Cửa biển Hội Thống

(Baohatinh.vn) - Cửa Hội Thống ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân), nơi sông Lam đổ ra biển Đông, là một trong những cửa biển có vị trí, vai trò trọng yếu ở Xứ Nghệ.

Trước đây, cửa Hội là một thương cảng cổ; tàu thuyền các xứ Đàng trong, Đàng ngoài và các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ vào ra nhộn nhịp. Tương truyền trong dân gian, ở cửa Hội có 2 dãy phố của người Trung Hoa và Nhật Bản buôn bán làm ăn tấp nập.

Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển.

Phương ngữ vùng Nghệ Tĩnh có câu “Cửa Hội khó vào”. Điều này cũng được sách “Nghi Xuân địa chí” khẳng định: Gần giữa lòng sông có đá nhô ra, rất nguy hiểm. Thuyền nhà nước và thuyền buôn người Tàu mỗi lần ra vào phải nhờ thuyền chài sở tại dẫn đường mới dám đi. Thời xa xưa, cửa Hội được gọi là cửa biển Đan Nhai, bên ngoài có đảo Song Ngư. Trong Nghi Xuân bát cảnh, cửa Hội được bình chọn có 2 cảnh đẹp. Đó là “Song Ngư hí thủy”, có nghĩa “Đôi cá đùa giỡn trên mặt nước” và “Đan Nhai quy phàm”, có nghĩa “Thuyền về cửa biển Đan Nhai”.

Mô tả cảnh đẹp ở cửa Hội, sách “Nghi Xuân địa chí” ghi chép: Hàng năm, những tháng cuối đông sang hè, trời nắng tạnh, các loại thuyền đánh cá lớn nhỏ cùng với thuyền buôn từ Bắc đến vào cửa sông có hàng mấy trăm lần chiếc. Buồm thuyền no gió, dập dờn qua lại hàng đàn. Chiếc như đi ra mà chính là vào, chiếc như rẽ trái nhưng kỳ thực là lách sang phải. Lớp trước vào đã vượt qua làn sóng, lớp đi sau còn lục tục nối theo, khác nào như đàn bướm vờn hoa, bầy cá đang giỡn nước, tiếng hò reo vang dội đôi bờ, thật là một thắng cảnh hiếm có. Từ xưa, cửa Hội trở thành nguồn cảm hứng của thơ ca.

Theo “Nghi Xuân địa chí”, cửa Hội có bàu Vĩnh Tú, hình tròn, nằm giữa bãi cát bằng phẳng, rộng gần 10 mẫu, nước trong vắt, ngày xưa bàu thông với biển. Vua Lê Thánh Tông, vị chúa tể hội Tao Đàn mỗi lần kinh lý qua cửa Hội thường cho thuyền ngự ghé vào bàu thưởng ngoạn cảnh đẹp và ngự bút viết bài thơ “Đan Nhai hải môn” có câu thơ hay nổi tiếng: Trông kìa Tam tọa thanh mà lặng/Thấp thoáng Song Ngư biếc lẫn xanh. Viết về danh thắng cửa Hội, La Sơn phu tử cũng có câu thơ: Gió nâng Ngư Đảo cánh buồm chiều. Sử ký và các danh sĩ như Bùi Dương Lịch, Trần Danh Lâm, Phan Huy Chú đều có ghi chép về cửa biển Hội Thống rất tỉ mỉ.

Quá trình thành lập làng xã ở cửa Hội diễn ra từ xa xưa, nhưng sử sách không ghi chép rõ niên đại cụ thể. Tiến trình khai hoang mở đất nơi đây được ghi chép sơ lược trong “Nghi Xuân địa chí”: Xã Hội Thống ngày xưa là đội Cồn Nhậm thuộc thôn Vọng Nhi, được cắt chia cho một vùng đất ở, trên đất xã Đan Trường. Các cụ đời trước truyền lại rằng: xã này do 8 ông khai phá xây dựng nên, đầu tiên gọi là Đan Nhai, từ đời Trung Hưng mới đổi tên gọi Hội Thống. Trong dân gian cửa Hội có lời truyền ngôn:

Nhớ xưa bảy họ tám người

Lập thành dân xã công nơi hải tần

Cửa Hội là địa phương có khá nhiều đình, đền, miếu nổi tiếng linh thiêng. Do có công khai phá hoang hóa lập làng xã, 8 ông bà thuộc 7 dòng họ được dân làng lập đền thờ hương khói để tưởng nhớ công ơn, đức trạch to lớn lập nên làng xã ở cửa Hội, được nhân dân tôn vinh thờ phụng chu đáo. Ngôi đền này được đặt tên rất đặc trưng: Đền Nội ngoại tiên hiền. Đền lập ở Đầu Cồn, nơi định cư đầu tiên của 8 cặp vợ chồng khai hoang lấn biển lập xóm làng nơi cửa biển.

Buổi sơ khai, đền có 4 cột gỗ, mái lợp bằng tranh cỏ, bốn mặt thưng bằng ván gỗ. Tương truyền, vào một năm gặp bão lớn, nước biển dâng cao cuốn mất ngôi đền này. Sau đó, được nhân dân trong xã đóng góp công đức, xây lại đền bằng gạch lợp ngói âm dương. Vị hiệu các “Nội ngoại tiên hiền” được khắc trên bản gỗ sơn son, chữ đen, hiệu các ông ở trên, hiệu các bà đặt ở dưới. Do thời gian dài không được tu bổ, đền Nội ngoại tiên hiền bị sụp đổ. Gần đây, gia đình cố Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh công đức trùng tu ngôi đền này. Sau đó được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh.

Bình minh trên biển

Cửa Hội có đền Đại Càn, tức đền Cả. Đây là đền thờ “Tứ vị thánh nương” cùng chung thần tích với đền Cờn ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Thần tích chép: Vào năm Tân Hợi (1311), vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, thuyền ngự đi qua cửa Càn Hải, huyện Quỳnh Lưu, đêm ngủ mộng thấy một người phụ nữ khóc than: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, cùng với 3 người con gái họ Hồng, bị giặc Nguyên Mông bức bách, gặp sóng gió đánh đắm thuyền trôi dạt đến đây, được trời phong làm thần biển đã lâu. Nay gặp bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp một tay lập công. Sáng mai tỉnh dậy, vua hỏi, dân cũng tâu rõ ràng chuyện thi thể cung phi và 3 người con gái trôi dạt vào lạch Cờn. Khi ca khúc khải hoàn, vua cho lập đền thờ 4 người phụ nữ trong giấc mộng và phong hiệu là “Tứ vị thánh nương”, “Tứ vị hồng nương”.

Người xã Hội Thống làm nghề đánh cá, đi qua cửa lạch Cờn, thấy thần linh thiêng đã rước về lập đền thờ ở vùng cửa sông. Hiệu thần là “Đại Càn quốc gia Nam hải, lịch triều bao phong phụng kim gia tặng Tứ vị thánh nương, thượng thượng đẳng tối linh đại vương tôn thần thánh tiền”. Hiện nay, đền Cả đang bảo tồn 8 đạo sắc phong thần do các đời vua Cảnh Hưng triều Lê, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định triều Nguyễn ban tặng.

Phía Tây Bắc đền Đại Càn là đình Hội Thống, một công trình kiến trúc cổ đồ sộ có giá trị nghệ thuật điêu khắc chạm trổ tinh tế, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1995. Đình Hội Thống được đánh giá là nhóm đình làng Việt cổ nhất và lớn nhất ở nước ta. Theo tài liệu lưu trữ ở di tích, đình này được khởi công vào năm Kỷ Hợi 1659, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2, đến năm Canh Tý (1660), niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 đời vua Lê Thần Tông mới hoàn thành. Đình có kiến trúc chữ nhị, thượng đình thờ vị thần Lý Thái úy Tô đại liêu Tô Hiến Thành làm Thành hoàng xã Hội Thống.

Hiện tại, kiến trúc hạ đình gồm 7 gian 2 vận, mỗi dãy có 4 hàng cột, chu vi cột là 1,7m, vòng tay người ôm không xuể. Đình có chiều dài 20m, rộng 10m, tổng diện tích 200 m2. Nền đình được chia ô, đắp bục theo ngôi thứ chức sắc của làng Việt cổ. Hai bên đình có 2 nhà bia ghi công đức của 2 người bỏ tiền của trùng tu vào thời nhà Nguyễn. Nhà bia bên phải gọi là bia cố Nho, bên trái là bia cố Hậu. Cổng đình được xây 2 cột hoa biểu đồ sộ, cao vút, trên đỉnh đắp đôi nghê chầu. Năm 1979, Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh xây thêm 2 tòa giải văn, giải vũ làm nơi đón tiếp khách thập phương về tham quan. Trên sân đình được trồng cây bóng mát làm cảnh, tô thêm vẻ thâm u cổ kính.

Đình được kiến trúc theo lối kè mái, phong cách chống rường, xà ngang chạm đầu rồng ngậm ngọc. Từ khầu đầu có một cột tròn có bệ đỡ chống lên đỉnh nóc làm trụ giữa. Cột con có hệ thống kẻ chuyền, đường nóc, hoành mái, cột trốn được gắn lên đường khầu đầu to khỏe làm giá đỡ. Toàn bộ hệ thống kèo, xà ngang, xà dọc, hoành câu liên kết nhau bằng mộng lắp, tạo thành bộ khung đỡ mái vững chắc. Phần chạm trổ chuyền kẻ sống động như đầu rồng ngậm ngọc, thân rồng kẻ mái làm con rồng khỏe mạnh, uyển chuyển. Xà ngang, rường dọc được chạm lộng chim, muông, hoa lá rất sinh động. Đình Hội Thống được đánh giá là kiến trúc nghệ thuật giá trị, có một không hai ở đất Hà Tĩnh.

Ở cửa Hội còn có đền Cô - đền Cậu thờ cá Ông. Đa số nhân dân cửa Hội làm nghề đánh cá, thường xuyên vào lộng ra khơi. Ngư phủ có tín ngưỡng tôn thờ cá Ông, lập mộ và đền thờ với hiệu là “Nam hải ngư thần”. Hiện nay, đền Cá còn giữ được 3 đạo sắc phong của vua Thành Thái, vua Khải Định phong tặng thần cô, thần cậu.

Cửa Hội là địa phương giàu truyền thống văn hóa lịch sử. Ở đền Cá, hàng năm ngư phủ tổ chức lễ cầu ngư rất náo nhiệt. Văn tế cầu ngư được đề: “Công ngư vạn cạnh trạo cầu ngư kỳ yên văn” hướng đến việc thuận buồm xuôi gió ra khơi làm ăn của ngư phủ. Tế xong, dân cửa Hội tổ chức hội chèo bơi, thi bơi. Đây là cuộc thi của các vạn chài, vạn rùng, vạn te, vạn đáy, vạn mành và đội thuyền của nghề nông tham gia lễ hội. Không khí ngày hội cầu ngư rất náo nhiệt, dưới nước thuyền mành lướt sóng, trên bờ trống thúc liên hồi, người xem chật bãi, tiếng hò reo cổ vũ dậy đất Đan Nhai, một thắng cảnh trên đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói