Đền thờ Biện Hoành - nẻo về nguồn cội của dòng họ Biện trong cả nước

(Baohatinh.vn) - Đền thờ Biện Hoành ở thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) không chỉ là nơi thờ cúng, tưởng nhớ công ơn của Hoàng giáp - Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành mà còn là nơi tìm về cội nguồn của dòng họ Biện trong cả nước.

Đền thờ Biện Hoành - nẻo về nguồn cội của dòng họ Biện trong cả nước

Đền thờ Biện Hoành tại thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên.

Theo thông tin từ Biện tộc Việt Nam, Hoàng giáp - Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành quê Hoa Duệ - Kỳ Hoa, nay là xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Tuy năm sinh, năm mất đến nay vẫn chưa được xác định rõ nhưng tên tuổi cũng như tài năng, đóng góp của ông cho lịch sử dân tộc đã được khẳng định, khắc ghi trong nhiều chứng tích, tài liệu như: Bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử…

Biện Hoành sinh ra và lớn lên trong buổi đầu của nhà Lê, là một hiền tài và danh tướng đáng tin cậy của triều Lê Trung Tông. Sau khi đậu Tiến sĩ (Hoàng giáp), Biện Hoành được trọng dụng, bổ làm quan.

Ông từng giữ chức Thanh hình Hiến sát sứ với nhiệm vụ trọng đại “Lĩnh Quãng Nam Đạo đốc thị”, từng nhiều phen ra trận, bảo vệ biên cương đất nước… Từ đây, ông có thêm tên gọi: Biện tướng công. Vùng Hoa Duệ xưa không biết tự thời nào đã có bài ca: Nhà họ Biện tướng tài/ Dẹp thù trong giặc ngoài/ Thanh hình Hiến sát sứ/ Xứng áo mũ cân đai…

Đền thờ Biện Hoành - nẻo về nguồn cội của dòng họ Biện trong cả nước

Đền thờ Biện Hoành trước đây chỉ là một ngôi miếu nhỏ nằm trên cánh đồng thôn Yên Mỹ.

Trên cương vị của một Thanh hình Hiến sát sứ, Biện Hoành đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, không nề khó khăn, gian khổ, kể cả phải đổi bằng tính mạng bản thân. Mặc dù làm quan trong bối cảnh đất nước rối ren, bạo loạn nhưng Biện Hoành vẫn giữ được bản lĩnh cao cường, phẩm chất thanh sạch, chính trực.

Quan tâm, lo lắng nhiều đến cuộc sống khó khăn, đói kém của người dân, Biện Hoành đã chủ động, tích cực tổ chức và động viên bà con nông dân khai hoang, mở đất, lập nên nhiều làng xóm trù phú, yên bình ở vùng đất Hoa Duệ lúc bấy giờ. Được vua ban cho 500 mẫu ruộng, nhưng ông không giữ cho riêng mình mà “cúng bản xã, vi công điền” và chia hết cho dân nghèo cày cấy, làm ăn.

Đền thờ Biện Hoành - nẻo về nguồn cội của dòng họ Biện trong cả nước

Sau thời gian tu bổ, tôn tạo, đền thờ Biện Hoành được khánh thành vào năm 2013.

Quảng Nam – “vùng đất yết hầu của miền Thuận - Quảng” lúc bấy giờ hết sức phức tạp. “Bọn ngụy Mạc dám nghịch cương thường” (lời trong bia tiến sĩ Chế khoa Giáp dần, 1554), quân phản loạn nổi dậy khắp nơi chống lại Nhà Lê vừa khôi phục… Trong một lần đi thị sát, kiểm tra tình hình, Thanh hình Hiến sát sứ Biện Hoành gặp phải sự chống trả quyết liệt của kẻ thù. Trước tình thế cấp bách, một mất một còn, ông phải mật thư báo về khuyên vợ con tìm cách lánh nạn, còn mình thì kiên cường chiến đấu với kẻ thù đến hơi thở cuối cùng vì sơn hà, xã tắc.

Sau khi ông mất, nhà nước phong kiến thời đó đã truy phong ông là Thượng đẳng Thần (Vị Thần tối cao). Nhân dân nhiều nơi, mà trung tâm là làng Hoa Duệ - Kỳ Hoa lập miếu thờ Quan Nghè Biện Hoành, coi ông là Thành hoàng của làng.

Đền thờ Biện Hoành - nẻo về nguồn cội của dòng họ Biện trong cả nước

Con cháu, người dân địa phương thường xuyên đến thắp hương tại đền thờ vào các dịp lễ tết, giỗ tổ...

Đền thờ Biện Hoành (hay còn gọi là Đền thờ Quan Nghè Biện Hoành) tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng. Đền ngoảnh về hướng Nam, bốn phía tiếp giáp là đất canh tác hoa màu.

Đền thờ Biện Hoành là chứng tích, di tích về một nhân vật lịch sử, một danh thần thời Lê Trung hưng - người con ưu tú của quê hương. Di tích còn giúp hậu thế hiểu hơn về lịch sử của một vùng đất linh thiêng do Biện Hoành là người tiên phong khai phá và có công lớn trong xây dựng, phát triển. Đồng thời, hiểu hơn một giai đoạn lịch sử đầy biến động và chế độ khoa cử tuyển chọn hiền tài của nhà nước phong kiến Việt Nam trong quá khứ.

Ông Biện Văn Bình - Thủ từ đền thờ Biện Hoành cho hay: Đền thờ trước đây chỉ là một cái miếu nhỏ nằm giữa cánh đồng của thôn Mỹ Yên. Qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, con cháu trong dòng họ người góp công, người góp của, đến nay, đền thờ đã trở nên khang trang bề thế, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tìm về nguồn cội của con cháu dòng họ Biện trên khắp cả nước.

Đền thờ Biện Hoành - nẻo về nguồn cội của dòng họ Biện trong cả nước

Đền thờ Biện Hoành được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 2019.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đền thờ Biện Hoành luôn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa của Nhân dân vùng Mỹ - Duệ. Người dân, con cháu dòng tộc đến đây được thắp lên niềm hy vọng, động lực về một tương lai tốt đẹp hơn bằng nỗ lực học hành, phấn đấu, vươn lên, thoát nghèo. Tấm gương Biện Hoành trở thành một biểu tượng văn hóa cao đẹp của truyền thống hiếu học, thành đạt, có sức cổ vũ tinh thần to lớn đối với con em bao đời trong vùng.

Có không ít những người con họ Biện là anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Cũng đã có một số người giữ học hàm, học vị, cấp bậc cao, có những đóng góp quan trọng cho quê hương, đất nước.

Đền thờ Biện Hoành còn là nơi con cháu các chi họ Biện trong nước hội tụ và cùng nhau ôn lại lịch sử của dòng họ, những truyền thống yêu nước, nhân lên niềm tự hào về một dòng họ đã có những đóng góp quan trọng và sự hưng thịnh của quê hương, đất nước trong từng thời kỳ lịch sử.

Đền thờ Biện Hoành - nẻo về nguồn cội của dòng họ Biện trong cả nước

Đền thờ Biện Hoành là nơi trở về, tìm hiểu văn hóa lịch sử của con cháu, người dân địa phương.

Ông Biện Văn Đồng - Thành viên Hội đồng Biện tộc Việt Nam cho biết: Hằng năm, vào các dịp lễ tết, giỗ tổ, con cháu họ Biện tại tề tựu về đền thờ Biện Hoành, cùng nhau thắp nén hương cảm tạ công ơn tiên tổ. Các hoạt động sinh hoạt khuyến học, thiện nguyện, tri ân tiền nhân, sinh hoạt dòng họ… tại đền thờ những năm gần đây được tổ chức thường xuyên, động viên, khích lệ con cháu trong dòng họ tích cực phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương đất nước ngày càng đổi mới, giàu đẹp.

“Đền thờ như một chốn linh thiêng, là nẻo về nguồn cội của con cháu trong dòng họ Biện. Đồng thời, qua những lần trở về ấy, cũng là dịp để chúng tôi nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn đạo lý của gia đình, uống nước nhớ nguồn, không được quên nguồn gốc tổ tiên”, ông Đồng cho biết thêm.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast