Chuyển đổi chợ ở Hà Tĩnh: Cải thiện hạ tầng thương mại, tăng thu ngân sách

(Baohatinh.vn) - Sau 3 năm thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, những kết quả bước đầu đã góp phần củng cố và nâng cao chất lượng quản lý, điều hành hoạt động chợ tại Hà Tĩnh, từng bước đáp ứng nhu cầu thương mại văn minh, hiện đại...

Nhớ lại thời điểm kinh doanh, buôn bán trước tháng 10/2016, nhiều tiểu thương ở chợ Hồng Lĩnh (chợ cũ) không khỏi rùng mình. “Chợ dột nát, mùa mưa lầy lội, mùa hè nắng nóng. Đặc biệt, chúng tôi luôn thường trực nỗi lo cháy chợ. May mà điều đó chưa xẩy ra…” bà Nguyễn Thị Hằng - một tiểu thương chia sẻ. Theo bà Hằng, sau khi chuyển về kinh doanh ở chợ Hồng Lĩnh mới, mọi nỗi lo trước đây đã được giải tỏa, điều kiện kinh doanh buôn bán tốt hơn, an toàn hơn, đặc biệt, doanh thu của bà và các tiểu thương khác cũng cao hơn.

Chợ Hồng Lĩnh - một trong 4 chợ hạng 1 trên địa bàn tỉnh được đầu tư theo hình thức xã hội hóa đã phát huy tốt hiệu quả quản lý, kinh doanh.

Chợ Hồng Lĩnh là chợ hạng 1 do Công ty TNHH Như Nam làm chủ đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa gắn với chuyển đổi mô hình quản lý, với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng. Các ki-ốt được quy hoạch rộng rãi, lắp đặt hệ thống chống cháy tự động đến tận quầy; ở các quầy kinh doanh thực phẩm, hàng ăn… đều có hệ thống nước sạch, nước thải nhằm tạo thuận lợi cho tiểu thương trong quá trình sinh hoạt.

Sau hơn 1 năm chính thức đi vào hoạt động, chợ Hồng Lĩnh đã trở thành nơi mua bán sầm uất, hiện đại, văn minh, góp phần làm thay đổi diện mạo thị xã Hồng Lĩnh. “Với những chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện, thu hút các hộ vào kinh doanh và đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân đến mua sắm, chợ Hồng Lĩnh đã hoạt động hiệu quả, đảm bảo doanh thu, việc làm ổn định cho người lao động” - ông Nguyễn Thế Phương - Phó BQL chợ Hồng Lĩnh cho biết.

Cùng với chợ Hồng Lĩnh, một số chợ trên địa bàn sau chuyển đổi cũng đã và đang hoạt động hiệu quả như: Chợ Hội (Cẩm Xuyên); chợ Kỳ Anh (TX Kỳ Anh); chợ Gôi (Sơn Hòa), chợ Sơn Long, chợ Sơn Châu (Hương Sơn), chợ Trại (Hộ Độ - Lộc Hà)... Đây là những chợ chuyển đổi mô hình quản lý gắn với xã hội hóa đầu tư xây dựng. Hình thức đầu tư này đã góp phần cải tạo cơ sở hạ tầng thương mại. Kết quả bước đầu cho thấy, bà con tiểu thương đồng thuận khi được kinh doanh tại chợ mới khang trang, hiện đại với các ngành hàng được quy hoạch hợp lý, hệ thống thiết bị PCCC, vệ sinh môi trường đồng bộ, trật tự an ninh được đảm bảo…

Theo báo cáo của Sở Công thương, sau 3 năm triển khai, thực hiện Quyết định 2434/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi mô hình quản lý 112/127 chợ, đạt 88,19% kế hoạch. Số lượng chợ được phân bố khá đồng đều giữa các huyện, thành phố, thị xã.

Sau hơn 1 năm chính thức đi vào hoạt động, chợ Hồng Lĩnh đã trở thành nơi mua bán sầm uất, hiện đại, văn minh, góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ gắn chặt với công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo chợ đạt chuẩn theo quy định. Nhờ vậy, hạ tầng chợ, đặc biệt là chợ nông thôn được cải thiện rõ rệt, đến ngày 31/12/2017, có 75 chợ đạt tiêu chí chợ nông thôn (thời điểm năm 2013, khi xây dựng chính sách thương mại nông thôn, toàn tỉnh chỉ có 2 chợ đạt tiêu chí chợ nông thôn).

Một kết quả đáng ghi nhận sau khi thực hiện chuyển đổi, đó là số thu ngân sách tăng cao hơn so với trước. Theo số liệu báo cáo của UBND huyện, thành phố, thị xã đối với các chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý theo hình thức giao tài sản cho doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý, tăng thu ngân sách hàng năm khoảng 2,6 tỷ đồng, trong đó, một số chợ có số thu ngân sách tăng cao như: Chợ Giấy Đức Dũng - Đức Thọ) tăng 129 triệu đồng, chợ Eo (Ích Hậu - Lộc Hà) 100 triệu đồng, chợ Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) 95 triệu đồng/năm, chợ Hôm (Thái Yên - Đức Thọ) 78 triệu đồng/năm; chợ Nhe (Vĩnh Lộc - Can Lộc) 66 triệu đồng/năm; chợ Hôm Xuân Hội - Nghi Xuân) 83 triệu đồng/năm...

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói