Bạo lực từ các cổ động viên Pháp: Bóng đêm ở kinh đô ánh sáng

Người Pháp nổi tiếng là hào hoa và lịch lãm, nhưng cổ động viên Pháp cũng được coi là hung bạo và hiếu chiến bậc nhất. Paris, kinh đô ánh sáng và hoa lệ, trung tâm hành chính - kinh tế - chính trị - văn hóa của nước Pháp lại chính là nơi mà xung đột văn hóa và sắc tộc, những ngòi nổ cho các cuộc bạo loạn liên miên giữa các nhóm cổ động viên, giữa các hooligan với cảnh sát, trở thành vấn nạn khó xóa bỏ. Kết cục luôn là nhà tù, bệnh viện, thậm chí là cái chết.

Dù ở bất cứ đâu, trong cuộc “chiến tranh” giữa các cổ động viên (CĐV), bóng đá luôn là nạn nhân của chính những mâu thuẫn tồn tại trong lòng xã hội ấy. Ở Pháp, một đất nước mà những người nhập cư gốc Phi luôn bị coi là nguồn gốc gây ra bất ổn, mất an ninh, hoặc nạn thất nghiệp gia tăng, tệ phân biệt chủng tộc và tư duy cục bộ địa phương đã tàn phá cách hành xử của các CĐV, một bộ phận nhỏ dân cư ngày ngày luôn đối mặt với cách ứng xử hằn học của cộng đồng họ đang sống.

Vấn nạn hooligan của các sân bóng nước Pháp - Ảnh Getty
Vấn nạn hooligan của các sân bóng nước Pháp - Ảnh Getty

Các CĐV Pháp không chỉ có ý thức rất mạnh về dân tộc của họ, mà ngay trong lòng các địa phương họ cư trú và các tổ chức họ đang sinh hoạt, mâu thuẫn dẫn đến đổ máu luôn có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào.

Những tên hooligan Pháp có thể đánh nhau với các CĐV đến từ Bỉ, Anh, Đức, Italia và Scotland, nhưng trên mảnh đất hình lục lăng, luôn tồn tại một sự hận thù ghê gớm giữa các CĐV miền Bắc và miền Nam, được biểu hiện qua những cuộc giao tranh liên miên giữa các nhóm CĐV của PSG (miền Bắc) và Marseille (miền Nam). Xe ô tô biển Paris sẽ bị đốt ở Marseille, và ngược lại. Lá cờ có biểu tượng của hai đội bóng không chỉ là niềm tự hào, mà còn là thông điệp chiến tranh. CĐV Paris nhìn vào lá cờ Marseille, và ngược lại?

Giống như việc một con bò tót nhìn thấy màu đỏ. Một thập kỷ qua, bạo loạn luôn trở thành một thứ “trang sức” đen tối cho những cuộc chiến “Kinh điển” giữa PSG - Marseille luôn được báo chí Pháp tô hồng và quảng cáo về chất lượng, nhưng đằng sau nó là dùi cui, máu, nước mắt, và tệ hơn cả là cái chết.

Mổ xẻ đến tận cùng, thì cuộc chiến ấy ở Pháp không chỉ mang tính vùng miền. Mùa trước, vào cuối tháng Hai, trận “Kinh điển” ở Paris đã phải diễn ra trong tình trạng không có bất kỳ khán giả nào đến từ Marseille tham dự, sau một cuộc tẩy chay phản đối việc cảnh sát buộc họ phải di chuyển đến Paris theo một lộ trình bị giám sát nghiêm ngặt. Nhưng bạo loạn vẫn xảy ra giữa chính các CĐV Paris, và dẫn đến cái chết của một CĐV 38 tuổi có tên Yanni L., sau một vụ đánh nhau ngay ngoài sân đấu (PSG đã thua Marseille đến 0-3) giữa 2 nhóm hooligan “Tribune d’Auteuil” và “The Kop of Boulogne” của PSG.

Một cuộc chiến giữa những kẻ da trắng điên loạn bị ám ảnh vì tư tưởng phát xít mới (“The Kop of Boulogne”) và những người nhập cư đủ mọi thành phần đổ về Pháp mỗi năm, luôn tự coi họ như nạn nhân của sự chà đạp và ánh mắt ghẻ lạnh của những người bản xứ (“Tribune d’Auteuil”). Cùng trên một sân đấu, là hai thế giới khác biệt, nơi người ta vào sân không phải để xem bóng đá, mà để kích nổ sự thù hận tồn tại dai dẳng bên ngoài sân cỏ.

Đó là bóng đen đã bao phủ kinh đô ánh sáng suốt một thập kỷ qua, với hàng chục vụ bạo loạn lớn nhỏ, hàng trăm người bị thương và số tiền phạt các CLB có thể đủ xây vài SVĐ Parc des Princes. Nó trở thành một vấn đề buộc giới chính trị phải can thiệp.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng bạo lực của bóng đá thủ đô, trong các cuộc gặp mặt với Chủ tịch Ban tổ chức Ligue 1, ông Frederic Thiriez.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Brice Hortefeux thậm chí đã sử dụng quyền lực của mình tác động khiến Ban tổ chức Các giải bóng đá chuyên nghiệp Pháp (LFP) phải ra án phạt đóng cửa SVĐ trong trận Auxerre - PSG trong khuôn khổ tứ kết Cúp Liên đoàn mùa trước.

Nguyên Tổng thống Pháp Jacques Chirac từng thổ lộ rằng ông thật sự kinh hoàng vì các báo cáo sau các vụ bạo loạn, thường gắn liền với những hành vi phân biệt chủng tộc và bài người Do Thái.

Các nhà làm luật Pháp cũng đã bổ sung khung hình phạt ngày một gia tăng đối với các hành vi bạo loạn của các nhóm CĐV quá khích. Nhưng cho đến nay, bóng đêm bạo lực vẫn là một vấn đề nan giải, và nó trở nên đặc biệt nghiêm trọng trong bóng đá.

Nhưng đó cũng không phải là vấn đề chỉ tồn tại trong bóng đá, với một xã hội phức tạp và quá nhiều thành phần như nước Pháp. Bóng đá phản chiếu một phần xã hội ấy, có những nét hào nhoáng và sang trọng, nhưng đằng sau vẫn tồn tại một khoảng tối của bạo lực, ở trung tâm văn minh của châu Âu, không chỉ là văn minh trong bóng đá...

Theo Thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast