Dàn xe của Công ty CP Vận tải Thành Đạt phải “treo bánh” gần nửa tháng nay vì dịch Covid- 19
Sau Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 01/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN nhằm thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid- 19. Trọng tâm là thực hiện gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng.
Theo đó, hàng loạt ngân hàng đã công bố các chính sách tín dụng ưu đãi như: Giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm cho dư nợ hiện hành và cho vay mới; áp dụng lãi vay mức thấp nhất còn 4,5%/năm.
Cùng với đó, cho rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại để cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp...
Xe khách xếp hàng dài trên đường Hàm Nghi (TP Hà Tĩnh)...
Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Tĩnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thành Đạt cho biết: “Hiện nay, các loại hình vận tải xe khách, hợp đồng du lịch, taxi... đều phải tạm dừng hoạt động. Doanh thu vốn đã trì trệ từ nhiều tháng trước, nay lại càng khó khăn hơn.
Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải đảm bảo trả lương cho công nhân, thanh toán tiền lãi và gốc cho ngân hàng vì chưa được xem xét hưởng gói tín dụng ưu đãi. Phản ánh từ các DN thì số tiếp cận được gói tín dụng này khá hạn chế, quá trình xét duyệt hồ sơ của ngân hàng vẫn chưa thể rút gọn trong bối cảnh dịch bệnh và khó khăn của DN thì đã “chạm đỉnh”.
...đến nằm tại bến, chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ
Đối với những DN mới khởi nghiệp như Nhà máy sản xuất bánh kẹo Tân Tiến Phát, Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên thì chẳng khác nào đang đứng giữa cơn “cuồng phong” khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa biết thời gian chấm dứt. Toàn bộ dây chuyền sản xuất dừng hoạt động, công nhân tạm nghỉ việc, tiền hàng tồn kho lên đến 15 tỷ đồng.
Hiện tại, nhà máy đã được ngân hàng đồng ý hỗ trợ giảm lãi vay hiện hữu, kéo dài thời gian trả nợ. Tuy nhiên, để duy trì “sự sống”, tới đây DN cần nguồn vốn để chuẩn bị nguyên liệu sản xuất và kinh doanh, khôi phục sản xuất sau dịch.
Hàng hóa bị tồn kho tại Nhà máy sản xuất bánh kẹo Tân Tiến Phát
Chị Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc Nhà máy sản xuất bánh kẹo Tân Tiến Phát cho biết: “Chúng tôi thực sự rất mừng vì các ngân hàng đều cơ cấu nguồn để hỗ trợ cho vay mới. Chúng tôi có đơn hàng, sản phẩm bán rất “chạy” ở nhiều thị trường, chỉ cần có vốn để sản xuất và thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề vay thêm 5 tỷ đồng thì phía ngân hàng không chấp thuận".
Một số doanh nghiệp cho rằng, nhiều ngân hàng vẫn còn quá thận trọng đối với việc đánh giá mức độ tín nhiệm của DN. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc phải đảm bảo đủ tài sản thế chấp mới được cấp thêm hạn mức cho vay thực sự là làm khó doanh nghiệp. Bên cạnh đó thì, mức giảm của lãi suất vay chưa đủ để tạo ra tác động lớn, nhất là đối với những dư nợ lớn hàng chục tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, ngân hàng sẽ là chỗ dựa vững vàng cho DN (Trong ảnh: giao dịch tại Agribank Hà Tĩnh)
“Doanh nghiệp Hà Tĩnh nói chung, đặc biệt là các ngành như du lịch, vận tải, sản xuất… chẳng khác nào đang trong tình trạng “thở oxy”. Muốn tồn tại qua đại dịch, DN cần kế hoạch “ngủ đông” an toàn, có nghĩa dừng sản xuất kinh doanh nhưng vẫn duy trì hoạt động, chuẩn bị khôi phục sản xuất… Đừng để DN phải chờ đợi quá lâu, họ cần được hỗ trợ tín dụng để nắm bắt cơ hội quay trở lại thị trường, theo đúng tinh thần kích thích kinh tế", - ông Hoàng Trung Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh cho biết.
Đại diện một ngân hàng thương mại ở Hà Tĩnh cho hay, việc thực hiện gói tín dụng này vẫn đang được tích cực triển khai, tập trung vào nhóm khách hàng chủ yếu như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống, nông lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, vận tải, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu...
Tuy nhiên, phải hiểu thêm rằng, gói tín dụng ưu đãi không phải là tín dụng chính sách mà được chia sẻ giữa ngân hàng và khách hàng. Và, ngân hàng cũng sẽ nhận về những tiềm ẩn rủi ro nhất định khiến lợi nhuận suy giảm. Vì thế, việc thận trọng xem xét cũng là điều tất yếu.