Djokovic sẽ không bao giờ được yêu mến như Federer, Nadal

Số phận đã lựa chọn Novak Djokovic trở thành kẻ bị căm ghét, và những quyết định của bản thân Nole chỉ khiến mọi thứ đi xa hơn.

Khi Rafael Nadal và Roger Federer bước vào buổi hoàng hôn sự nghiệp, Nole vẫn tràn đầy khí thế đứng trên đỉnh thế giới. Một ngày nào đó không xa, tay vợt người Serbia có thể vượt mặt Nadal và Federer về số danh hiệu Grand Slam trong sự nghiệp.

Thể thao đỉnh cao là câu chuyện về thành tích và với quần vợt, số danh hiệu Grand Slam của vận động viên là thước đo cụ thể nhất. Nếu Djokovic cán mốc 21 danh hiệu Grand Slam, nhiều người có thể coi anh là tay vợt vĩ đại nhất lịch sử.

Tuy nhiên, ngày Nole bước lên bục vinh quang đó, phía dưới sẽ có không ít kẻ la ó ngôi sao người Serbia. Những sự cố diễn ra tại Australia trong đầu năm 2022 tái khẳng định điều này.

Cái tôi và sự cao ngạo trong tính cách chỉ khiến Djokovic tiến gần thêm một bước đến vị thế kẻ phản diện nhất trong lịch sử quần vợt thế giới.

Djokovic đứng trước nguy cơ không thể dự Australia Open 2022. Ảnh: Reuters.

Nole chỉ có thể tự trách mình

Việc Djokovic gặp rắc rối trong việc nhập cảnh vào Australia xuất phát từ lựa chọn của cá nhân anh. Rafael Nadal nói nếu Djokovic không muốn tiêm vaccine, tay vợt người Serbia biết trước mình sẽ gặp một số rắc rối.

HLV Toni Nadal, chú của Rafael Nadal, nói trực diện hơn: “Tôi nghĩ bản ngã quá lớn của Novak (Djokovic - PV) làm hại cậu ấy. Từ cách hành xử trên sân cho đến cái tôi cao ngạo”.

Sau trận chung kết Wimbledon 2019, nơi Djokovic đánh bại Federer đầy kịch tính, Nole nói câu nổi tiếng: “Khi đám đông trên khán đài hô Roger, trong đầu tôi chỉ nghe mỗi từ Novak. Tôi tự ám thị bản thân mình như thế”.

Hai năm sau, cũng tại sân trung tâm ở Wimbledon, tay vợt 34 tuổi nói 90% các trận đấu trong sự nghiệp, anh phải đối đầu với những đám đông trên khán đài.

Trong cuốn sách Advantage India: The Story of Indian Tennis , tác giả Anindya Dutta nói với đẳng cấp của Nole, tác động từ những khán đài có thể không ảnh hưởng nhiều đến màn trình diễn của anh.

Tuy nhiên, việc Djokovic châm chọc những khán giả chống lại anh ta vẫn phản ánh phần nào sự bất an của tay vợt người Serbia. Anh không cần thiết phải thường xuyên gây hấn như vậy.

Tuy nhiên, Nole cuối cùng vẫn làm, và đôi khi anh tận hưởng cảm giác thích thú việc châm chọc ngược lại những kẻ căm ghét mình. Không chỉ Djokovic, mà những người hâm mộ tay vợt người Serbia cũng có cảm giác mình đang “chống lại cả thế giới”.

Ở điểm này, Djokovic giống huấn luyện viên Jose Mourinho của bóng đá, người cũng từng tạo ra bầu không khí thù địch với các trọng tài hay đối thủ, để biến những cầu thủ của mình thành các chiến binh.

Chiến thuật nào cũng có 2 mặt. Những sự căm ghét có thể là động lực đưa Djokovic vững vàng ở vị trí số một thế giới và cán mốc 20 danh hiệu Grand Slam trong sự nghiệp. Nhưng về lâu dài, liệu tay vợt sinh năm 1987 có cảm thấy mệt mỏi vì lúc nào cũng gồng lên trước những lời chỉ trích?

Tất nhiên, thái độ thi đấu và cái tôi trên sân không phải nguyên nhân duy nhất khiến Nole bị căm ghét. Những tay vợt như John McEnroe, Jimmy Connors, Lleyton Hewitt hay thậm chí Federer - thuở mới bắt đầu sự nghiệp - từng ngổ ngáo trên sân bóng. Nhưng đến cuối cùng, tất cả họ vẫn được yêu mến.

Có thể có một cách lý giải đơn giản hơn cho việc Djokovic bị căm ghét. Số phận đã chọn anh trở thành kẻ phản diện nhất lịch sử quần vợt, khi chấm dứt thời hoàng kim của Federer lẫn Nadal, 2 vận động viên được yêu mến bậc nhất.

Djokovic là người được chọn để phá vỡ sự thống trị của Federer và Nadal. Ảnh: Metro.

Số phận chọn kẻ phản diện Djokovic

Bản thân Nole từng ngầm thừa nhận điều này. “Sự thật là phần lớn người hâm mộ tennis ủng hộ Federer và Nadal khi họ đối đầu tôi, nhưng đó là bởi vì những gì cả hai tay vợt kể trên làm được cho môn thể thao này”.

Ông Srdjan Djokovic, cha ruột của Nole, từng nói: “Điều khó khăn nhất với Novak là việc cả thế giới biết nó là tay vợt vĩ đại nhất, nhưng họ không công nhận điều đó. Thượng đế ban tặng tài năng cho Novak”.

Có thể Djokovic và cha anh nói đúng. Người ta không chỉ ghét Nole vì bản ngã quá lớn của tay vợt người Serbia, họ còn ghét anh vì phá vỡ và thay thế lịch sử của những cuộc đối đầu Federer - Nadal.

Thập niên đầu thế kỷ 21, Federer và Nadal tạo ra cặp kỳ phùng địch thủ khiến cả thế giới quần vợt say mê. Federer lịch lãm và tinh tế, trong khi Nadal cuồng nhiệt và đầy sức mạnh.

Những cuộc đối đầu trong mơ giữa 2 tay vợt kể trên dần kết thúc khi Djokovic nổi lên và chiếm vị trí số một vào năm 2011. Nole bỗng dưng trở thành kẻ chen ngang và phá vỡ giấc mộng của người hâm mộ yêu mến Federer lẫn Nadal.

Ở điểm này, Nole có thể rơi vào trường hợp giống những nhân vật đồng hương với anh trong các bộ phim hành động do phương Tây sản xuất. Sau cuộc chiến Balkans, nhiều nhân vật từ Serbia thường trở thành kẻ phản diện trong các bộ phim hành động do Hollywood hay phương Tây sản xuất.

Đến bao giờ thì làn gió của người hâm mộ với Djokovic mới đảo chiều? Ngày Nole cán mốc 21 Grand Slam, anh có thể sẽ nhận thêm nhiều sự yêu mến, cũng có thể không.

Huyền thoại quần vợt người Đức Boris Becker từng nói công chúng và truyền thông phải quen với việc có 3 tay vợt, chứ không phải 2, là những người vĩ đại. “Thật không công bằng khi coi Djokovic là kẻ xấu, còn Federer và Nadal là những người tốt”, Becker nói.

Tuy nhiên, bản thân Becker cũng không thể bảo vệ nổi Nole sau sự cố xảy ra ở Australia. “Tôi muốn bảo vệ Novak một chút, nhưng nhiều người Australia rõ ràng không gặp gia đình của họ trong cả năm trời (vì quy định chống dịch - PV)”, tay vợt từng 9 lần vô địch Grand Slam đơn nam nói. “Quy định vẫn là quy định”.

Khi Djokovic ngồi cô đơn ở căn phòng cách ly, không hành lý, không hỗ trợ từ người thân, anh đã nghĩ gì? “Thượng đế thấy tất cả”, Novak phát đi thông điệp đầu tiên sau sự cố trên.

Số phận đã lựa chọn Nole trở thành kẻ bị căm ghét, và những quyết định của bản thân anh chỉ khiến mọi thứ đi xa hơn. Lịch sử quần vợt thế giới chưa từng chứng kiến tay vợt nào có tài năng xuất chúng, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi lớn như Novak Djokovic.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói