Điệp khúc buồn của đội tuyển Bóng chuyền Hà Tĩnh

Sau hơn 15 năm khi đội tuyển bóng đá Hà Tĩnh tan rã, ngành thể TDTT Hà Tĩnh chuyển sang thuê thầy, tuyển thợ đầu tư cho bộ môn bóng chuyền với mục tiêu sẽ tiến dần lên hạng các đội mạnh để hội nhập với làng bóng chuyền Việt Nam. Tuy nhiên, mới chỉ 3 năm hình thành, bóng chuyền Hà Tĩnh đã lộ dần những tín hiệu buồn, nếu không muốn nói đang có nguy cơ sắp bị "tèo" theo bóng đá.

Sự trở lại của bóng chuyền Hà Tĩnh

Được sự quan tâm của tỉnh, năm 2010, bộ môn bóng chuyền Hà Tĩnh được khởi động lại với rất nhiều tham vọng sẽ làm nức lòng khán giả người hâm mộ tỉnh nhà. Vì so với bóng đá, cơ cấu lực lượng của đội quân bóng bóng chuyền gọn nhẹ hơn, kinh phí đầu tư ít tốn kém hơn nhưng vẫn tạo được sân chơi hấp dẫn vừa cuốn hút đam mê của người hâm mộ, vừa dễ tìm kiếm cơ hội khẳng định màu cờ sắc áo của thể thao tỉnh nhà. Ngay sau khi bị thất bại ở bộ môn bóng đá, trên tinh thần định hướng của tỉnh, Sở VHTT&DL Hà Tĩnh đã chỉ đạo Trung tâm HLTT tỉnh tiến hành tìm kiếm HLV có trình độ chuyên môn để dẫn dắt, xây dựng đội tuyển bóng chuyền Hà Tĩnh.

Một buổi tập có vẻ rất hài hước của "lực lượng" bóng chuyền Hà Tĩnh

Một buổi tập có vẻ rất hài hước của "lực lượng" bóng chuyền Hà Tĩnh

Trung tâm ĐTHL Thể thao TTC đã cất công Nam tiến mời ông Trịnh Hòai Ngọc, HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền Quân khu 7 về trực tiếp làm HLV trưởng đội tuyển. Ngay sau khi hợp đồng thơm thảo được ký kết, ông Ngọc đã phối hợp với ông Trương Hải Quân (trợ lý HLV) tiến hành thâm nhập cơ sở tìm kiếm, tuyển mộ VĐV. Theo chỉ tiêu xây dựng đội tuyển, có 12 VĐV trẻ của bộ môn bóng chuyền đã được gọi vào đội tuyển bóng chuyền Hà tĩnh kèm theo bản hợp đồng dài hạn khá hấp dẫn và được đáp ứng đầy đủ các chế độ đãi ngộ ưu ái, thầy trò HLV Trịnh Hòai Ngọc đã dày công, chăm chỉ luyện rèn khí chất tài năng.

Năm 2011, thầy Ngọc nhanh chóng xuất quân, trình làng sản phẩm đào tạo của mình với một dàn cầu thủ trẻ trung, sung sức và đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, lần đầu tiên tham gia giải hạng A toàn quốc năm 2011, đội quân non trẻ của ông Ngọc chưa đủ trình độ và kinh nghiệm để lập công. Kết quả, mùa giải năm đó, đội chỉ dành được một trận thắng nhờ đội bạn bỏ cuộc, còn lại đội tuyển bóng chuyền Hà Tĩnh liên tục thua trận và bị loại khỏi giải. Tuy nhiên, sự thất bại tại giải hạng A toàn quốc năm 2011 vẫn không làm nản lòng thầy trò HLV Trịnh Hoài Ngọc. Vì mục tiêu của đội là chỉ đề giao lưu, cọ xát, học hỏi kinh nghiệm.

Trở về từ giải hạng A toàn quốc năm 2011, theo phương pháp vừa huấn luyện vừa đào thải, Ban huấn luyện đã chủ động tìm kiếm, tuyển mộ tài năng bổ sung cho đội tuyển và kiên trì khổ luyện với mục tiêu sẽ giành quền lên hạng ở mùa giải 2012. . Tuy nhiên, mục tiêu mùa giải năm 2012 đã không được như mong đợi khi đội tuyển bóng chuyền Hà Tĩnh tiếp tục để thua suốt tất cả các trận thi đấu.

Sau thất bại bết bát tại mùa gải hạng A toàn quốc năm 2012, HLV Trịnh Hòai Ngọc chia tay với đội tuyển trong khi chưa hết hạn hợp đồng.

Sân chơi các giải phong trào tự phát vẫn được các ngành, các địa phương duy trì thường xuyên hàng năm

Sân chơi các giải phong trào tự phát vẫn được các ngành, các địa phương duy trì thường xuyên hàng năm

Vẫn điệp khúc buồn

Tương tự kịch bản của bóng đá, sau khi để thua bết bát cả 2 mùa giải bóng chuyền hạng A quốc gia, bóng chuyền Hà Tĩnh mới chỉ 3 năm hình thành đã lộ dần những tín hiệu buồn bất ổn, nếu không muốn nói đang có nguy cơ sắp bị tèo theo chân bóng đá.

Gần 3 năm gắn bó với bóng chuyền Hà Tĩnh, HLV Trịnh Hoài Ngọc chưa thể đáp lại niềm tin yêu, kỳ vọng của người hâm mộ tỉnh nhà nhưng cuộc chia tay vội vã của ông đã để lại cho đội bóng một khoảng trống hết sức ảm đạm, tinh thần của một số cầu thủ bị lung lay. Những VĐV có trình độ chuyên môn hơi yếu tỏ ra bi quan. Trong đó, em Nguyễn Lê Bằng đã chia tay đội bóng về đi bộ đội. Thế chân lấp khoảng trống của thầy Ngọc bỏ lại, ông Trương Hải Quân (cán bộ HLV của Trung tâm ĐTHL thể thao TTC) được bổ nhiệm tạm thời điều hành công tác huấn luyện đội tuyển.

Chúng tôi đã có dịp trực tiếp Nhà thi đấu thể thao tỉnh để mục sở thị hoạt động của đội tuyển. Không khí luyện tập của các cầu thủ hết sức lèo tèo, không được sôi động như trước đây nhưng số VĐV còn lại của đội tuyển vẫn đến sân tập như một nhiệm vụ phải làm. Hiện nay, Trung tâm đang tìm HLV đảm nhiệm vị trí HLV trưởng và đang có ý định tiếp tục bổ sung nguồn VĐV cho đội tuyển với hy vọng sẽ cải thiện tình hình cho đội bóng. Nghe đâu có 3 học trò thầy Ngọc được gọi vào lớp tập huấn dự tuyển trẻ quốc gia, tuy nhiên nhìn từ cách quản lý, đào tạo và không khí hoạt động hiện nay của tòan đội, người hâm mộ vẫn tỏ ra quan ngại cho tương lai của bóng chuyền Hà Tĩnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thủy Nguyên - Giám đốc Trung tâm ĐTHL thể thao tỉnh thừa nhận: từ khi tái đầu tư xây dựng đội bóng chuyền Hà Tĩnh đến nay, mọi hoạt động đào tạo, huấn luyện và thi đấu hàng năm chỉ dựa vào kế hoạch của HLV, chưa có một đề án định hướng cụ thể nào cho chiến lược phát triển bền vững của bóng chuyền Hà Tĩnh.

Thiết nghĩ, để bóng chuyền Hà Tĩnh phát triển không đi theo vết xe đổ của bóng đá, ngành VHTT & DL cần có sự chỉ đạo nghiêm túc đối với công các đào tạo thể thao TTC. Đặc biệt, cần sớm có một đề án định hướng phát triển nghiêm túc cho bóng chuyền Hà Tĩnh theo đúng lộ trình và phải được thẩm định chặt chẽ, khoa học, đảm bảo tính phát triển bền vững mới đầu tư kinh phí, không nên đầu tư phát triển TTTTC theo kiểu hoạt động sự nghiệp.

Mong những bất cập của đội tuyển bóng chuyền sẽ được chấn chính khắc phục và có lộ trình phát triển rõ ràng để hội nhập với bóng chuyền nước nhà trong tương lai.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast