Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc
P.V: Thưa ông, xin ông cho biết, theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ, có những đối tượng nào sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ?
Ông Nguyễn Trí Lạc: Dự thảo nghị quyết của Chính phủ và dự thảo các nhóm chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm có 9 nhóm chính sách sau:
Thứ nhất: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Hỗ trợ 3 tháng và thực hiện chi trả một lần.
Thứ hai: Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hỗ trợ 3 tháng và thực hiện chi trả một lần.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh.
Thứ ba: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 1 tháng làm việc trở lên. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế số lao động bị nghỉ việc.
Thứ tư: Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.
Thứ năm: Hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.
Thứ sáu: Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.
Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần Vinatex Hồng Lĩnh (Ảnh tư liệu)
Thứ bảy: Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm người lao động. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng.
Thứ tám: Hỗ trợ người sử dụng lao động và lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) tối đa không quá 12 tháng.
Thứ 9: Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện cho vay hằng tháng theo tình hình thực tế.
P.V: Như vậy, trước mắt, trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ xác định được số lượng bao nhiêu đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Lạc: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát toàn bộ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có lao động bị ngừng việc, lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; các đối tượng có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 660 đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và học viên cai nghiện ma túy đang được quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc. Ảnh: Giang Nam
Các đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có số liệu đầy đủ được quản lý trên hệ thống phần mềm. Nhóm đối tượng này có hơn 142.400 người; cụ thể có: 17.352 hộ nghèo, 19.374 hộ cận nghèo, 42.326 người có công với cách mạng và 63.424 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng (bao gồm cả người phục vụ).
Trên cơ sở số liệu đang quản lý, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã để tiến hành rà soát lại, nhằm xác định chính xác số đối tượng đến thời điểm hưởng các chính hỗ trợ.
P.V: Ngoài những nhóm đối tượng đã có danh sách cụ thể, đối với nhóm đối tượng còn lại, việc rà soát sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trí Lạc: Theo số liệu khảo sát sơ bộ của các ngành chức năng, các ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất do dịch bệnh Covid-19 là: vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí; các cơ sở giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp tư thục, dân lập, các đơn vị tự chủ một phần về tài chính, các cơ sở dịch vụ việc làm, tư vấn du học, xây dựng, các cơ sở may mặc, dệt may, các cơ sở chế biến nông lâm, thủy hải sản.
Theo khảo sát sơ bộ, ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch Covid là: du lịch, dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn... (Ảnh CTV).
Có khoảng hơn 36.000 lao động trong diện hợp đồng lao động bị tạm thời phải nghỉ việc hoặc bị mất việc làm; đối với người lao động làm việc tự do không có hợp đồng lao động bị mất việc làm và các hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nội dung lớn, khó và phức tạp, vì vậy, Sở LĐ-TB&XH, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã sẽ tiến hành rà soát chặt chẽ để đảm bảo chính xác về đối tượng.
P.V: Xin ông cho biết Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "Phải làm nhanh hơn vì cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”?
Ông Nguyễn Trí Lạc: Trước hết, ngành sẽ bám sát các quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, trên cơ sở đó phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng dự thảo kế hoạch tổng thể của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện các chính sách.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành liên quan rà soát chặt chẽ, xác định đúng đối tượng hưởng chính sách, thực hiện công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Kịp thời tham mưu đề xuất kinh phí hỗ trợ các đối tượng; hướng dẫn các sở, ngành địa phương triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và tham mưu, đề xuất các chế tài xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh xem xét, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách ở cơ sở.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!