Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh: BTC V.League cần lấy ý kiến các đội về kế hoạch tổ chức

(Baohatinh.vn) - VPF đang trong bài toán khó có lời giải để đưa V.League 2021 trở lại do tình hình phức tạp của dịch Covid-19. Đã có rất nhiều ý kiến đưa ra và không ít hưởng ứng phương án huỷ giải, giữ nguyên kết quả hiện tại.

Vào ngày 8/7, Tổng Công ty Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam VPF đã gửi đi thông báo về việc tạm hoãn kế hoạch tiếp tục tổ chức V.League 2021 vào ngày 31/7, theo dự kiến trước đó.

Đây là một quyết định hợp tình, hợp lý trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khác nhau.

Việc kéo dài V.League sang năm 2022 tạo gánh nặng tài chính lên các CLB khi chi trả lương cho các ngoại binh.

Thêm nữa, sau khi ĐT Việt Nam giành được tấm vé dự Vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, đã ảnh hưởng đến quỹ thời gian tổ chức các giải chuyên nghiệp Việt Nam và kế hoạch tập trung thi đấu các đội tuyển Việt Nam.

Theo đó, thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ bắt đầu bước vào hành trình chinh phục tấm vé dự World Cup 2022 vào ngày 2/9/2021 bằng chuyến làm khách trên sân Ả Rập Xê Út, và kết thúc bằng trận đấu trên sân nhà gặp Nhật Bản ngày 29/3.

Điều đáng nói, cứ sau mỗi trận đấu trên sân khách trở về nhà thì ĐT Việt Nam phải thực hiện việc cách ly 21 ngày, nên các trận đấu thuộc V.League nếu diễn ra trong khoảng đó là gần như không thể.

Ngày 16/7, VPF đã trình phương án hoãn V.League 2021 sang năm 2022 lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và đang chờ ý kiến từ các thành viên đội bóng. Nếu phương án được thông qua, VPF sẽ gửi văn bản thông báo đến các CLB dự giải về việc V-League 2021 sẽ thi đấu trở lại vào tháng 2-2022.

Trong trường hợp nếu VPF quyết định tái tổ chức 1 đến 2 vòng của V.League vào đầu tháng 2, thời điểm ĐT Việt Nam chơi 2 trận sân nhà gặp Trung Quốc (1/2/2022) và Oman (24/3/2022), rồi tiếp tục các vòng còn lại sau khi vòng loại kết thúc sẽ tạo sự “cập rập” cho mùa giải năm sau.

“Việc chuyển giao giữa hai mùa giải gần nhau sẽ tạo ra khó khăn cho các đội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hợp đồng cầu thủ, chắc chắn sẽ khiến tinh thần thi đấu của họ bị ảnh hưởng. Thêm nữa, các CLB sẽ không có quỹ thời gian chuẩn bị cho mùa giải 2022. Mà cụ thể ở đây là công tác chuyển nhượng, ngoại binh lẫn nội binh và kêu gọi nguồn lực tài trợ”, Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh – Nguyễn Tiến Dũng trao đổi với Báo Hà Tĩnh.

Các ngoại binh nỗ lực rèn luyện cùng đồng đội để duy trì thể lực trong thời gian chờ V.League khởi động lại.

Nhưng trên tất cả, việc V.League tiếp tục tổ chức vào đầu năm sau sẽ khiến cho các đội tham dự gặp rất nhiều khó khăn về mặt kinh phí vận hành. Trong đó, đáng kể là khoản tiền lớn lo trả lương và phí lót tay cho cầu thủ, đặc biệt là những cầu thủ ngoại binh. Với những đội bóng còn dựa vào nguồn kinh phí địa phương sẽ không dễ để họ xin tài trợ bởi nguồn lực đang phải dồn cho công tác chống dịch, khôi phục kinh tế.

“Tôi còn nhớ, vào mùa giải năm ngoái khi tình hình dịch bùng phát tại châu Âu thì đã có một số giải VĐQG ở Pháp, Hà Lan, Bỉ… đã quyết định huỷ giải, chấp nhận kết quả thực tại thời điểm đó. Đây là những ví dụ cụ thể mà VPF có thể tham khảo để đưa ra phương án hợp tình, hợp lý. Trong trường hợp chọn phương thức thi đấu tập trung, sẽ ảnh hưởng quyền lợi của các nhà tài trợ cũng như tốn kém về chi ăn ở của các CLB” - ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Theo từ nhiều kênh truyền thông thì đã có khoảng 3 CLB mong muốn VPF tính toán kỹ lưỡng để có thể dừng luôn V.League.

“Một vấn đề rất quan trọng đối với các đội bóng tham dự V.League đó là nếu mùa giải kéo dãn sang tận năm 2022, thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi các CLB chịu thiệt hại vì giải đấu bị hoãn?” - lãnh đạo của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, người thuộc Ban Chấp hành của VPF thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình.

“Tôi ủng hộ VPF đã rất nỗ lực tìm hiểu nhiều phương án để đưa giải về đích an toàn, thành công trong trường hợp nếu như có sự đồng thuận từ ban điều hành giải và các thành viên hội đồng quản trị và cổ đông. Nhưng VPF nêu lưu lý và làm rõ những vấn đề như: Các CLB có ý kiến mong muốn VPF chia sẻ khó khăn về tài chính, nếu giải kéo dài tới tháng 3 năm sau. Trong trường hợp vẫn không thể tổ chức giai đoạn đó thì ai là người chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của các đội.

“VPF nên xin ý kiến các thành viên cổ đông để có tính đồng thuận cao hơn và tốt nhất. Bên cạnh đó, phải xác định rõ thời gian dự kiến cho mùa giải 2022 để các CLB tính toán được quá trình chuyển nhượng, đặt biệt là cầu thủ ngoại” - Chủ tịch CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh nói tiếp.

VFF nên dành sự ưu tiên cho ĐT Việt Nam. Ảnh: Internet.

Cần phải thẳng thắn thừa nhận, lợi ích cho ĐT Việt Nam lúc này vẫn là trên hết. Chúng ta đang đứng trước thời cơ lịch sử khi có mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022, nên VFF sẽ dành sự ưu tiên cho các cầu thủ tập trung, dồn toàn tâm toàn ý cho mục tiêu ĐTQG, thay vì để các cầu thủ đội tuyển lo lắng thêm phần nhiệm vụ ở CLB.

Gần hơn thì trong 2 năm vừa qua, Liên đoàn Bóng đá châu Á cũng đã huỷ giải AFC Cup ở những khu vực có dịch phức tạp. Việc huỷ giải đều đã xảy ra ở những nền bóng đá phát triển hơn. Chính vì lẽ đó, VFF và VPF cần cân nhắc để đưa ra quyết định mạnh mẽ, giữa lúc dịch bệnh đang trở nên khó lường như lúc này.

Chủ đề CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói