Cần tăng cường chấn chỉnh hoạt động lễ hội tại các khu di tích

Sau Tết Nguyên đán, theo tập tục cổ truyền dân tộc ta, những lễ hội mùa xuân lại diễn ra thành kính và náo nức tại các di tích lịch sử nổi tiếng. Tại Hà Tĩnh trước và sau Tết, người dân bản địa có thể đi lễ ở Đền Chợ Củi (Xuân Hồng – Nghi Xuân), đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cẩm Hổ (TX Hồng Lĩnh), Chùa Hương Tích (Thiên Lộc – Can Lộc) đến đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh – Kỳ Anh), Miếu Ao (Thạch Trị – Thạch Hà), đền Tam Lang (Hậu Lộc – Lộc Hà)...

Để đảm bảo tính tôn nghiêm ở những cơ sở tôn giáo, vấn đề cần quan tâm trước mùa lễ hội chính là công tác quản lý tại các di tích và văn hóa ứng xử với lễ hội của người đi lễ. Mới đây, trong bản dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ VH – TT & DL Hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo năm 2013, trong đó quy định rõ: “Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải bảo đảm tính tôn nghiêm, trang trọng, phải có sơ đồ hướng dẫn về giao thông, sơ đồ các khu vực nội tự, điểm hành lễ, thờ tự, nơi đặt lễ, dâng hương, hoá vàng; Có biển giới thiệu tóm tắt lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hoá nghệ thuật của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Bố trí hợp lý nơi sắp lễ, nơi dâng lễ, đốt hương, viết sớ, hoá sớ, nơi thắp hương; Có nội quy quy định đối với khách đến tham quan, tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo về an ninh, trật tự, trang phục, ứng xử, tuyên truyền du khách không đốt đồ mã, chống các biểu hiện mê tín dị đoan. Nghiêm cấm đánh bạc dưới mọi hình thức; Bố trí nơi chứa rác thải, nhà vệ sinh và các hoạt động dịch vụ phục vụ cho khách thuận lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy”.

Chùa Hương không có chỗ châm hương dẫn đến tình trạng lộn xộn, nhếch nhác. Ảnh Minh Huệ

Chùa Hương không có chỗ châm hương dẫn đến tình trạng lộn xộn, nhếch nhác. Ảnh Minh Huệ

Hiện nay, ngoài việc chưa có sơ đồ hướng dẫn về giao thông và khu vực nội tự, nhìn chung các đền, chùa, miếu ở Hà Tĩnh đã thực hiện nghiêm túc các quy định trên, chỉ riêng tại đền Chợ Củi vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Không chỉ ngôi đền thiêng liêng thu hút hàng trăm ngàn lượt khách thập phương này nhiều năm qua đã không được tu bổ, tôn tạo đúng mức mà BQL ở đây còn làm ngơ để những tốp đồng cô tứ xứ về nhảy múa nhiều ngày đêm trong điện chính gây phiền hà cho người đi lễ.

Ngoài ra, tại Chùa Hương Tích, chẳng hiểu vì lý do gì, trong mùa lễ hội năm ngoái và dịp trước Tết Nguyên Đán năm nay, những hình ảnh thắp hương, đốt vàng mã lộn xộn và tình trạng ăn xin dọc đường vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến tâm lý du khách. Hoặc ở di tích Miếu Ao do diện tích nhỏ hẹp, tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau khi đi lễ vẫn là vấn đề nhức nhối.

Những màn múa của đồng cô ở đền chợ Củi gây phiền hà cho nhiều du khách. Ảnh Internet

Những màn múa của đồng cô ở đền chợ Củi gây phiền hà cho nhiều du khách. Ảnh Internet

Bên cạnh đó, vấn đề ý thức văn hóa của người đi lễ cũng không kém phần quan trọng. Dự thảo thông tư nói trên cũng quy định đối với người đi lễ: “Chấp hành nghiêm những quy định của chính quyền địa phương, nội quy của cơ sở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Tôn trọng mọi người và bảo đảm sự trang nghiêm của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Có ý thức bảo vệ di tích của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, giữ gìn vệ sinh, môi trường. Thực hiện nếp sống văn minh khi tham quan các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng; Không lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, lừa đảo, tuyên truyền chống lại Nhà nước”.

Hiện nay, khi đến các cơ sở tôn giáo chúng tôi vẫn bắt gặp những hành vi kém văn hóa của người đi lễ như xả rác nơi công cộng, chen lấn xô đẩy nhau nơi thờ cúng linh thiêng, mua sắm đồ mã quá nhiều lại cồng kềnh, nói năng bỗ bã, múa cô đồng và ném tiền vung vãi trong điện thờ... không hợp với không khí tôn nghiêm của đền, chùa.

Mùa lễ hội đang đến gần, một số cơ sở tôn giáo đã bắt đầu công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội mới, theo đó nhiều hạn chế đã được chấn chỉnh. Ông Phan Công Đính – Trưởng BQL đền Nguyễn Thị Bích Châu cho biết: “Nhằm tránh tình trạng mất an toàn trong dịp lễ hội năm nay, BQL di tích đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu quy định du khách đến làm lễ không được đốt vàng mã quá nhiều, không được vào thắp hương, khấn vái ở khu mộ mà chỉ được hành lễ ở thượng điện. Ngoài ra, nhằm phục vụ du khách chu đáo hơn, vừa qua BQL cũng đã đầu tư xây dựng bãi giữ xe, chuyển khu rửa lễ từ phía sau ra phía trước và bố trí các thầy giúp lễ đầy đủ hướng dẫn bà con. Ngoài ra phần hội đầu xuân ở đền cũng được quán triệt tổ chức đầy các cấp, các ngành và BQL các khu di tích cần quán triệt tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy về tổ chức lễ hội. Hiện nay đủ, phong phú trên tinh thần tiết kiệm, vui là chính”.

Để gìn giữ không gian thanh tĩnh, thiêng liêng cho các đền, chùa, các BQL cần tăng cường chấn chỉnh công tác lễ hội ngay từ bây giờ theo tinh thần các chỉ thị 27 (của Bộ Chính trị) và 20 (của Tỉnh ủy). Và mong rằng những người đi lễ cũng tìm thấy sự siêu linh, tĩnh độ và không khí ngày xuân qua cái tâm thành kính của mình chứ không phải là ở sự nhiều ít của lễ vật hay bất cứ hình thức cúng bái mê tín dị đoan nào.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast