Mỹ rút về nước đã giảm sút rõ rệt. Thêm vào đó, Mỹ giảm mạnh viện trợ quân sự, khiến các kế hoạch tổ chức, xây dựng lực lượng, tác chiến của quân ngụy lâm vào thế bế tắc.

Đối lập với quân ngụy, thế và lực trên chiến trường miền Nam của quân ta ngày càng mạnh, 2 năm 1973-1974, hàng chục vạn chiến sĩ đã được động viên ra tiền tuyến. Thế trận sẵn sàng chiến đấu được tiến hành rất tích cực. Công cuộc xây dựng CNXH vững mạnh về mọi mặt ở miền Bắc được đẩy mạnh, từng bước khắc phục những hậu quả nghiêm trọng của chiến tranh phá hoại, sản xuất nâng cao, đời sống Nhân dân ổn định.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Nghệ thuật nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng

Đứng trước thời cơ chiến lược lớn với điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị, tháng 10/1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp thảo luận kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Tháng 10/1974 diễn ra một cuộc họp rất quan trọng giữa Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tình hình địch, ta; trình bày kế hoạch tác chiến chiến lược của chiến trường miền Nam. Sau khi nhất trí đánh giá 5 điểm về quân ngụy, quân ta, phía Mỹ và thế giới, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đưa ra một nhận định rất quan trọng: “Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng nhảy vào lại miền Nam và dù chúng có can thiệp đến thế nào đi nữa, cũng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn”. Qua đó, hội nghị nhất trí thông qua phương án chọn chiến trường Tây Nguyên là hướng chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975.

Giữa tháng 12/1974 đến đầu tháng 1/1975, ta giành thắng lợi lớn trong chiến dịch đường số 14 - Phước Long, giải phóng thị xã Phước Long và toàn tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước). Đây là thắng lợi lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu sự suy sụp mới của quân ngụy. Trong tình hình đó, Bộ Chính trị xác định, một thời cơ mới đang xuất hiện. Muốn tạo được thời cơ lớn phải có những trận đánh tiêu diệt lớn, làm rúng động nội bộ địch. Quyết tâm của Bộ Chính trị thể hiện rõ trong kế hoạch chiến lược 2 năm 1975-1976, là tranh thủ bất ngờ, tiến công rộng khắp, tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bên cạnh đó, trong kế hoạch năm 1975, Bộ Chính trị còn dự kiến thêm một phương án khác và một phương hướng hành động cực kỳ quan trọng là: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Nghệ thuật nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng

Bộ đội chủ lực tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy cảnh sát ngụy ở Phước Long. (Ảnh tư liệu)

Thời gian này, địch cắm ở Tây Nguyên - hệ thống phòng ngự của chúng có 1 sư đoàn chủ lực, 7 liên đoàn biệt động nhưng chúng lại phạm sai lầm lớn trong việc đánh giá ta. Chúng cho rằng, năm 1975, ta chưa đủ sức đánh thị xã lớn và thành phố, nếu có đánh cũng không giữ được khi bị chúng phản kích lấy lại. Vì thế, tuy Buôn Ma Thuột là vị trí xung yếu của Tây Nguyên nhưng lực lượng địch đóng tại đây không mạnh lại có nhiều sơ hở. Sau khi nghiên cứu, phân tích một cách kỹ càng tình hình mọi mặt, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đánh Buôn Ma Thuột, đập vỡ hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên, tạo ra một thế trận hiểm và cơ động, có thể làm thay đổi nhanh cục diện chiến trường.

Trận mở màn chiến dịch đã diễn ra đúng như chỉ đạo. Cùng với sử dụng lực lượng tương đối mạnh để cắt đứt các tuyến đường giao thông số 19, số 14, số 21 tạo thế chia cắt địch, tách rời chi viện đồng bằng ven biển với Tây Nguyên, cô lập Buôn Ma Thuột với Pleiku, Pleiku với Kon Tum, ta tổ chức nhiều hoạt động nghi binh giam chân địch, hút sự chú ý của chúng về phía Bắc Tây Nguyên; bí mật, bất ngờ ở mặt phía Nam cho đến khi nổ súng đánh vào Buôn Ma Thuột. Sử dụng một lực lượng đột kích mạnh với nhiều binh chủng nhưng ta không ém sẵn ở vị trí xuất phát tấn công mà lại bí mật tập kết từ xa vận động tới, bỏ qua các mục tiêu bảo vệ vòng ngoài, bất ngờ thọc sâu vào bên trong thị xã, làm địch hết sức hoảng hốt, hoang mang. Đồng thời, ta hình thành ngay một lực lượng binh chủng hợp thành mạnh mẽ, sẵn sàng đánh bại các cuộc phản kích hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột. Khi bị bắt giữ, tên Đại tá Vũ Thế Quang - Sư đoàn phó Sư đoàn 23 của ngụy vẫn chưa hết vẻ ngơ ngác, bàng hoàng, nói: “Việc các ông đánh Buôn Ma Thuột nằm ngoài dự kiến của Bộ Tổng Tham mưu chúng tôi và cả của Mỹ nữa”.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Nghệ thuật nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng

Bộ đội tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột (Ảnh tư liệu)

Sai lầm về chiến thuật, chiến dịch đã dẫn đến mắc sai lầm về chiến lược. Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên về đồng bằng, ven biển hòng giữ lực lượng và giữ đất, vì thế, mở ra cục diện mới, thời cơ mới cho chúng ta rút ngắn thời gian kế hoạch, quyết tâm tập trung toàn lực, giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Sài Gòn là sào huyệt cuối cùng, là chỗ kẻ địch co cụm lại với lực lượng mạnh, phòng thủ, chống đỡ điên cuồng. Đây sẽ là trận đánh cuối cùng quyết định thắng bại giữa ta và địch. Bộ Chính trị và Bộ Chỉ huy chiến dịch chủ trương tăng cường lực lượng mạnh, gồm đầy đủ các binh chủng, mạnh dạn dùng cả máy bay vận tải và tàu biển để chuyển quân, các trang thiết bị, hậu cần vào thẳng Đà Nẵng và Pleiku. 19h ngày 14/4/1975, bức điện số 37/TK của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký tên, trả lời đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đã trở thành tài sản tinh thần thiêng liêng, vô giá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: “Đồng ý chiến dịch lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Nghệ thuật nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng

Bản đồ tái hiện Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, kết thúc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Sau khi bị mất toàn bộ quân khu 1 và 2, một nửa binh lực quân ngụy đã bị tiêu diệt, kẻ địch tập trung lực lượng phòng ngự cố bảo vệ Sài Gòn để mặc cả với ta khi diễn ra trường hợp thương lượng hòa bình. Ta lần lượt tiến công tuyến phòng ngự Phan Rang (18/4), đánh chiếm Xuân Lộc, chốt chặn quan trọng cuối cùng vào Sài Gòn (20/4) với khẩu hiệu: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chiến thắng”. Đây là đòn quyết định làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Cùng với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình, sắc sảo, nghệ thuật nắm thời cơ, tạo thời cơ, chớp thời cơ, kịp thời chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, nhằm hoàn thành kế hoạch (1975-1976) trước mùa mưa năm 1975, một lần nữa cho thấy tầm cao tư duy quân sự, sự vận dụng nhuần nhuyễn các quy luật chiến tranh cách mạng của Đảng ta và quân đội ta.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Nghệ thuật nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ của Đảng

Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn (Ảnh tư liệu)

ảnh tư liệu

thiết kế: khôi nguyễn

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast