Ân tình câu ví Trường Lưu

(Baohatinh.vn) - Can Lộc từ xưa đã là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Nơi đây còn là cái nôi của những điệu ví phường vải say đắm lòng người. Ấy là điệu ví Trường Lưu da diết, ân tình mà thâm thúy. Một lần đến Trường Lưu thưởng thức câu ví trầm bổng, luyến láy cũng đủ để thốt lên rằng: Trót say câu ví đò đưa/ Cũng đành cà mặn, nhút chua một đời...

Trường Lưu – cái nôi văn hóa

Con đường dẫn tôi về xã Trường Lộc trong nắng ấm của tiết giao mùa. Cánh đồng lúa xanh mướt vẫy chào trong gió, những ngôi nhà ẩn hiện sau hàng cây. Trước mỗi hiên nhà giờ đây không còn hình dáng của chiếc khung cửi bởi nghề dệt vải đã mai một từ lâu. Câu hát ví bởi thế cũng trầm hẳn. Thế nhưng, giữa xô bồ của dòng chảy hiện đại và cuộc sống thuần nông vất vả, điệu ví vẫn có một nguồn sống âm ỉ chứ không hề lụi tắt.

Tiết mục hát đối giao duyên tại liên hoan CLB dân ca ví, giặm xứ Nghệ
Tiết mục hát đối giao duyên tại liên hoan CLB dân ca ví, giặm xứ Nghệ

Xưa, Trường Lộc có làng Trường Lưu hay Tràng Lưu, thuộc tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An. Cho đến nay chưa có một tài liệu thành văn nào đủ tin cậy về quá trình lập làng mà chỉ dựa vào truyền ngôn từ ngày xưa để lại. Đó là dựa trên sự định cư, lập làng, có thể vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Làng Trường Lưu nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng; giàu truyền thống yêu nước, cách mạng; con người sống nghĩa tình, hòa mục, thủy chung. Nhắc đến Trường Lưu là nhắc đến dòng văn họ Nguyễn Huy, Phúc Giang thư viện, “Tràng Lưu bát cảnh”. Mảnh đất nhỏ bé ấy quả thực chất chứa bao nét đẹp văn hóa hiếm có.

Ví phường vải Trường Lưu thâm thúy mà ân tình

Trường Lưu xưa nổi tiếng với nghề dệt vải, gọi là phường vải. Hát ví phường vải cũng ra đời trên cơ sở đó và phát triển mạnh nhất vào thế kỷ XVIII. Thời ấy, con gái Trường Lưu vừa đẹp người, đẹp nết, lại chăm chỉ dệt lụa quay tơ nên các nam thanh, nho sĩ trong vùng đều muốn tới thăm, trước là để thử tài, sau thì cân sắc. Dần dà, Trường Lưu trở thành một trong những tụ điểm hát phường vải có tiếng tăm của vùng văn hóa Xứ Nghệ.

Người ta gọi hát ví phường vải là hát ví của những người quay tơ, kéo sợi. Dệt vải phải trải qua các công đoạn: dạt bông, bỏ hạt đem phơi khô, xe sợi, xe con cúi, quay tơ, kéo sợi và dệt vải cho ra thành phẩm. Chỉ có khi quay tơ, kéo sợi, người dệt vải mới có thể vừa làm việc vừa hát theo nhịp nhẹ nhàng, mềm mại của khung cửi. Nó cũng đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo cao. Điều độc đáo nữa đó là khung cửi thường được đặt giữa sân vào đêm trăng sáng. Họ kéo nhau từ nhà này sang nhà khác, rồi ra cả sân đình mà say sưa với câu hát. Giữa không gian bao la mà thanh thoát, người ta hát với người và cũng hát với đời. Câu hát ấm tình người và ấm cả đất trời.

Lối hát của ví phường vải cũng hết sức tinh tế, chia làm 3 chặng: từ hát chào, hát mừng rồi hát đố, hát đối và cuối cùng là hát mời, hát xe kết, hát tiễn. Nó như một câu chuyện giữa đời thực nhưng được xen bởi âm điệu ngọt ngào, câu hát dí dỏm mang ý nghĩa vừa thử thách vừa yêu thương. Ví phường vải Trường Lưu được đánh giá là lối hát chặt chẽ, quy củ nhất, có luật của lối giao duyên. Nó cũng khắt khe hơn bởi có sự tham gia của các nhà nho, các vị khoa bảng và các cậu học trò. Chính lời ca dung dị mà sâu sắc, những giai điệu thiết tha, trầm bổng quyện lẫn cả cái tình chân chất của người xưa gửi gắm mà khiến từng câu hát có sức lôi cuốn đến không ngờ.

Đằng sau đó còn là những chuyện tình đầy chất thơ của trai gái phường vải. Vì mê hát mà sinh thời Đại thi hào Nguyễn Du đã không quản ngại vượt truông Hống, đò Cài đến với Trường Lưu để được gặp gỡ, hát giao duyên với các o phường vải. Để rồi bao nhớ thương, đam mê dồn nén trong “Thác lời trai phường nón”, “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ” gửi o Uy và ả Sạ. Hay Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu cũng đã từng vượt bao quãng đường xa ngái để tìm về với câu ví phường vải.

Nỗi lòng nghệ nhân

Để hiểu rõ hơn về ví phường vải, tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Hà. Bà Hà đã bước sang tuổi 65 và dù đang ốm nhưng khi biết tôi có ý định tìm hiểu về hát ví, bà vẫn cười tươi rồi cùng trò chuyện. Xen giữa những câu chuyện và sẻ chia, bà lại cất tiếng hát để minh họa và giải thích cho tôi hiểu rõ. Lời hát da diết, trầm bổng khiến người nghe chẳng muốn rời.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Hà: Chỉ mong sao thời gian còn lại truyền đạt thêm cho con cháu để có thể giữ gìn nét đẹp văn hóa quê hương...
Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Hà: Chỉ mong sao thời gian còn lại truyền đạt thêm cho con cháu để có thể giữ gìn nét đẹp văn hóa quê hương...

Mỗi khi có chương trình văn nghệ quần chúng, bà lại đưa hát ví vào để làm sống dậy loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Thời gian tới, bà sẽ tập hợp các cụ già để dạy hát cho các cháu nhỏ. Người nghệ nhân ấy chia sẻ: “Tôi không rõ mình đến với hát ví tự lúc nào, trước chỉ hát theo cha mẹ và nghệ sĩ ưu tú Đức Duy (cũng là cha đẻ của nghệ nhân hát ví Trần Thị Lý tại Trường Lưu) rồi thành niềm đam mê. Nay nghề vải không còn, người tham gia hát ví cũng ít dần, chỉ mong sao thời gian còn lại truyền đạt thêm cho con cháu để có thể giữ gìn nét đẹp văn hóa quê hương”. Tôi hiểu những dự định của bà, dự định đầy trăn trở của một con người cả đời gắn với những câu hát.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Tín - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Xã đã thành lập câu lạc bộ hát ví được 2 năm. Các cụ già và cả thanh thiếu niên, nhi đồng dần dần yêu thích và có ý thức tham gia, vậy nhưng, khó khăn nhất vẫn là kinh phí. Xã đang kêu gọi sự đóng góp của con em xa quê để giúp câu lạc bộ hoạt động tốt hơn”.

Trong mạch nguồn dân ca ví, giặm Xứ Nghệ, ví phường vải Trường Lưu nổi bật như một người con gái nặng ân tình, khiến ta da diết, khắc khoải. Chỉ tha thiết rằng, thế hệ sau vẫn đủ bản lĩnh và đam mê để gìn giữ, phát huy loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này, để di sản văn hóa dân ca ví, giặm sắp được UNESCO công nhận là di sản đại diện của nhân loại sẽ sống mãi cùng đất trời Trường Lưu và năm châu bốn biển.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast