Hài ti vi 'giết chết' hài ngoài đời

Tổng kết năm 2014, nếu những chương trình giải trí truyền hình thiên về âm nhạc bị đánh giá “giảm nhiệt”, thì hài hước lại “leo thang”. Năm 2015 hài sẽ vẫn còn nóng với những chương trình của các đài truyền hình. Tuy nhiên, liệu sự bùng nổ chương trình hài trên truyền hình là tín hiệu đáng mừng?

“Ti vi và mạng “xài rất hao hàng”, đây chính là thách thức mới của hài, buộc hài phải thay đổi, chứ không thể quẩn quanh chuyện thắt/mở nút kịch bản, hoặc nhờ hình thể để gây cười, mà cần đi vào sự suy ngẫm của người xem. Chúng ta cũng cần nhớ mục đích của tiếng cười sân khấu không chỉ để mua vui, mà còn để đem đến thông điệp tốt đẹp, phê phán các thói hư tật xấu” - nghệ sĩ hài Bảo Chung cho biết.

Chương trình hài Tài tiếu tuyệt được xem là chương trình có chất lượng hiện nay

Chương trình hài Tài tiếu tuyệt được xem là chương trình có chất lượng hiện nay

Hài tràn lan trên truyền hình

Hiện đã bắt đầu phát sóng các chương trình như: Hội ngộ danh hài 2015 (HTV7, HN1 từ 10/1), Gặp nhau để cười (VTV9, từ 12/1).

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất (ví dụ Jet Studio) và một vài kênh khác cũng đang rục rịch sản xuất các chương trình hài truyền hình. Đó là chưa tính kênh chuyên phát hài 24/24 là SCTV1 sắp có 2 chương trình hài hoàn toàn mới. Trên HTV2 Tài tiếu tuyệt (phát sóng tối Chủ nhật) đang chuẩn bị ghi hình mùa thứ 7, còn Vitamin cười (phát sóng tối thứ Bảy) cũng đang phát sóng và ghi hình mới.

Rồi các chương trình hài trên SCTV17, Đài PT&TH Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh… các chuyên mục hài trên hệ thống kênh HTV như Chuyện không của riêng ai, Bác Ba Phì thời @, Chuyện cảnh giác, Siêu thị cười… Nếu Người bí ẩn và Ơn giời, cậu đây rồi!... tiếp tục lên sóng như dự kiến, thì truyền hình giải trí tha hồ mà hài.

Nếu xem những tiết mục biểu diễn trên sân khấu là “thật”, thì việc ghi hình những tiết mục ấy để phát sóng, bỏ lên mạng… tạm xem là “ảo”. Khoảng 5 năm gần đây, với các chương trình giải trí liên quan đến xem và nghe, “ảo” có vẻ lấn át “thật”.

Thu hẹp đất sống của sân khấu

Nghệ sĩ hài Tiết Cương kể rằng khoảng 8-9 năm trước anh có vở tấu hài Anh chàng đa tình rất ăn khách, thế rồi Gala cười (VTV3) mời ghi hình để phát sóng, sau đó đĩa lậu tràn lan, nhóm của anh có chút tiếng mà hoàn toàn mất miếng, các tụ điểm không kêu diễn nữa. Theo Tiết Cương, đây là một trong vài nguyên do chính khiến tấu hài hết đất sống ngoài đời, nhưng lại tăng đất sống trên truyền hình, rồi trên mạng. Các nhà đài khi ghi hình thường lựa những tiểu phẩm đã hút khách, các nhóm hài cũng muốn chiều theo cho đỡ tập tiết mục mới, thành ra “ăn một lần rồi thôi”. “Giá như cả đôi bên cùng nỗ lực làm kịch bản mới, tiết mục mới thì tấu hài đã không thu hẹp đất sống nhanh như vậy” - Tiết Cương nói.

Nghệ sĩ hài Vũ Thanh chia sẻ dù chương trình hài nhiều như vậy, nhưng để tìm sự khác nhau, chứ chưa nói sự đặc sắc, là rất khó. “Cứ na ná giống nhau từ chủ đề, kịch bản, cách diễn, thông điệp, mảng miếng… thành ra dễ mai một về nghề. Ngày trước chỉ có vài mảng miếng lạ là sống được, vì chạy sô, mỗi sân khấu có mỗi lượng khán giả riêng, còn ngày nay cái gì cũng lên ti vi, lên mạng, lười là chết ngay, vì khán giả có phương tiện để so sánh. Tôi đã viết cả trăm kịch bản hài trên truyền hình, nhưng vẫn muốn cả đôi bên phải tìm được cách nào đó để các chương trình hài có hướng đi riêng, đừng giẫm đạp lên nhau” - Vũ Thanh nói.

Nghệ sĩ hài Hữu Nghĩa cũng chia sẻ quan điểm này. “Các chương trình hài của Việt Nam đang rất thiếu 3 yếu tố “tài - tiếu - tuyệt”. Có người có “tài” nhưng diễn vẫn chưa “tiếu”, dẫn đến tác phẩm không thể nào “tuyệt” được. Cá nhân tôi thấy nhiều tiểu phẩm Tài tiếu tuyệt của HTV2 đã đạt đến 3 yếu tố này, nên rất cần nhân rộng về chất lượng chứ không phải số lượng, để tiếng cười không bị người xem cười chê”.

Những chương trình hài có chất lượng như Tài tiếu tuyệt đang trở thành áp lực của các nhóm hài, buộc họ liên tục phải làm mới, nhưng ghi hình xong là “coi như xong”, chẳng thể diễn ngoài đời, vì khán giả đã chán.

Theo Văn Bảy/TT&VH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast