Đúng 10 năm trước (tháng 11/2007), tạp chí Forbes cho đăng trên trang bìa hình ảnh CEO Nokia Olli-Pekka Kallasvuo cầm một chiếc Nokia series 6xxx nắp gập. Dòng tít trên trang bìa ghi: “Nokia, một tỷ khách hàng - còn ai bắt kịp nhà vua?”.
Ảnh bìa của tạp chí Forbes số 12/11/2007. |
Tấm ảnh bìa này cực kỳ thú vị bởi thời điểm đó, Nokia đích thực là ông vua của thị trường di động. Cũng vì sự thống trị gần như tuyệt đối của họ, không ai nghĩ đến kịch bản ngành công nghiệp này sẽ có một ngày đảo chiều.
Năm 2007, Nokia tung ra tổng cộng 37 thiết bị với những cái tên đình đám như N93i, E61i, 5700 Express Music. Họ chiếm đến 40% thị phần di động với doanh thu 51 tỷ euro, lợi nhuận đạt 7,2 tỷ euro.
Tuy nhiên, sự thú vị nằm ở chỗ 4 tháng trước, iPhone của Apple chính thức ra mắt và sau 10 năm, iPhone trở thành smartphone phổ biến nhất thế giới trong khi Nokia người ta biết đến trước đây đã rời bỏ thị trường di động. Họ bán mảng sản xuất thiết bị di động cho Microsoft và mới đây là HMD Global.
Tấm ảnh bìa của Forbes được nhiều nhân vật nổi tiếng của làng công nghệ chia sẻ lại trên Twitter, gợi nhiều kỷ niệm về ông hoàng Nokia một thời, đồng thời cảnh báo đến kẻ thống trị hiện nay là Apple.
Bài học Nokia?
Năm 2016, Apple kỷ niệm chiếc iPhone thứ 1 tỷ bán ra và không khác gì so với Nokia 10 năm trước, họ được xem là ông vua của thị trường di động. Tháng 11/2017, giá trị vốn hóa của họ đạt trên 900 tỷ USD. Họ bán được 41 triệu chiếc iPhone, doanh thu 45,4 tỷ USD trong quý gần nhất. Riêng mảng thiết bị đeo của họ cũng đạt doanh thu cỡ gần 7 tỷ USD/năm, tương đương với một công ty trong top Fortune 400.
Mặc dù vậy, lịch sử dạy cho họ bài học rằng không ai có thể an toàn trong một thị trường mở và thay đổi liên tục như di động. Chỉ có những công ty với những giải pháp tốt nhất mới có thể tồn tại, chưa nói đến chuyện duy trì vị thế số một. Để sốt sót, họ phải liên tục chuyển mình.
Thị phần, doanh thu của Nokia đều đạt đỉnh vào năm 2007. Đồ họa: DI. |
Từ lâu, người ta đã dùng thuật ngữ “sát thủ iPhone” để chỉ những di động có khả năng cạnh tranh với smartphone này. Tuy nhiên, chỉ đến 2 năm gần đây, thuật ngữ này mới thực sự khiến người ta lưu tâm. Cùng với đó, họ cũng nói nhiều hơn đến “cái chết của iPhone” và sự thay thế là những thiết bị thực tế ảo như kính thông minh.
Tháng 7 năm nay, Bussiness Insider cho đăng một bài viết với tiêu đề “Apple đã chuẩn bị cho cái chết của iPhone”. Đầu tháng 11, BGR tung một bài viết khác với nội dung “Truyền thuyết về sát thủ iPhone cuối cùng cũng tồn tại”.
Từ thời 2015, đã có người dự đoán thời điểm iPhone bị “đào huyệt” sẽ là năm 2021, nơi một thiết bị mới xuất hiện và biến công nghệ trên những chiếc iPhone trở nên lỗi thời, giống như cách iPhone khai tử những chiếc di động phổ thông thương hiệu Nokia.
Đến nay, thông qua hàng loạt tin đồn, người ta cho rằng Apple chuẩn bị một cặp kính thông minh AR vào năm 2019 và ra mắt vào 2020. Có thể, còn một khoảng thời gian dài cho đến thời điểm đó nhưng thực tế là thời gian trôi vô cùng nhanh và nếu bạn muốn chuẩn bị cho một tương lai không smartphone, đây đã là thời điểm hợp lý.
Cái chết của iPhone
Nếu bạn không tin sẽ có một thiết bị có thể thay thế iPhone, hãy nhìn vào những gì xảy ra với Nokia. Và nếu bạn tin rằng iPhone khó bị sụp đổ, ngay cả khi giá bán của nó vừa được tăng gấp đôi, hãy nhìn vào iPod.
Giá trị vốn hóa của Apple vượt mức 900 tỷ USD năm 2017. Họ là công ty duy nhất tiệm cận mức giá trị 1.000 tỷ USD. Đồ họa: MicroTrend. |
Nhà phân tích Gene Munster của Piper Jaffray là một trong số ít người tại thung lũng Silicon thấy trước được tương lai này: “Nhiều công ty tỏ ra chậm chạp trong việc đầu tư vào thị trường mới bởi họ nhìn thấy lượng khách hàng nhỏ, doanh thu ban đầu thấp, lợi nhuận không cao, ảnh hưởng đến nền tảng của mình. Chúng tôi tin rằng Steve Jobs đảm bảo sự sáng tạo cho Apple là vì ông ta không ngần ngại loại bỏ thị trường cũ và dịch chuyển cho dù người dùng thích nó hay không.
Mặc dù Apple chưa ra mắt một sản phẩm có thể thay thế iPhone, chúng tôi tin rằng công ty này nhận ra smartphone không thể tồn tại mãi mãi. Chúng tôi tin rằng Apple sẽ khai thác lĩnh vực thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường, thứ được xem là tương lai của ngành điện toán”.
Roma đã từng là đế chế hùng mạnh nhất thế giới. Anh từng là đế quốc mặt trời không bao giờ lặn nhưng giờ đang chật vật rời khỏi liên minh châu Âu. Thậm chí nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng đã đánh mất vị thế của mình và phải tìm kiếm sự “vĩ đại trở lại” dưới thời Tổng thống Trump.
Các công ty và sản phẩm cũng vậy. Apple biết rằng nếu thất bại trong việc tạo ra sản phẩm sáng tạo tiếp theo iPhone, một công ty khác sẽ lên ngôi. Trong bất cứ trường hợp nào, thời kỳ cuối của iPhone đã đến, sớm hơn hầu hết người dùng nghĩ.
Giá trị khổng lồ hiện tại không đảm bảo cho vị trí số một trong tương lai nếu Apple ngừng tìm kiếm những lĩnh vực mới. Ảnh: CNN. |
Quá khó để trả lời sản phẩm nào sẽ vĩ đại hơn, tốt hơn và sinh lợi nhiều hơn iPhone. Cũng không lấy gì làm chắc chắn rằng Apple hay một ông lớn nào đó như Google, Amazon sẽ thành công trong cuộc chơi tiếp theo này.
Sự sụp đổ của những Nokia, BlackBerry hay Yahoo cho thấy sự khốc liệt nhưng cũng đầy thú vị của thị trường công nghệ. Nó tạo động lực cho những Apple, Google, Facebook, Microsoft liên tục sáng tạo để mang đến những sản phẩm tốt nhất cho người dùng. Đó cũng là nguyên nhân khiến thị trường công nghệ bao giờ cũng sôi động và đầy tính cạnh tranh.