Ðộng thái quân sự “chưa từng có” của Nga tại Bắc Cực

Phát ngôn viên Ðiện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Tổng thống Nga Vladimir Putin xem sự hiện diện của quân đội nước này ở Bắc Cực là yếu tố “hoàn toàn cần thiết”.

Nga phóng một tên lửa hành trình chống hạm mới tại Bắc Cực. Ảnh: TRT World

“Bắc Cực là khu vực rất quan trọng đối với Liên bang Nga, bao gồm cả biên giới lẫn đặc khu kinh tế của chúng tôi. Tiềm năng kinh tế tăng lên qua từng năm”, ông Peskov nói hôm 6-4. Phát biểu trên được cho là phản ứng đối với những hình ảnh vệ tinh gần đây trên Kênh CNN của Mỹ cho thấy Nga đang tăng cường mạnh mẽ các căn cứ quân sự và khí tài trên bờ biển Bắc Cực, cùng với các cơ sở dưới lòng đất dùng để trữ vũ khí công nghệ cao mới và đặc biệt là tàu phóng ngư lôi Poseidon 2M39.

Tàu ngầm tàng hình không người lái này vận hành bằng lò phản ứng hạt nhân và được các nhà thiết kế Nga tạo ra nhằm xâm nhập hệ thống phòng thủ bờ biển, giống như các hệ thống của Mỹ ở đáy đại dương. Poseidon 2M39 có thể phóng đầu đạn của ngư lôi với sức công phá tương đương hàng triệu tấn thuốc nổ, đồng thời tạo ra những cơn sóng phóng xạ, xóa sổ các mục tiêu dọc bờ biển trên một khu vực rộng lớn. Vì lý do này mà các chuyên gia vũ khí nhận định cuộc thử nghiệm Poseidon 2M39 là rất đáng lo ngại. Nga có thể thử nghiệm được “siêu vũ khí” này ở Bắc Cực là nhờ băng tan do tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các thiết bị quân sự phần cứng của Nga ở khu vực phía Bắc còn có máy bay ném bom, chiến đấu cơ MiG31BM và các hệ thống radar mới gần với bờ biển bang Alaska của Mỹ.

Trước thông tin trên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nhấn mạnh: “Không ai muốn chứng kiến Bắc Cực trở thành một khu vực bị quân sự hóa. Chúng tôi cam kết bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở Bắc Cực bằng cách duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực, nhất là thông qua mạng lưới các đồng minh và đối tác tại Bắc Cực”. Khi băng ở Bắc Cực tan, những phương án mới cho việc đi qua Bắc Cực cũng mở ra, đồng thời loại bỏ những rào cản tự nhiên mà Nga từng dựa vào để bảo vệ lợi ích của họ tại đây. Do vậy, Mát-xcơ-va đang tăng cường an ninh thông qua việc nâng cấp các sân bay thời Liên Xô cũ, mở rộng mạng lưới hệ thống tên lửa phòng không bờ biển và trên không… Theo ông Kirby, Mỹ cũng đang giám sát rất chặt chẽ các hoạt động quân sự của Nga tại Bắc Cực. Ðáp lại, ông Peskov nhắc nhở rằng chính Mỹ “chưa bao giờ từ bỏ sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực”.

Ba tàu ngầm hạt nhân Nga tập trận ở Bắc Cực

Gần đây, 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga đã phô diễn sức mạnh khi cùng phá lớp băng dày 1,5m và trồi lên.

“Lần đầu trong lịch sử Hải quân Nga, 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đã đồng thời phá băng nổi lên trong cuộc diễn tập ở Bắc Cực. Ðịa điểm và thời gian nổi được thống nhất từ trước, các tàu đều xuất hiện trong khu vực có bán kính 300m”, Tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Evmenov thông báo hôm 27-3.

Theo Ðô đốc Evmenov, “đây là lần đầu Nga tiến hành huấn luyện chiến đấu, nghiên cứu khoa học và đo đạc thời tiết phức tạp trong cùng một hoạt động ở vùng địa cực”. Giới chức xứ bạch dương không công bố những tàu ngầm tham gia đợt diễn tập này, nhưng video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy ít nhất 2 tàu ngầm Ðề án 667BDRM và một tàu ngầm Ðề án 955 Borei. Mỗi tàu có thể mang 16 tên lửa đạn đạo tầm xa R-29RMU Sineva hoặc RSM-56 Bulava, với mỗi tên lửa có thể lắp tối đa 160 đầu đạn hạt nhân các loại.

Sự hiện diện của tàu ngầm thường được giữ bí mật, đặc biệt là với các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đóng vai trò vũ khí răn đe chiến lược. Chúng thường chỉ di chuyển trên mặt nước khi trở về cảng, khiến sự xuất hiện ở những khu vực tác chiến vừa qua được coi là thông điệp Nga gửi đến các đối thủ.

Nga triển khai hệ thống vũ khí được cho là “trùng khớp” với các hoạt động điều động binh sĩ cùng thiết bị quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Mỹ. Chẳng hạn như oanh tạc cơ B-1 Lancer của Washington đóng tại căn cứ không quân Orland (Na Uy) gần đây đã hoàn thành các nhiệm vụ ở phía Đông biển Barents. Hồi tháng 8 năm ngoái, Hải quân Mỹ cũng đã công bố hình ảnh tàu ngầm do thám tối mật USS Seawolf tại Bắc Cực.

Theo HẠNH NGUYÊN/Báo Cần Thơ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói