Hậu SEA Games 30: Chuyện những bà mẹ khoác áo tuyển thủ

Thường phụ nữ khi lập gia đình và có con, hầu hết đều lui vào hậu trường để chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, trong Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games lần này có không ít bà mẹ khoác áo tuyển thủ, và mỗi giọt mồ hôi họ đổ trên thao trường luôn là những câu chuyện của cảm xúc.

Hậu SEA Games 30: Chuyện những bà mẹ khoác áo tuyển thủ

Nước mắt của bà mẹ bỉm sữa

Tại SEA Games 30 , các đồng đội ở tuyển điền kinh và phóng viên Việt Nam thường trêu nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Huyền là “bà mẹ bỉm sữa”, bởi cô con gái đầu lòng của Huyền chỉ vừa hơn 1 tuổi.

Nhớ hôm thi đấu nội dung chạy 400m nữ, sau khi tung cú nước rút về đích đầu tiên, nhà vô địch Nguyễn Thị Huyền đã không kiềm được phấn khích, vì bản thân cô cũng không dám nghĩ mình có tiếp tục bảo vệ được ngôi vô địch SEA Games khi trở lại tập luyện cách đấy chưa lâu. Thậm chí, cô góp mặt ở đại hội lần này bằng chiếc vé vớt, sau khi vô địch nội dung chạy 400m và 400m rào tại giải điền kinh VĐQG 2019 diễn ra hồi tháng 9 vừa qua.

Sau nụ cười chiến thắng, bà mẹ trẻ Nguyễn Thị Huyền đã ứa nước mắt lúc chia sẻ: “Tôi quay lại tập luyện khi con vừa tròn 3 tháng tuổi, do sinh mổ nên bản thân đã gặp không ít khó khăn khi tập luyện thể thao đỉnh cao. Lúc con bé nhà tôi được 6 tháng tuổi, tôi quyết định cai sữa cho con vì sợ con nhớ hơi mẹ, bởi phải tập luyện và thi đấu xa nhà thường xuyên. Bao nhiêu sự cố gắng và nỗ lực, thậm chí là hy sinh, nhưng cũng vì định kiến rằng nữ tuyển thủ khi lập gia đình coi như kết thúc sự nghiệp, nên tôi đã gặp phải những rào cản và áp lực rất lớn từ những người trong nghề. Nói thật, ngay trước thềm SEA Games, tôi còn chưa biết sẽ được đăng ký thi đấu ở cự ly cá nhân hay tiếp sức…”.

Hậu SEA Games 30: Chuyện những bà mẹ khoác áo tuyển thủ

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền

Sau đó, Nguyễn Thị Huyền tiếp tục giành chiếc HCV thứ hai ở nội dung 400m rào, trở thành nhà vô địch SEA Games 3 lần liên tiếp ở hai cự ly 400m và 400m rào nữ. Trên bục nhận huy chương, lúc quốc ca và quốc kỳ Việt Nam được kéo lên, người ta nhìn thấy gương mặt bà mẹ trẻ này giàn giụa nước mắt.

Huyền chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi không kiềm được cảm xúc khi hát quốc ca, nhất là lúc nghĩ đến quãng thời gian đã qua khó khăn đã qua. Hai chiếc HCV này là bao mồ hôi, nước mắt nên tôi muốn dành tặng cho con gái của mình. Cháu đã thiệt thòi quá nhiều rồi!”.

Nỗi niềm của “nữ hoàng đi bộ”

Giới mộ điệu chẳng xa lạ với cái tên Nguyễn Thị Thanh Phúc, cô vốn được mệnh danh là “nữ hoàng đi bộ” , từng vô địch SEA Games nhiều lần. Bẵng đi một thời gian, Phúc vắng bóng trên đường pitch do tập trung cho thiên chức làm mẹ. Đầu năm 2019, cô quay lại tập luyện khi con gái được hơn 2 tuổi. Chính thức tái xuất ở giải điền kinh VĐQG 2019, Thanh Phúc vẫn khiến tất cả bất ngờ khi vẫn không có đối thủ. Thậm chí, thành tích của cô thừa khả năng giành HCV SEA Games, nên Phúc chính là lựa chọn số 1 của đội tuyển điền kinh Việt Nam ở nội dung đi bộ nữ.

Nghiệt ngã thay, trước thềm đại hội cô bị ngã gãy xương mắt cá chân đành nghỉ hơn 1 tháng, khả năng phải chia tay SEA Games. Tuy nhiên, bà mẹ một con này vẫn cắn răng tập luyện để có thể tiếp tục góp mặt ở đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Các HLV và bạn bè đều khuyên cô đừng thi đấu, nhưng Thanh Phúc bày tỏ: “Em đã nỗ lực tập luyện bao lâu nay để chờ đến ngày này mà bỏ không thi đấu thì tiếc lắm. Vả lại đối thủ ở khu vực yếu lắm và chỉ đi có 10 cây số nên em nghĩ mình sẽ ổn, mọi người đừng quá lo!”.

Hậu SEA Games 30: Chuyện những bà mẹ khoác áo tuyển thủ

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Thanh Phúc

Thực tế, Thanh Phúc đã thi đấu rất tốt và “dìu” cô em Phạm Thị Thu Trang hơn nửa chặng đường đua và bỏ xa các đối thủ của Thái Lan, Malaysia, Myanmar. Tuy nhiên, do chân đau dẫn đến kỹ thuật đã không chuẩn, nên khi chỉ còn hơn 1 km cuối Phúc bị trọng tài bắt phạm quy phải dừng thi đấu 2 phút. Đứng tại chỗ và nhìn các đối thủ mình bỏ xa trước đó lần lượt vượt qua mặt để về đích, nước mắt của Phúc cứ rơi thành dòng trên gương mặt vốn đã đẫm mồ hôi. Sau đó, dẫu rất nỗ lực nhưng Phúc vẫn chỉ có thể về đích thứ 4, đành cay đắng nhìn khát khao giành chiếc HCV để con gái và gia đình có cái Tết đầm ấm hơn tan thành mây khói…

Sau SEA Games 30, những bà mẹ tuyển thủ này vẫn đang nỗ lực cho mục tiêu xa hơn của bản thân và điền kinh Việt Nam, trước mắt là giành vé để có mặt ở Olympic 2020.

Như Ý nhưng đời không như tên Nguyễn Thị Như Ý có lẽ là nữ tuyển thủ lớn tuổi nhất đoàn thể thao Việt Nam lần này. Nữ võ sĩ sinh năm 1981 này đã 39 tuổi, nhưng vẫn miệt mài trên sàn tập judo và giành HCB hạng cân trên 78kg ở SEA Games vừa qua, khiến nhiều người phải nể phục xen lẫn xót thương.

Góp mặt lần đầu tiên tại SEA Games 2005 tại Philippines, võ sĩ Như Ý khi ấy đã giành HCV hạng cân 63kg. Thế nhưng số phận như trêu ngươi, khiến nhà vô địch ngày nào thêm một lần nữa quay lại đất nước này sau 14 năm và vẫn trong màu áo VĐV, dẫu nhiều đàn em của cô giờ đã chuyển sang công tác huấn luyện.

Hậu SEA Games 30: Chuyện những bà mẹ khoác áo tuyển thủ

Gia cảnh khó khăn, nên bà mẹ giờ đã không còn trẻ này đành phải bám lấy judo để mưu sinh và lo cho gia đình. Như Ý đã tham dự 7 kỳ SEA Games 2005, 2007, 2009, 2013, 2015, 2017, 2019 giành được 4 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.

Theo bongdaplus

Đọc thêm

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Mùa giải đáng quên của bóng chuyền Hà Tĩnh

Kết thúc giải vô địch quốc gia năm 2024, dù rất nỗ lực nhưng việc gặp quá nhiều khó khăn đã khiến bóng chuyền Hà Tĩnh xếp ở vị trí thứ 8, qua đó xuống giải hạng A.
Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm “bùng nổ” của điền kinh Hà Tĩnh

Năm 2024, điền kinh Hà Tĩnh gặt hái được nhiều huy chương tại các giải đấu. Ngoài sự tỏa sáng của những trụ cột còn có nhiều vận động viên trẻ, hứa hẹn là lứa kế cận đầy triển vọng.
Huyền thoại Nadal

Huyền thoại Nadal

Ai có thể quên hình ảnh một chàng trai trẻ, với mái tóc xù và chiếc áo không tay, tung hoành trên các sân đất nện, khuấy đảo làng quần vợt thế giới? Đó là Rafael Nadal.