Chính trị

Anh-Cover-PC-m.jpg

Khó trùng khó, đó là thực trạng của xã Kỳ Tây (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), khi địa phương đứng cuối của huyện Kỳ Anh lại phải chịu ảnh hưởng của Dự án cấp nước Rào Trổ với hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất. Vậy nhưng, khi cả hệ thống chính trị đoàn kết, một lòng vì dân; khi những người dân đồng thuận, sẻ chia, chung sức xây dựng cuộc sống mới, Kỳ Tây đã bứt phá bằng sức mạnh của ý Đảng, lòng dân.

Unit.png
Tit phu1 (1000 x 300 px).gif

Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành từng chia sẻ với chúng tôi khi nói về Kỳ Tây: “Người dân nơi đây cần cù, mộc mạc, có ý chí vươn lên, trong những thời điểm khó khăn biết sẻ chia, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vượt qua gian khó”. Điều đó không chỉ chứng minh trong chặng đường xã nghèo nỗ lực khơi dậy nội lực xây dựng NTM mà còn thể hiện ở việc bà con nhân dân đồng thuận, phối hợp thực hiện công tác bồi thường, GPMB Dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng.

77.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải trực tiếp giải đáp, làm rõ những băn khoăn của công dân liên quan tới công trình hồ chứa nước Rào Trổ (tháng 5/2023).

TỪ CUỐI NĂM 2023 ĐẾN NAY, CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG ĐÃ CHI TRẢ BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG ĐƯỢC 128 HỘ VÀ ĐANG TẬP TRUNG HOÀN THÀNH GIẢI NGÂN TRONG THÁNG 8/2024.

Triển khai tại huyện Kỳ Anh từ tháng 12/2011, Dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng ảnh hưởng tới 6 xã với 1.835 lượt hộ dân, do gặp những vướng mắc nên việc bồi thường, GPMB kéo dài. Mặc dù tháng 9/2023 tỉnh đã ban hành cơ chế để tháo gỡ khó khăn, thế nhưng do những khối lượng công việc tồn đọng trước đó nên các bước thực hiện ở Kỳ Tây chậm hơn các địa phương khác. Từ cuối năm 2023 đến nay, với sự đồng thuận của người dân, các cơ quan chức năng đã chi trả bồi thường, GPMB được 128 hộ và đang tập trung hoàn thành giải ngân trong tháng 8/2024.

122d6180609t61662l0.jpg
66.jpg
Người dân xã Kỳ Tây phấn khởi ủng hộ chủ trương của tỉnh về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Rào Trổ. Dự án này xã Kỳ Tây có 496 hộ dân bị ảnh hưởng, với gần 600 ha đất bị thu hồi.

Gia đình ông Trần Văn Thông ở thôn Nam Xuân, xã Kỳ Tây có 7,5 ha đất trồng keo tràm và hoa màu, trong đó có 2,5 ha đất bị ảnh hưởng và phải thu hồi phục vụ dự án. Mặc dù bị thu hồi một diện tích đất lớn; việc bồi thường lại không đảm bảo tiến độ, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của gia đình nhưng vợ chồng ông Thông đều sẵn sàng nhường đất và đồng tình với các phương án bồi thường của Nhà nước.

Hiện không còn nhiều đất trồng rừng, ông Thông tập trung đầu tư thâm canh, chăm sóc để nâng cao hiệu quả trên diện tích còn lại; đồng thời mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ để duy trì thu nhập. “Ban đầu chúng tôi rất lo lắng, tuy nhiên, để phục vụ một dự án đầu tư lớn, lại được sự tuyên truyền, vận động thấu tình đạt lý và sự quan tâm chia sẻ, động viên của cấp uỷ, chính quyền địa phương, chúng tôi hoàn toàn yên tâm nhường đất cho dự án vì công việc chung”- ông Thông chia sẻ.

222.jpg
Cán bộ xã Kỳ Tây thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Trần Văn Thông.

Bà Nguyễn Thị Nhi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kỳ Tây cho biết: “Nhận thức của gia đình ông Thông cũng là nhận thức chung của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án ở Kỳ Tây. Kể cả hộ đã được chi trả cũng như hộ chưa hoàn thành chi trả đều một lòng ủng hộ chủ trương chung. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi coi đây là vốn quý để phát huy trong thực hiện các phong trào, triển khai các cuộc vận động, xây dựng NTM của địa phương”.

Tit phu 2.gif

Với nhiều khó khăn, đến cuối năm 2020, xã Kỳ Tây mới chỉ đạt 15 tiêu chí NTM. “Đặt mục tiêu đạt chuẩn NTM trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù xã xác định sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng không phải là thiếu tính khả thi. Cơ sở để Kỳ Tây mạnh dạn đặt mục tiêu gần để phấn đấu, đó là có một cấp ủy Đảng được kiện toàn đủ mạnh, một hệ thống chính trị đoàn kết, nhất trí, gắn kết chặt chẽ và biết bổ sung những điểm mạnh cho nhau; đặc biệt người dân, những chủ thể xây dựng NTM cần cù, chịu khó, tích cực vào cuộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn để vươn tới đích” - ông Nguyễn Văn Hệ, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tây khẳng định.

A5.jpg
Cán bộ và Nhân dân thôn Trung Xuân (Kỳ Tây) chung sức xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Dấu ấn trong quá trình nỗ lực xây dựng NTM ở Kỳ Tây, đó là các phong trào thi đua cao điểm ra quân được phát động rộng rãi, liên tục trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân 9/9 thôn. Trên cơ sở bám sát đường găng kế hoạch cho chặng đường nước rút, hệ thống đường giao thông được hoàn thiện cùng với lắp đặt đường điện chiếu sáng trên tất cả các thôn; hàng chục km hành lang giao thông được mở rộng, phong trào trồng hàng rào xanh được triển khai đồng loạt; nhiều tuyến đường mẫu được hình thành và hoàn thiện; các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng…, góp phần đưa Kỳ Tây được công nhận đạt chuẩn đúng hẹn.

A6.jpg
Từ một thôn có điểm xuất phát thấp, thôn Trung Xuân đã vươn lên trở thành khu dân cư NTM kiểu mẫu với các tiêu chí vững chắc.

Xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm cuối, sau “bước ngoặt” đạt chuẩn, Đảng bộ và Nhân dân Kỳ Tây tiếp tục bước vào một giai đoạn mới với mục tiêu giữ vững, phát triển các tiêu chí NTM và xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Theo Nguyễn Văn Hệ - Bí thư Đảng uỷ xã Kỳ Tây, mặc dù xã đã đạt chuẩn khá vững chắc nhưng là một xã vùng thượng, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, cấp uỷ và chính quyền xã vẫn đặc biệt quan tâm giữ vững và nâng cao tiêu chí thu nhập.

555.jpg
Vượt qua những khó khăn chung của thôn, của xã, người dân Kỳ Tây đã phát huy cao vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM.

ĐẾN THỜI ĐIỂM NÀY, TOÀN XÃ CÓ TRÊN 1.000 HA CÂY KEO TRÀM; TRÊN 130 HA CHÈ NGUYÊN LIỆU; 50 HA CÂY CÓ MÚI; 43 MÔ HÌNH NUÔI ONG LẤY MẬT; 25 MÔ HÌNH NUÔI BÒ VỖ BÉO…

Để nâng cao giá trị thu nhập trên lĩnh vực nông nghiệp, xã đã vận động người dân tập trung phát triển kinh tế vườn rừng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hàng trăm mô hình trồng cây keo tràm, trồng chè nguyên liệu, các loại cây có múi, nuôi ong lấy mật… cho thu nhập cao được xây dựng, các sản phẩm chủ lực của địa phương được hình thành. Đến thời điểm này, toàn xã có trên 1.000 ha cây keo tràm; trên 130 ha chè nguyên liệu; 50 ha cây có múi; 43 mô hình nuôi ong lấy mật; 25 mô hình nuôi bò vỗ béo…

DSC_1686.JPG
Hàng rào xanh, một trong những điểm nhấn của bức tranh NTM xã Kỳ Tây.

Kinh tế vườn rừng phát triển mạnh mẽ đã giúp nhiều hộ gia đình có cơ hội thoát nghèo và có thu nhập khá. Gia đình anh Trần Văn Kiên ở thôn Minh Xuân, được sự tuyên truyền, vận động và được tham gia lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật của xã, tận dụng khu vườn rộng với nhiều loại cây ăn quả, anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong lấy mật.

Từ vài đàn ong ban đầu, hiện gia đình có gần 30 đàn, mỗi năm bán trên 500 lít mật, 50 đàn ong giống, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Anh Kiên bộc bạch: “Nhờ phát triển thêm mô hình mới, thu nhập từ kinh tế vườn rừng của gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác tăng vượt trội so với trước đây”, anh Kiên chia sẻ.

44.jpg
Những tổ ong của anh Trần Văn Kiên đang bắt đầu vào kỳ thu hoạch mới.

MỤC TIÊU ĐẾN HẾT NĂM 2024, THU NHẬP CỦA NGƯỜI DÂN XÃ KỲ TÂY ĐẠT 55 TRIỆU ĐỒNG/NGƯỜI/NĂM.

Sự phát triển mạnh mẽ, đồng đều của các mô hình kinh tế trong những năm gần đây, kéo theo mức thu nhập của người dân Kỳ Tây tăng lên đáng kể. Nếu như đầu năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ mới đạt 45 triệu đồng/năm, thì đến cuối năm 2003, con số này đã nâng lên trên 50 triệu/đồng/năm. Để đạt mục tiêu đến hết năm 2024, thu nhập của người dân đạt 55 triệu đồng/người/năm, cùng với tập trung phát triển sản xuất, hằng năm, Kỳ Tây phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn như trồng lúa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi…

A9.jpg
Xã nông thôn mới Kỳ Tây hôm nay.

Kinh tế từng bước phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện, đang tạo động lực lớn để Đảng bộ và Nhân dân Kỳ Tây tiếp tục giữ vững và nâng chất các tiêu chí, hướng đến mục tiêu đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Hiện nay, ngoài 4 thôn đã đạt chuẩn, đang tiếp tục nâng chất các tiêu chí, Kỳ Tây tập trung cao để đưa 4 thôn còn lại (đã đạt khoảng 70%) sớm đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Văn Hệ - Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tây cho biết, tinh thần tự giác, trách nhiệm của người dân thể hiện trong xây dựng NTM thời gian qua là cơ sở để địa phương phát huy hơn nữa nội lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí khó, đưa Kỳ Tây sớm đạt chuẩn xã NTM nâng cao.

Video: Ông Nguyễn Văn Hệ chia sẻ về sự đồng lòng, đồng thuận của Đảng bộ và Nhân dân
Tit phu 3.gif

Đau đáu với bài toán nâng cao đời sống Nhân dân, cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị xã Kỳ Tây đã tích cực vào cuộc thực hiện quyết liệt và tạo được sự lan toả trong công tác giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, với phương châm: “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

111.jpg
Lãnh đạo xã tặng hoa cho các nhà tài trợ ủng hộ quỹ hỗ trợ người nghèo trong một đêm nhạc từ thiện của Kỳ Tây.

Qua các chương trình hoạt động linh hoạt, sáng tạo, đã huy động được hàng tỷ đồng, làm nhà ở và tạo sinh kế giúp hàng chục hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Gia đình ông Nguyễn Đình Vọ và vợ là bà Nguyễn Thị Luận, ở thôn Nam Xuân (Kỳ Tây) gặp hoàn cảnh hết sức khó khăn. Gần 3 năm qua, ông Vọ bị tai biến, hiện bị liệt 1 tay, một chân cũng khó vận động. Còn bà Nguyễn Thị Luận phải chạy thận định kỳ tại bệnh viện huyện.

A14.jpg
Ông Đặng Xuân Bổn, đại diện con em Kỳ Tây sinh sống và làm việc ở các tỉnh phía Nam, trao tặng quà gây quỹ hỗ trợ người nghèo của xã.

Thông qua Ủy ban MTTQ xã, hoàn cảnh của ông bà đã được đưa vào diện hỗ trợ sinh kế từ nguồn quỹ vì người nghèo của địa phương. Với một con bò sinh sản (trị giá 10 triệu đồng) được hỗ trợ, ông Vọ hết sức vui mừng và ngày ngày chăm sóc. “Chúng tôi vô cùng phấn khởi, cảm ơn cấp uỷ, chính quyền xã và sẽ nỗ lực chăm sóc vật nuôi thật tốt, sớm sinh lợi, ổn định cuộc sống để góp phần cùng xã nhà xây dựng NTM” - ông Vọ tâm sự.

Theo bà Nguyễn Thị Nhi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Kỳ Tây, từ năm 2021 đến nay, xã đã huy động được 570 triệu đồng xây dựng Quỹ Vì người nghèo. Để có nguồn quỹ này, ngoài kết nối, kêu gọi cộng đồng, con em xa quê đóng góp, xã tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của các mạnh thường quân tổ chức các đêm nhạc từ thiện với sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng, vừa là “bữa tiệc tinh thần” cổ vũ bà con, vừa huy động đóng góp để bổ sung vào quỹ hỗ trợ người nghèo”.

333.jpg
Gia đình ông Nguyễn Đình Vọ là một trong những hộ khó khăn được Quỹ Vì người nghèo xã Kỳ Tây hỗ trợ sinh kế. Trong ảnh: Lãnh đạo xã Kỳ Tây thăm gia đình ông Vọ.

THỜI GIAN QUA, TOÀN XÃ CÓ 4 HỘ ĐƯỢC HỖ TRỢ CON GIỐNG BÒ SINH SẢN VỚI SỐ TIỀN 40 TRIỆU ĐỒNG; SỬA CHỮA 367 NHÀ Ở, XÂY MỚI 36 NHÀ, TẶNG 15 SỔ TIẾT KIỆM, TỔNG TRỊ GIÁ 150 TRIỆU ĐỒNG…

Với nguồn quỹ này, thời gian qua, toàn xã có 4 hộ được hỗ trợ con giống bò sinh sản với số tiền 40 triệu đồng; sửa chữa 367 nhà ở, xây mới 36 nhà, tặng 15 sổ tiết kiệm, tổng trị giá 150 triệu đồng… Nhờ đó, hộ nghèo ở xã nghèo Kỳ Tây đã giảm đáng kể.

Nếu như đến cuối năm 2021, toàn xã có trên 7,5% hộ nghèo và 8,6% hộ cận nghèo, thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn ở mức 5,65%, hộ cận nghèo 6,8%. Cấp ủy, chính quyền xã đang kiên trì, nỗ lực để tiếp tục xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân.

A1111.jpg
Với 70 triệu đồng được xã kết nối hỗ trợ từ Quyết định 22 của tỉnh, bà Phạm Thị Niêm ở thôn Trung Xuân, xã Kỳ Tây đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, trị giá trên 150 triệu đồng, thay thể ngôi nhà cũ nát.

Khó khăn, trở ngại đang dần lùi xa, Kỳ Tây hôm nay đang vững bước trên hành trình xây dựng xã NTM nâng cao với sự chung sức, chung lòng của người dân. Cơ sở hạ tầng đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, không gian thêm những sắc màu tươi mới, những mô hình kinh tế không những sinh sôi từ bàn tay, khối óc của những con người luôn có khát vọng vươn lên.

Ông Đặng Xuân Bổn, Chủ tịch Hội đồng hương Kỳ Tây tại các tỉnh phía Nam, hiện sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, trong lần trở về quê gần đây đã chia sẻ niềm xúc động: “Được chứng kiến sự đổi thay của quê hương mới thấy hết sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân xã nhà trong thời gian qua. Những người con xa quê như chúng tôi vui mừng, tự hào và sẽ đồng hành, góp sức cùng địa phương để quê hương Kỳ Tây tiếp tục vươn mình trên chặng đường phát triển mới”.

BÀI, ẢNH, VIDEO: VŨ VIỄN

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Đọc thêm

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

2024 tiếp tục là năm thành công, ghi dấu nhiều kết quả nổi bật, toàn diện của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh với sự đổi mới, quyết tâm cao, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức và hành động, bồi đắp niềm tin, kỳ vọng trong lòng cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.
Phát huy truyền thống, xây dựng LLVT Hà Tĩnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”

Phát huy truyền thống, xây dựng LLVT Hà Tĩnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”

Cách đây 80 năm, trước yêu cầu của cách mạng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập và đánh dấu sự ra đời, phát triển của LLVT cách mạng Việt Nam. Hòa chung trong dòng chảy lịch sử đó, LLVT Hà Tĩnh đã ra đời và không ngừng chiến đấu, trưởng thành để hôm nay đã lớn mạnh theo hướng “tinh - gọn - mạnh”.
Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng Bộ CHQS tỉnh

Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng Bộ CHQS tỉnh

Thay mặt các linh mục, chức sắc, chức việc cùng bà con giáo dân tỉnh nhà, linh mục Gioan Baotixta Nguyễn Khắc Bá - Tổng đại diện Giáo phận Hà Tĩnh chúc mừng cán bộ, chiến sỹ LLVT Hà Tĩnh nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.