Hà Tĩnh không để giá vật liệu xây dựng "nhảy múa"!

(Baohatinh.vn) - Một ngày sau bão, nhiều ki-ốt kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh tăng giá bán khiến người dân hết sức bất bình. Với sự chỉ đạo của tỉnh, chính quyền, các ngành chức năng Hà Tĩnh đã vào cuộc kịp thời bằng những giải pháp quyết liệt nên giá các mặt hàng thiết yếu này đã được kiểm soát chặt chẽ.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra công tác niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết tại thị xã Kỳ Anh.

Từ hôm bão đến nay, ông Hoàng Minh Trọng (thôn Tân Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh) mới có được giấc ngủ yên khi mái nhà bị tốc ngói đã được sửa chữa. Ông cho biết: “Ngay sau bão, chúng tôi một phần lo đi giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn trong xã, phần do VLXD tăng giá nên việc sửa nhà tạm thời lùi lại. Tìm hiểu thị trường mấy ngày gần đây, giá vật liệu đã có biến động, đặc biệt là các mặt hàng như ngói cừa, ngói úp, fibro xi măng đã giảm từng ngày và đến nay đã ngang với mức giá bán so với thị trường trước những ngày mưa bão. Tôi vừa mua 20 tấm fibro xi măng loại khổ 1,5m giá ở mức 45 ngàn đồng/tấm”.

Thiệt hại do bão để lại đã khiến cuộc sống của người dân thêm phần khó khăn, nhưng sự vào cuộc kịp thời của các lực lượng chức năng góp phần bình ổn giá, tạo động lực giúp bà con vượt qua cơn bĩ cực. Anh Nguyễn Văn Cảnh (xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) cho biết: “Mấy ngày gần đây, giá các loại ngói dần bình ổn nên chúng tôi yên tâm rất nhiều. Sự quan tâm, vào cuộc kịp thời của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc chấn chỉnh, kiểm soát thị trường đã góp phần giúp chúng tôi bớt nỗi lo để khắc phục thiệt hại sau bão”.

Niêm yết giá công khai và đường dây nóng tại các quầy bán vật liệu xây dựng

Toàn bộ 17 ki-ốt kinh doanh vật liệu lớn nhỏ trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã sớm được bình ổn giá. Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Bùi Quang Hoàn cho biết: “Vấn đề bình ổn giá đã được chúng tôi quan tâm và nhắc nhở tại các cuộc họp ban chỉ huy phòng chống bão lụt ngay sau khi bão tan. Việc làm này càng quyết liệt hơn sau khi có chỉ đạo của tỉnh. Trên tinh thần ấy, huyện đã phối hợp với ngành công thương kêu gọi doanh nghiệp cung ứng đầy đủ số lượng hàng. Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường, công an, kinh tế hạ tầng, UBND các xã trực tiếp đến từng ki-ốt nhắc nhở, kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nên giá cả sớm bình ổn”.

Bản cam kết công khai, minh bạch giá; không găm hàng, tăng giá bất hợp lý tại một cửa hàng ở phường Sông Trí, TX Kỳ Anh

Tại địa bàn TX Kỳ Anh, nơi có hơn 20 ki-ốt, điểm bán VLXD lớn nhỏ, những ngày này thường xuyên xuất hiện lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát, nhắc nhở. Anh Nguyễn Huy Chiến - Đội phó Đội Quản lý thị trường số 7 phụ trách TX Kỳ Anh, cho biết: “Những ngày gần đây, chúng tôi đã tổ chức cho các hộ tư thương kinh doanh VLXD ký cam kết không nâng giá; huy động 100% lực lượng đến các điểm kinh doanh VLXD để kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá bán; đồng thời, cung cấp đường dây nóng và trực 24/24h để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân”.

Được biết, cùng với 2 đội cắm chốt 24/24h tại Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tăng cường thêm 10 người để tuyên truyền, nhắc nhở, giám sát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Trần Hữu Hạnh cũng đã trực tiếp vào Kỳ Anh từ ngày 17/9 đến nay để cùng giám sát, chỉ đạo. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, công tác bình ổn giá đã được thực hiện nghiêm túc.

Người dân hài lòng với giá cả vật liệu sau bão

Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ hộ kinh doanh VLXD tại tổ dân phố Hưng Bình (phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh), cho biết: “Gia đình tôi luôn ý thức được trách nhiệm của người kinh doanh trong lúc người dân hoạn nạn. Hơn nữa, ngay khi bão qua, lực lượng QLTT đã đến tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết về việc bình ổn giá nên chúng tôi thực hiện bán theo đúng giá niêm yết. Bảng niêm yết, bản cam kết bán đúng giá, không găm hàng, tăng giá và số điện thoại đường dây nóng đều được treo công khai tại cửa hàng nên không thể xảy ra chuyện tăng giá được”.

Anh Nguyễn Văn Thịnh (phường Sông Trí) nói: “Bão qua 3-4 ngày, tôi mới có thời gian đi mua ngói, tôn về sửa lại nhà. Tôi đi qua mấy điểm bán vật liệu thì thấy giá giống nhau. Hầu như giá giữ nguyên hoặc chỉ tăng 3-5% so với trước. Việc tăng nhẹ này là chấp nhận được, vì thời gian này, giá nhân công bốc dỡ tăng cao; một số vật liệu như tôn, giá đầu vào tăng do cơ sở cán tôn phải dùng máy phát điện nên phát sinh chi phí. Tôi hài lòng về sự quản lý giá cả của các cơ quan chức năng sau bão”.

Kịp thời bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân sau bão là một trong những việc làm cấp thiết. Sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của chính quyền và các ngành chức năng là động thái tích cực để người dân có thêm động lực gượng dậy sau bão.

Chủ đề Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói