Đằng sau kỳ chuyển nhượng bùng nổ ở Premier League

Các câu lạc bộ Premier League chi ra đến hơn 2 tỷ bảng để chiêu mộ tân binh, con số kỷ lục trong lịch sử giải đấu.

Con số 2 tỷ bảng vượt qua kỷ lục được thiết lập vào năm 2017, ở mức 1,45 tỷ bảng. Sự xuất hiện của những ông chủ mới đi kèm các bản hợp đồng đắt đỏ cho thấy nền tảng tài chính vững mạnh của các đội bóng nước Anh sau khi vượt qua giai đoạn đại dịch Covid-19.

Độ chịu chơi của những ông chủ mới

Todd Boehly, chủ mới của Chelsea, cho thấy độ chịu chơi trên thị trường chuyển nhượng khi chấp nhận chi 258,5 triệu bảng cho 7 tân binh. Trong số này, Wesley Fofana là bản hợp đồng đắt giá nhất với mức phí chuyển nhượng lên đến 75 triệu bảng.

Newcastle được rót vốn đầu tư từ giới chủ giàu có ở Saudi Arabia. CLB bỏ ra số tiền 122 triệu bảng cho 4 tân binh, trong đó tiền đạo Alexander Isak là bản hợp đồng kỷ lục của Newcastle với mức phí 60 triệu bảng.

Newcastle đầu tư cho tương lai khi chiêu mộ Isak. Ảnh: talkSPORT

Evangelos Marinakis, ông chủ của tân binh vừa thăng hạng Premier League là Nottingham Forest, vung tiền chiêu mộ đến 21 tân binh ở kỳ chuyển nhượng hè. Số tiền doanh nhân này chi ra cho CLB vào khoảng 140 triệu bảng.

Kieran Maguire, Giảng viên Tài chính bóng đá tại Đại học Liverpool, chia sẻ trên Daily Mail : “Các ông chủ mới ở Premier League sẵn sàng vung tiền mạnh tay. Điều đó tạo nên sự thúc đẩy đến các đội bóng khác trên thị trường chuyển nhượng”.

Mức doanh thu kỷ lục

Trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, tổng mức doanh thu của các CLB Premier League rớt từ 5,2 tỷ bảng ở mùa 2018/19 xuống còn 4,5 tỷ bảng ở mùa 2019/20.

Nhưng sau giai đoạn đó, Premier League trên đà trở lại mạnh mẽ. Hãng kiểm toán Deloitte ước tính doanh thu trong năm 2022 ở Premier League sẽ vượt mốc 6 tỷ bảng, con số kỷ lục trong lịch sử giải đấu và vượt xa mức doanh thu ở giai đoạn trước dịch.

Tim Bridge, đại diện của Deloitte, cho biết: “Nếu nhìn vào doanh thu do các CLB tạo ra, ta thấy được các đội bóng đã vượt qua giai đoạn đại dịch khó khăn. Họ không phải gánh một khoản nợ từ nước ngoài đáng kể nào, điều này tạo nên sự khác biệt so với phần lớn các CLB khác ở châu Âu".

Doanh thu kỷ lục từ các CLB Premier League được dự đoán chủ yếu đến từ các hợp đồng bản quyền truyền hình ở nước ngoài, bên cạnh thói quen chi tiêu phóng khoáng của các CĐV ở Anh.

Maguire giải thích: “Các bản hợp đồng bản quyền truyền hình Premier League vừa được ký kết ở Mỹ và Bắc Âu đều ở mức kỷ lục. Điều này giúp các CLB ở Anh thêm tự tin (trên thị trường chuyển nhượng). Ngoài ra, người hâm mộ cũng không có ý định từ bỏ vé xem cả mùa bất chấp đây là số tiền không nhỏ".

Các CLB cho rằng việc chi tiêu càng nhiều thì cơ hội thành công càng lớn. Đó là nguồn động lực khiến các đội bóng ở Premier League mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng.

Các CLB bán cầu thủ khôn ngoan hơn

Những ông lớn ở Premier League bị ép giá khi hỏi mua cầu thủ ngôi sao ở các đội tầm trung. Man City và Chelsea gặp khó khi đàm phán mua Marc Cucurella của Brighton. Cuối cùng, hậu vệ này được bán cho Chelsea với mức phí 55 triệu bảng. Leicester City cũng cứng rắn trong thương vụ bán Fofana cho “The Blues”, và cuộc đàm phán chỉ chấm dứt khi Chelsea chấp nhận chi 75 triệu bảng.

“Các đội bóng muốn bán ngôi sao đang có vị thế cao hơn so với trước đây. Họ có thể sống sót qua giai đoạn đại dịch và không nhất thiết phải bán cầu thủ chủ chốt. Những đề nghị đầu tiên từ các ông lớn đều bị họ từ chối. Do đó, các CLB này có thể bán ngôi sao của mình với mức phí tối đa”, Maguire nói.

Cuộc đua top 4

Tấm vé dự Champions League là yếu tố hấp dẫn các ông lớn ở Premier League. Số tiền kiếm được nhờ việc tham dự giải đấu này ít nhất vào khoảng 50 triệu bảng.

“Chỉ 4 đội giành vé trong cuộc chiến giữa 6 đội. Một khi có đội chi 200 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng, những đội khác sẽ không ngồi yên”, Maguire phân tích.

Đằng sau kỳ chuyển nhượng bùng nổ ở Premier League

MU chi đậm để sở hữu Antony từ Ajax. Ảnh: Manchester United

HLV Erik ten Hag của MU cho rằng đây là điều bình thường, sau khi “Quỷ đỏ” chi đến 85,5 triệu bảng cho bản hợp đồng Antony từ Ajax. MU quyết tâm trở lại Champions League sau khi mất tấm vé ở mùa giải 2021/22.

“Các ông chủ phải điều chỉnh chiến lược theo biến động của thị trường chuyển nhượng. Nếu muốn cạnh tranh cho một suất trong top 4, bạn phải bị cuốn vào vòng xoáy này”, cựu HLV Ajax cho biết.

Maguire nói thêm: “Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) vừa ký kết những hợp đồng bản quyền truyền hình mới. Họ tin rằng có thể kiếm thêm nhiều tiền nhờ Champions League, đồng thời triệt tiêu ý tưởng hình thành Super League. Các đội sẽ có thêm động lực để giành vé dự Champions League”.

Premier League sắp thay đổi?

Giải đấu số một nước Anh đang xem xét đặt ra giới hạn tiền lương và mức chi tiêu chuyển nhượng lần đầu tiên trong lịch sử. UEFA dần thay thế Luật công bằng tài chính (FFP) bằng một bộ quy tắc mới để hạn chế các CLB chi tiêu vượt quá con số 70% doanh thu của họ trong một năm.

Tuy nhiên, theo Daily Mail , nhiều khả năng Premier League sẽ được UEFA thiết lập tỷ lệ cao hơn con số 70%. Yếu tố dẫn đến thay đổi này do doanh thu trung bình của các CLB Anh lớn hơn so với các đội khác ở châu Âu.

Kỳ chuyển nhượng hè 2023 có thể chứng kiến một kỷ lục chuyển nhượng mới ở Premier League. Đây là dự đoán có cơ sở trong bối cảnh Premier League nhiều khả năng có suất thứ 5 ở Champions League từ năm 2024.

Theo Zing

Đọc thêm

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Kết thúc giải vô địch quốc gia năm 2024, dù rất nỗ lực nhưng việc gặp quá nhiều khó khăn đã khiến bóng chuyền Hà Tĩnh xếp ở vị trí thứ 8, qua đó xuống giải hạng A.
Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm 2024, điền kinh Hà Tĩnh gặt hái được nhiều huy chương tại các giải đấu. Ngoài sự tỏa sáng của những trụ cột còn có nhiều vận động viên trẻ, hứa hẹn là lứa kế cận đầy triển vọng.
Huyền thoại Nadal

Huyền thoại Nadal

Ai có thể quên hình ảnh một chàng trai trẻ, với mái tóc xù và chiếc áo không tay, tung hoành trên các sân đất nện, khuấy đảo làng quần vợt thế giới? Đó là Rafael Nadal.