1. Huyết áp 160/90 có cao không?
Huyết áp là lực của máu đẩy vào thành động mạch khi trái tim bơm máu. Huyết áp được đo bằng 2 chỉ số: Số đầu tiên là áp suất trong mạch máu khi tim đập - gọi là huyết áp tâm thu. Số thứ 2 đo lực máu trong động mạch khi tim thư giãn giữa các nhịp đập - gọi là huyết áp tâm trương.
Huyết áp được xem là bình thường nếu có kết quả không quá 120/80. Huyết áp được coi là cao là 140/90 trở lên. Nếu các chỉ số nằm ở giữa mức huyết áp bình thường và mức huyết áp cao thì được gọi là tiền cao huyết áp.
Vậy huyết áp 160/90 là gì? Đây là kết quả cho thấy huyết áp tâm trương là 160, huyết áp tâm thu là 90. Chỉ số này cao hơn mức huyết áp thông thường, cảnh báo về tình trạng bệnh nhân đang bị huyết áp cao.
2. Huyết áp 160 có nguy hiểm không?
Với câu hỏi huyết áp 160/90 có cao không, đáp án là có. Vậy huyết áp cao gây những ảnh hưởng như thế nào cho sức khỏe? Nếu không được điều trị và kiểm soát tốt, bệnh tăng huyết áp có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như:
- Tổn thương thận: Huyết áp cao làm cho các mạch máu trên khắp cơ thể (gồm cả ở thận) bị căng ra. Do căng thẳng thường xuyên, các mạch máu quanh thận bị suy yếu hoặc cứng lại. Điều này gây cản trở lưu lượng máu đến thận, làm suy giảm hoạt động bình thường của thận;
- Suy giảm thị lực: Huyết áp cao có thể làm vỡ hoặc xơ cứng các mạch máu cung cấp máu đến mắt, chặn dòng máu bình thường vào mắt, làm tổn thương dây thần kinh thị giác và giảm thị lực. Đây là bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ. Ngoài ra, huyết áp cao còn có thể gây tắc nghẽn các động mạch chuyên đưa máu đến võng mạc;
- Tổn thương mạch máu: Do lực bơm máu quá lớn nên các mạch máu phải căng ra để lưu thông dễ dàng, có thể khiến mạch máu bị vỡ;
- Chứng phình động mạch: Tăng huyết áp có thể dẫn tới chứng phình động mạch ở não, động mạch chủ, lá lách và chân. Đôi khi các động mạch bị tắc nghẽn ở những vị trí do chất béo tích tụ, dẫn đến kích hoạt tim bơm máu mạnh hơn bình thường để máu đẩy qua các đoạn này. Sự căng thẳng liên tục có thể khiến các động mạch dễ bị vỡ hơn, gây ra chứng phình động mạch;
- Đột quỵ: Là tình trạng xảy ra khi 1 mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Điều này ngăn chặn việc cung cấp oxy cho não, dẫn đến chết các mô não. Đột quỵ có thể gây tê liệt mặt, tay chân, thân người hoặc thậm chí tử vong;
- Rối loạn cương dương: Tình trạng huyết áp cao không cho phép các động mạch đưa máu vào dương vật để giãn ra theo cách bình thường trong quá trình giao hợp. Từ đó, nam giới dễ bị rối loạn cương dương;
Tiền sản giật: Quá trình mang bầu làm thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ, đôi khi dẫn đến cao huyết áp. Khi huyết áp cao xảy ra sau mốc 20 tuần và vẫn tiếp tục thì được gọi là tiền sản giật, có thể dẫn đến sản giật. Tình trạng này tuy chỉ là tạm thời nhưng có thể gây nguy hiểm đối với thai phụ và thai nhi.
3. Nên làm gì khi huyết áp 160/90?
Sau khi làm rõ câu hỏi huyết áp 160/90 có cao không thì người bệnh cần sớm điều chỉnh ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm trong tương lai. Nếu chưa từng được chẩn đoán mắc cao huyết áp, bệnh nhân nên đến các bác sĩ tim mạch để lập kế hoạch điều trị bệnh lâu dài. Nếu đang điều trị thì chỉ số huyết áp 160/90 được xem là chưa đạt mục tiêu, bệnh nhân cần tái khám sớm để bác sĩ điều chỉnh thuốc.
Việc điều trị bệnh tiên quyết là uống thuốc. Hầu hết những bệnh nhân bị huyết áp cao cần sử dụng 2 hoặc nhiều loại thuốc, kết hợp với việc thay đổi lối sống để giảm huyết áp về mức bình thường. Trong nhiều trường hợp, 2 loại thuốc có thể được sử dụng dưới dạng 1 viên duy nhất. Tốt nhất là bệnh nhân nên bắt đầu điều trị bằng 1 loại thuốc duy nhất.
Một số loại thuốc thường được chỉ định để điều trị cao huyết áp gồm: Thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế hấp thu canxi, thuốc giãn mạch, chất ức chế men chuyển ACE,... Có nhiều loại thuốc kéo dài hiệu quả cả ngày, chỉ cần uống 1 lần/ngày. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý các thuốc cần tới 6 tuần để phát huy đầy đủ tác dụng.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên chú ý phải uống thuốc theo đơn thường xuyên, theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, bệnh nhân nên mang thuốc theo bên người để sử dụng vào đúng thời điểm quy định. Bên cạnh đó, người bệnh cần xây dựng thói quen tự đo huyết áp hằng ngày. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên ghi nhớ tới thời điểm tái khám. Trong mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả điều trị, đáp ứng thuốc của bệnh nhân để có sự điều chỉnh về liều dùng, loại thuốc,... cho phù hợp.
Ngoài ra, vì có mối liên hệ chặt chẽ giữa các yếu tố môi trường và chỉ số huyết áp nên người bệnh tăng huyết áp với chỉ số 160/90 cần xây dựng lối sống phù hợp để ổn định huyết áp. Cụ thể:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc, sản phẩm từ sữa ít béo, cá, gia cầm, cây họ đậu, các loại hạt, dầu thực vật. Bệnh nhân nên hạn chế chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa, thịt đỏ, đồ ngọt, đồ uống có đường;
- Giảm muối trong chế độ ăn. Người bệnh nên ăn nhạt tối đa, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ướp nhiều muối;
- Không nên uống rượu bia, bỏ thuốc lá hay các chất kích thích khác;
- Hoạt động thể chất nhiều hơn bằng việc tập thể dục, chơi thể thao hoặc làm việc nhà, trồng cây thư giãn;
- Kiểm soát căng thẳng, áp lực cuộc sống;
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hợp lý;
- Duy trì cân nặng thích hợp.
Như vậy, đáp án cho câu hỏi huyết áp 160/90 có cao không là có. Khi đo được huyết áp ở chỉ số này, người bệnh nên đi khám bác sĩ ngay. Nếu được xác định bị cao huyết áp, bệnh nhân nên kết hợp uống thuốc đều đặn với thói quen ăn uống điều độ, sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thường xuyên. Từ đó, người bệnh sẽ nhanh chóng ổn định huyết áp, tránh được những biến chứng liên quan nếu không kiểm soát được bệnh.