Ao làng, một mảnh hồn quê!

Tôi sinh ra ở một làng quê yên bình. Có nhiều thứ gắn bó với tôi, những kỉ niệm thân thương trong đó có ao làng. Ao làng, nơi lưu giữ những kí ức tuổi thơ, nơi in dấu những hình ảnh quen thuộc, nơi có bóng dáng một người làm tôi thao thức nhiều đêm.

Ảnh: cuocsongviet.com.vn

Làng không chỉ là đơn vị hành chính, mà còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.

Ở các làng quê trên đất nước ta, đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ, làm nên hồn quê thân thương không thể không nhắc đến ao làng.

Làng của người Việt được lũy tre bao bọc xung quanh, từ cây đa đầu làng, bến nước, sân đình… đã tạo nên quần thể vững chắc. Ao làng chính là những lá phổi làm dịu mát làng quê trong những ngày hè nóng nực, làm ấm hơn những giá lạnh ngày đông. Ao còn là nơi tiêu úng trong mùa nước lũ, là nơi cung cấp nước ngọt trong mùa khô hạn. Ao còn là nơi sinh sống của rất nhiều loài thủy sinh góp phần tạo nên không gian vốn rất đỗi yên bình của làng quê. Mỗi nhà đều có một lối đi ra cầu ao, đúng là bậc cầu ao thuở xa xưa, thật gập ghềnh, khấp khểnh, rồi sau lối ra cầu ao nhà tôi được cha xây lại thành 3 bậc. Ao là nơi chứng kiến, là nơi tham gia vào mọi sinh hoạt của mỗi gia đình. Hàng ngày, mẹ tôi bà tôi thường rửa rau, giặt giũ, gánh nước tưới cây, cha tôi đi làm đồng về chân vẫn lấm bùn, cha lội xuống tận bậc sâu, ngâm cả đôi chân trần mà khỏa vào làn nước trong veo mát rượi…

Ao làng gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu. Đó là quãng thời gian tươi đẹp nhất của mỗi con người, được ấp ủ nâng niu, được vô tư chẳng có những lo âu, toan tính. Những trưa hè cùng lũ bạn trốn mẹ đi tập bơi rồi khi đã biết bơi thì trốn ngủ để đi tắm, những buổi thả câu dưới bóng cây khế già tỏa bóng mát rượi.

Lớn lên chút nữa tôi hay ngó sang phía trái bờ ao bên kia cũng có một cầu ao. Chẳng hiểu sao tôi hay ngóng vu vơ phía cầu ao bên ấy. Đó là cầu ao nhà bác Nhẫn có cô con gái tên Duyên, chiều chiều, Duyên hay ngồi giặt giũ dưới bóng cây Vối. Khi còn nhỏ tôi hay sang xin quả vối về ăn, sau tôi tranh cả phần của em Oanh sang xin lá vối về cho nội nấu nước. Tôi vẫn nhớ rõ nụ cười lấp lánh của Duyên tan vào những lớp sóng tỏa đầy mặt ao. Duyên trở về, mặt ao lặng yên in hình cả bầu trời cao xanh có điểm thêm những làn mây trắng xốp đang lững lờ trôi. Tôi như kẻ bị thôi miên trước hình ảnh nên thơ, yên bình trong trẻo ấy. Hay đó là cảm xúc của thời mới lớn quá lãng mạn chăng? Tôi cũng không biết nữa, chỉ biết rằng dù đã đi qua bao nẻo đường thời gian thì tôi vẫn muốn giữ nguyên những cảm xúc ngọt ngào đó.

Ảnh: www.worldatlaspedia.com

Ao là thế, là máu thịt của làng quê, ao không chỉ gắn bó với riêng tôi mà là tài sản chung của mỗi người dân quê tôi, nhưng gần đây ao đang mất dần vị trí vốn có từ bao đời nay. Ao đã bị lấp đi vì nhiều mục đích khác nhau, nhiều căn hộ cao tầng được mọc lên từ những ao thân thương, quần tụ ngày xưa. Vì nhiều ao bi lấp nên môi trường làng quê cũng bị thay đổi, bầu không khí trong lành đang mất dần. Còn đâu những ao thu nước trong leo lẻo. Một số ao còn lại dù không bị lấp thì cũng bị xâm lấn trở thành ao tù, nước đọng. Lũ trẻ con không còn nơi để buông câu, tập bơi vào những trưa hè, không còn những đom đóm lập lèo bên bờ ao, không còn những bụi lục bình tím ngát mặt ao, không còn những bông súng tím rung rinh tên mặt nước… Sự đổi thay ấy đang làm mất dần đi cái vẻ hồn hậu vốn có của làng quê, một nét đẹp văn hóa của làng từng gắn bó với bao lớp người dân quê tôi. Ao làng đang chìm dần vào quên lãng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast