Video: Khám phá căn cứ địa Vũ Quang
Một ngày nắng ráo thượng tuần tháng 10/2023, chúng tôi theo đoàn cán bộ Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh và huyện Vũ Quang về thăm lại căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp do Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng (1847-1896) lãnh đạo.
Thay vì đi đường bộ, chúng tôi chọn di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ Ngàn Trươi. Sau chừng 40 phút ngồi thuyền máy, chúng tôi “tiếp đất” ở tiểu khu 180A thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Vũ Quang. Đi thêm khoảng 1,5km nữa thì đến nhà bia tưởng niệm Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân Hương Khê.
Đoàn công tác gồm lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang di chuyển bằng thuyền máy vào khu căn cứ Phan Đình Phùng.
Trung tá Lê Kiếm Sơn - Phó Đồn trưởng Biên phòng Hương Quang bày tỏ: “Tuy nằm cách biệt với với “thế giới bên ngoài” nhưng chúng tôi vẫn luôn đến hương khói, tưởng nhớ tiền nhân ở đền thờ cụ Phan và nghĩa quân. Những thời khắc đó nhắc nhở chúng tôi về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc”.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Nhà bia tưởng niệm Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng và nghĩa quân Hương Khê.
Rời nhà bia tưởng niệm, chúng tôi được cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng “tăng bo” về đồn, sau đó đi bộ bằng đường rừng để khám phá thành cụ Phan, cách đồn khoảng 2km.
Sau đợt mưa lớn giữa tháng 10, suối Rào Rồng (một nhánh đổ ra sông Ngàn Trươi) đã hiền hòa trở lại, chúng tôi có thể lội bộ dọc suối để khám phá thành lũy đá kiên cố giữa đại ngàn cây cối bao phủ. Một chiến sỹ biên phòng đi cùng đoàn cho biết, về mùa này, có khi nước từ thượng nguồn đổ về dâng lên cuộn cuộn chảy xiết, đến thuyền cũng khó di chuyển.
Lội suối Rào Rồng để khám phá thành Vũ Quang.
Con suối là nơi cụ Phan Đình Phùng đã chủ trương lợi dụng sức nước để tạo nên trận đánh “Sa nang úng thủy” (ngăn nước ở thượng nguồn, đợi giặc vào mục tiêu thì xả nước) tiêu diệt hàng trăm quân Pháp nổi tiếng vào mùa đông năm 1895.
Thành cụ Phan được tạo nên bởi vách đá tự nhiên sừng sững.
Thành cụ Phan là trung tâm của khu di tích Căn cứ Vũ Quang (di tích đã được công nhận cấp quốc gia), được tạo bởi đá tự nhiên có tổng chiều dài 8.010m, rộng 150m, mặt tiền của thành dựng đứng có độ cao trung bình 30m.
Hiện còn dấu tích của hai cổng: cổng chính và cổng đông bắc. Tại cổng chính có hai hòn đá lớn, tương truyền đây là nơi nghĩa quân Phan Đình Phùng đứng gác, phía dưới có vực thành là điểm cuối cùng của thành luỹ. Đối diện với mặt tiền là dãy núi Tây Thành làm bức tường tự nhiên bảo vệ đại bản doanh. Hậu thành dựa vào núi Giăng Màn tạo nên thế vững chắc an toàn cho căn cứ.
Phía phía trên thành cụ Phan là những bãi đất bằng phẳng, nơi từng được chọn làm bãi tập trận của nghĩa quân, lò đúc rèn vũ khí... Tuy nhiên, do thời gian đã lâu cộng với khí hậu nhiệt đới ẩm, giờ bãi đất đã thành khu rừng ken đặc cây cối, chúng tôi phải luồn lách qua những cây bụi, dây leo chằng chịt mới vào được bên trong.
Đoàn công tác di chuyển từ lòng suối lên trên mặt thành bằng thân cây dây leo trong rừng.
Theo thời gian, không còn nữa các dấu tích về lò rèn vũ khí, bãi tập binh... cũng như những ngày nghĩa quân “nằm gai, nếm mật” dựng cờ khởi nghĩa chống lại ngoại xâm nhưng thành lũy vẫn sừng sững còn đó như một chứng tích về tinh thần yêu nước nồng nàn, chống giặc ngoại xâm kiên cường của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng, Cao Thắng và nghĩa quân Hương Khê.
Những bãi tập binh cách đây hàng trăm năm giờ cây cối phủ kín.
Tạm biệt khu căn cứ Phan Đình Phùng khi chiều tà, con thuyền rẽ sóng nước Ngàn Trươi đưa chúng tôi trở lại thị trấn Vũ Quang. Trong sương chiều bảng lảng, mặt hồ in thẫm khu rừng già như chất chứa bao câu chuyện thăng trầm của lịch sử dân tộc.
Ông Trần Xuân Lương - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trăn trở: “Giá trị lịch sử văn hóa và du lịch của khu di tích Căn cứ địa Vũ Quang rất lớn nhưng vì nhiều lý do khách quan như: địa hình đi lại khó khăn, chưa có sự đầu tư từ các tổ chức doanh nghiệp trong khi ngân sách Nhà nước hạn chế... nên vẫn chưa khai thác hết. Nếu có những hướng đi rõ ràng, cộng với quan tâm, kêu gọi xúc tiến đầu tư thì không chỉ phát huy được giá trị di tích, mà đây còn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn du khách muôn phương...”.
Khu căn cứ Vũ Quang gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hương Khê kéo dài hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng (quê ở xã Tùng Ảnh, Đức Thọ). Cuối thế kỷ XIX, trước sự xâm lược của thực dân Pháp, Nhân dân ta đã kiên cường đứng lên cùng các sĩ phu yêu nước chống giặc. Khi vua Hàm Nghi ra hịch Cần Vương kêu gọi kháng chiến chống Pháp, làn sóng đấu tranh diễn ra mạnh mẽ khắp cả nước. Nổi bật nhất là cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng với địa bàn hoạt động của nghĩa quân bao gồm 4 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, đại bản doanh của nghĩa quân đóng tại Vũ Quang. Khu căn cứ này được xây dựng từ 1887 đến năm 1889 dưới sự chỉ huy của cụ Cao Thắng - phó tướng của cụ Phan Đình Phùng, bao gồm đào hào đắp luỹ, đào hầm, đất nung khô để cất giấu lương thực, lập các lò rèn vũ khí và một hệ thống đồn trại dày đặc để bảo vệ đại bản doanh và bộ tham mưu nghĩa quân. |