Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu

Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu, còn gọi là đền Bà Hải, đền Hải Khẩu, hay đền Chế Thắng phu nhân, cung phi vua Trần Duệ Tông, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Trải qua sự biến thiên của thời gian và lịch sử, đền vẫn giữ được vẻ cổ kính, linh thiêng, trở thành địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng.

Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu ở thôn Hải Khẩu (xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), được xây dựng thời Trần chỉ có tiền miếu hậu lăng, đến năm 1470, đền có 3 toà: Hạ điện, trung điện và thượng điện.

Bà Nguyễn Thị Bích Châu quê ở xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, con gái của một đại thần họ Nguyễn nổi tiếng thanh liêm. Đến năm Long Khánh thứ nhất (1373), nàng được Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi. Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến nhà Trần suy vong, nhân tài không được trọng dụng, cung phi Nguyễn Thị Bích Châu thảo bản “Kế minh thập sách” dâng lên nhà vua, được vua khen là thông tuệ.

Năm 1377, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành, trước khi đi Bích Châu làm tờ biểu can ngăn nhưng vua không nghe. Khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn), vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem vàng ngọc tới quan quân ta để trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Nguyễn Thị Bích Châu cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận và bị trúng tên độc, từ trần. Ba ngày sau, vì bệnh quá nặng nhà vua cũng băng hà. Quân nhà Trần rút về kinh, khi tới Châu Hoan gặp sóng to gió lớn phải ghé vào vũng Ô Tôn (Vũng Áng).

Vua Trần Đế mới lên ngôi, xuống chiếu rước linh cữu nhà vua về bằng đường bộ còn linh cửu quý phi đi bằng đường biển. Sau mấy ngày thời tiết không thuận lợi, triều đình xuống chiếu cho an táng Quý phi tại Cửa Khẩu, bến Kỳ La, huyện Kỳ Hoa thuộc Châu Hoan. Năm 1470, trong lần đem quân đi đánh Chiêm Thành giành chiến thắng trở về, vua Lê Thánh Tông cho quân dừng lại nơi đây và sai người chặt gỗ, gọt đá, xây dựng ba toà điện thờ bà và sắc phong cho bà là: “Chế Thắng phu nhân”.

Đền Bích Châu được xây dựng trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500m2, quay về hướng đông nam. Phía trước đền, từ trái sang phải là núi Ô Tôn có đền Eo Bạch được xây dựng cuối đời Trần. Vũng Áng còn gọi là "Cửa Cá" nổi tiếng với nhiều hải sản quý như tôm hùm, mực, yến sào... Núi Cao Vọng có hang nhỏ tương truyền là nơi ẩn náu của Hồ Hán Thương vào năm 1407. Sau lưng đền, xa xa là núi Bàn Độ có đầm Tiên nữ, có bàn cờ tiên, xưa là nơi có rất nhiều hươu sao. Đỉnh núi bằng phẳng giống như cái mâm vàng đặt qua biển (kim bàn đồ hải) nên có tên là núi Bàn Độ.

Toàn bộ công trình của đền hiện tại được bao quanh bằng cát bồi lấp thành bức tường tự nhiên. Ba toà điện Hạ điện, Trung điện, Thượng điện và nhà dâng hương là hệ thống nối liền khép kín với nhau kiến trúc theo kiểu chữ Công (I). Phía sau thượng điện tương truyền có mộ của bà Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu.

Hà Tĩnh Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast