Thiên Lộc - đất anh hùng vững bước đi lên

(Baohatinh.vn) - Tháng Tám mùa thu, theo con đường ghi dấu lịch sử của vùng quê cách mạng, chúng tôi về thăm Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), mảnh đất đang bừng lên sức sống thanh tân, rạng rỡ, nằm dưới chân núi Hồng và ngôi chùa Hương Tích cổ kính.

Dấu tích lịch sử, văn hóa

Tựa lưng vào dãy núi Hồng hùng vĩ, Thiên Lộc có diện tích tự nhiên 2.837 ha; phía Bắc giáp xã Cổ Đạm (Nghi Xuân) phía Nam giáp thị trấn Nghèn, Đông giáp xã Thuần Thiện, Tây Nam giáp xã Vượng Lộc, Tây Bắc giáp phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh). Trước năm 1945, vùng đất này gồm các xã: Hữu Can Lộc (Quảng Khuyến), Ngoại Can Lộc (Đoài Trung, Phú Minh), Tân Lập (Võng Nhi) và Thượng Trụ, thuộc tổng Nội Ngoại, huyện Can Lộc. Sau năm 1945 là 2 xã Hồng Nam và Thiên Lộc.

Năm 1949, 2 xã này cùng với xã Hồng Phúc hợp thành xã Thiên Phúc. Năm 1954 lại chia thành 2 xã Thiên Lộc và Phúc Lộc (Hồng Phúc cũ). Thiên Lộc lúc ấy có 18 xóm, nằm trong 2 hợp tác xã Quyết Tiến (9 xóm) và Quyết Thắng (9 xóm). Là vùng đất ven núi, Thiên Lộc có khí hậu mưa thuận gió hòa, đất đai thuận lợi cho sản xuất lúa, hoa màu, rau dưa.

Thiên Lộc - đất anh hùng vững bước đi lên

Chùa Hương Tích được mệnh danh là Hoan Châu đệ nhất danh lam

Điều đặc biệt ở Thiên Lộc là có chùa Hương Tích, “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, dân gian hay gọi là chùa Thơm. Với độ cao 650m so với mực nước biển, ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII là một trong 21 danh lam nổi tiếng của nước Nam xưa.

Chùa Hương Tích thờ Phật Bà Quan Âm bồ tát. Huyền thoại công chúa Diệu Thiện, con của vua Trang Vương nước Sở không tuân phục vua cha ép duyên đã sang đây tu hành, vượt qua nhiều nỗi khổ, đắc đạo, trở thành Phật Bà Quan Thế Âm đã khiến ngôi chùa có sức thu hút mãnh liệt với du khách gần xa. Hàng trăm năm nay, triệu triệu bước chân đã tìm về nơi này thưởng ngoạn cảnh núi non và chiêm bái Phật. Hiện nay, chùa được nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng và xây dựng thêm nhằm phát triển du lịch văn hóa tâm linh.

Cũng chính trên mảnh đất này, một sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra. Cuối tháng 3/1930, để thống nhất về tổ chức và đưa phong trào cách mạng tiến lên, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, tại Bến đò Thượng Trụ, đồng chí Trần Hữu Thiều (Nguyễn Trung Thiên) đã triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh chính thức ra đời để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Nhân dân Hà Tĩnh.

Thiên Lộc - đất anh hùng vững bước đi lên

Bến đò Thượng Trụ, địa chỉ đỏ trên vùng quê Can Lộc.

Thiên Lộc cũng tự hào là quê hương của chí sĩ yêu nước, nhà giáo Võ Liêm Sơn - người thầy của 2 Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thiên Lộc còn là nơi sinh ra 2 người con gái anh hùng của Tiểu đội 4, C552 anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc: Võ Thị Tần và Võ Thị Hợi. Dường như mỗi tấc đất nơi đây đều có thể kể những huyền thoại anh hùng.

Đất anh hùng vững bước đi lên

Thiên Lộc hiện có 7.625 nhân khẩu với 10 thôn. Những ngày này, xã đang dồn sức cho những phần việc để hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đầu tiên của huyện Can Lộc. Bức tranh của miền quê 2 lần anh hùng đã và đang được Đảng bộ và Nhân dân hoàn thiện bằng những sắc màu trù phú.

Thiên Lộc - đất anh hùng vững bước đi lên

Thiên Lộc đang phát huy nội lực để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Con đường về thôn Đoàn Kết - nơi có di tích Bến đò Thượng Trụ hôm nay trở nên rộng rãi hơn bởi sự chung sức, chung lòng của người dân trong phong trào hiến đất, góp tiền để mở đường. Phấn đấu về đích khu dân cư kiểu mẫu vào cuối năm 2021 nên ngay từ đầu năm, toàn thôn đã dồn sức cho các tiêu chí, đặc biệt là giao thông. Ngoài sự đóng góp theo khẩu, các đảng viên trong chi bộ, tổ chức đoàn thể… cũng đã có cách huy động riêng bằng ngày công, tiền của để góp phần mở rộng 5 tuyến đường dài 2,4 km trong thôn theo chuẩn mới.

Ông Phạm Xuân Tứ - Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết cho biết: “Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu trong điều kiện thực tế còn khó khăn nhưng truyền thống của vùng quê cách mạng là động lực thôi thúc chúng tôi không ngừng cố gắng. Tất cả bà con trong thôn đều chung một quyết tâm, một mong muốn, đó là góp sức để mảnh đất trở thành một miền quê đáng sống”.

Từ Bến đò Thượng Trụ xuôi về trung tâm xã là bức tranh NTM với những mảng màu tươi sáng ẩn hiện dưới chân núi Hồng. Nổi bật trong bức tranh sơn thủy hữu tình ấy là chùa Hương Tích với những hạng mục mới hoàn thành. Với mục tiêu đánh thức tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, địa chỉ văn hóa tâm linh này đang được đầu tư nâng cấp.

Từ cuối năm 2020 đến nay, giai đoạn 1 dự án ADB với nguồn đầu tư 130 tỷ đồng được hoàn thành đã “thay áo” cho khu du lịch này. Hạ tầng du lịch được cải thiện cùng sự đổi mới trong công tác quản lý, chất lượng, phong cách phục vụ chuyên nghiệp khiến sức hút của chùa Hương Tích ngày càng lớn.

Thiên Lộc - đất anh hùng vững bước đi lên

Diện mạo làng quê ngày càng thay da đổi thịt.

“Cùng với nỗ lực của huyện trong việc kêu gọi đầu tư, xã Thiên Lộc cũng dự kiến triển khai các tuyến đường hoa chạy từ Khu du lịch chùa Hương Tích đến trung tâm xã. Ngoài ra, việc hoàn thiện và nâng tầm các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu với những điểm nhấn riêng cũng là cách “níu chân” du khách trong hành trình thăm những vùng quê trù phú dưới chân chùa Hương Tích” - Chủ tịch UBND xã Đặng Anh Tuấn chia sẻ.

Phát huy truyền thống của vùng đất 2 lần vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 1999) và Anh hùng Lao động (năm 2009), Thiên Lộc trở thành một trong những địa phương đầu tiên về đích NTM nâng cao của huyện vào năm 2020, phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu năm 2021.

Từ đầu năm đến nay, với nguồn huy động hơn 10 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp gần 7 tỷ đồng, Thiên Lộc đã mở rộng 13 tuyến đường giao thông nông thôn dài 4,3 km rộng từ 5-6m; rải thảm nhựa 1,2 km; trồng và chăm sóc 17 km hàng rào xanh, xây dựng thêm 33 vườn mẫu, 340 nhà được gắn biển nhà sạch, vườn đẹp...

NTM kiểu mẫu trong suy nghĩ của người dân nơi đây còn là sự khởi sắc về chất lượng cuộc sống, thể hiện qua tiêu chí thu nhập. Đó là những mô hình trang trại, gia trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, là hơn 120 ha hành tăm trải dài trên những cánh đồng ven chân núi, trở thành loại cây xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân với mức thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha. Để nâng tầm sản phẩm, hướng đến sản xuất hàng hóa, Thiên Lộc đang trong hành trình xây dựng thương hiệu, đưa hành tăm trở thành sản phẩm OCOP.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast